Mô hình tự quản ở khu, ấp: Đáp ứng nhu cầu đời sống ở khu dân cư
(BDO)
Nhiều mô hình tổ tự quản ở khu, ấp được thành lập đã góp phần xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Trong ảnh: Ban Công tác mặt trận ấp Nhựt Thạnh, xã Thạnh Hội (TX.Tân Uyên) thực hiện mô hình tuyến đường hoa tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp
“Đi từng ngõ, gõ từng nhà...”
Nhờ chú trọng phối hợp tuyên truyền, nhiều mô hình tự quản đã được các địa phương nhân rộng, phát huy tập thể và tinh thần tự nguyện tham gia của người dân. Toàn tỉnh hiện có 733 mô hình tự quản khác nhau. Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, ủy ban MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên trong tỉnh đã tập trung hướng dẫn khu dân cư xây dựng mô hình tự quản với nhiều giải pháp như lồng ghép chương trình phối hợp vận động toàn dân tham gia phòng chống tội phạm, ma túy, mại dâm, phòng chống HIV/AIDS, các tệ nạn xã hội; bảo đảm trật tự an toàn giao thông; bảo vệ môi trường...
Trong từng chương trình phối hợp, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đều xây dựng mô hình điểm. Tính đến nay, tỉnh đã hỗ trợ kinh phí xây dựng 68 mô hình điểm với 10.200 thành viên thuộc chương trình “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”. MTTQ các cấp cũng đã nỗ lực, huy động mọi nguồn lực thành lập và nhân rộng thêm 500 mô hình với nhiều tên gọi khác phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Ban chủ nhiệm các mô hình xây dựng kế hoạch hoạt động, thực hiện với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, chú trọng công tác tuyên truyền bằng cách lồng ghép trong các cuộc họp, xây dựng các quy chế, quy ước của cộng đồng.
Hiệu quả từ các mô hình điểm
Đối với chương trình “Vận động toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông”, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh hướng dẫn, hỗ trợ kinh phí xây dựng 46 mô hình điểm “Tổ tự quản an toàn giao thông” tại các khu dân cư. Từ những mô hình điểm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp triển khai nhân rộng thêm 174 mô hình tự quản về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Mô hình “Tổ tự quản an toàn giao thông” ở ấp Hiệp Thọ, xã Định Hiệp (huyện Dầu Tiếng) được thực hiện điểm từ năm 2017. Sau khi mô hình được thành lập, ban công tác mặt trận ấp đã tổ chức ký cam kết trong các tổ chức đoàn thể và từng hộ dân về việc chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ. Từ khi thành lập mô hình đến nay, tình hình vi phạm an toàn giao thông, tai nạn giao thông trên địa bàn ấp giảm đáng kể, không có các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra.
Ông Nguyễn Quang Hạnh, Trưởng ban Công tác mặt trận ấp Hiệp Thọ, cho biết qua thực hiện mô hình đã nâng cao vai trò của Ban Công tác mặt trận ấp, cán bộ các chi hội, tổ hội, người có uy tín trong cộng đồng dân cư tuyên truyền, vận động nhân dân, đoàn viên và hội viên tham gia giao thông an toàn. Ban Công tác mặt trận ấp tích cực tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn giao thông trong những buổi họp dân, trên hệ thống loa truyền thanh của ấp, các buổi sinh hoạt của tổ chức đoàn thể, lồng ghép vận động và nói chuyện chuyên đề; chú trọng tuyên truyền, vận động để người dân thấy được mục đích thiết thực của mô hình là bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ tính mạng và tài sản của mỗi người dân.
Song song đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp đã phối hợp với tổ chức thành viên, cơ quan chức năng triển khai lồng ghép phong trào thi đua yêu nước và các đề án gắn với các cuộc vận động nhằm xây dựng các mô hình tự quản, như: “MTTQ tham gia phòng chống tội phạm - ma túy”, “Toàn dân tham gia phòng chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư”… MTTQ đã chủ trì xây dựng được 10 mô hình “MTTQ tham gia phòng chống tội phạm”, 9 mô hình “MTTQ tham gia phòng chống ma túy” và 16 mô hình “Phòng chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư”.
Bà Ngô Thị Uyên, Trưởng ban Công tác mặt trận khu phố Bình Đường 2 (phường An Bình, TP.Dĩ An), cho biết: “Năm 2014, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam phường chọn khu phố thành lập điểm mô hình MTTQ với mô hình phòng chống HIV/ AIDS trong cộng đồng dân cư với 50 thành viên. Ban Công tác mặt trận khu phố đã phối hợp với các đoàn thể đến từng nhà trọ để tuyên truyền. Mặt khác, mỗi thành viên là một tuyên truyền viên cho người thân và mọi người xung quanh. Kết quả phường đã tuyên truyền được 20 cuộc với 2.800 lượt người tham gia tìm hiểu về tác hại, nâng cao nhận thức phòng tránh lây nhiễm bệnh HIV/AIDS”.
Có thể nói, MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên luôn phát huy tinh thần sáng tạo và tự quản của nhân dân trong việc triển khai các phong trào, cuộc vận động với nhiều nội dung phong phú. Mỗi ngành, mỗi tổ chức, đoàn thể đều xây dựng mô hình điểm, lấy khu dân cư làm địa bàn triển khai thực hiện. Nhìn chung, các mô hình, trong đó có mô hình tự quản đã phát huy được tinh thần đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng, góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp... Việc xây dựng các mô hình tự quản trên địa bàn tỉnh đã từng bước được thực hiện và ngày càng thường xuyên, có trọng tâm; huy động sự phối kết hợp của nhiều cấp, nhiều ngành; nâng cao nhận thức của nhân dân và vai trò của cán bộ cơ sở Mặt trận và các đoàn thể; đáp ứng nhu cầu đời sống ở khu dân cư.
K.TUYẾN