Mô hình truyền thông kết hợp cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ: Những hiệu quả bước đầu
(BDO)
Năm 2014, mô hình truyền thông kết hợp cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS), kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) do Hội KHHGĐ tỉnh phối hợp với các ngành thực hiện tiếp tục phát huy hiệu quả. Mô hình đã góp phần nâng cao kiến thức chăm sóc SKSS, KHHGĐ trong công nhân lao động (CNLĐ)…
Một buổi tư vấn trong khuôn khổ mô hình truyền thông kết hợp cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS, KHHGĐ tại Công ty TNHH Chí Hùng. Ảnh: H.THUẬN
Từ năm 2013, Hội KHHGĐ tỉnh được Trung ương Hội KHHGĐ Việt Nam và Tổng cục Dân số đầu tư triển khai mô hình truyền thông kết hợp cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS, KHHGĐ cho công nhân tại các khu công nghiệp. Mô hình được triển khai thực hiện nhằm mục đích nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về chăm sóc SKSS, KHHGĐ cho người lao động tại khu công nghiệp, khu chế xuất và tăng cường cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS, KHHGĐ, góp phần nâng cao chất lượng dân số. Để triển khai mô hình đạt hiệu quả, Hội KHHGĐ tỉnh đã phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh tham mưu UBND tỉnh có công văn chỉ đạo những chủ doanh nghiệp (DN), các tổ chức công đoàn triển khai và thực hiện mô hình. Ngoài ra, hội còn chủ động tổ chức hội nghị triển khai mô hình với sự tham gia của các ngành, đoàn thể, các DN được chọn thực hiện mô hình và những địa phương có DN đóng trên địa bàn.
Năm 2014, Trung ương Hội tiếp tục hỗ trợ triển khai mô hình trên ở 2 công ty là Công ty TNHH Chí Hùng (TX.Tân Uyên) và Công ty Sản xuất và Xuất nhập khẩu 3-2 (TX.Thuận An). Bác sĩ Vũ Thị Kim Tính, Chủ tịch Hội KHHGĐ tỉnh cho biết, kết hợp với truyền thông, Tỉnh hội đã tổ chức cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS, KHHGĐ cho CNLĐ tại 2 công ty này. Trong 2 năm qua, Hội KHHGĐ tỉnh đã tổ chức thực hiện 36 buổi truyền thông lưu động tại 2 DN, với 3.000 lượt CNLĐ tham dự; đồng thời cung cấp 4.660 lượt dịch vụ. Chỉ tiêu truyền thông và cung cấp dịch vụ trong năm qua đạt 100%.
Trong quá trình triển khai thực hiện mô hình trên, tại Công ty TNHH Chí Hùng đã thành lập được một câu lạc bộ (CLB) “CNLĐ với SKSS”. CLB này có 20 hội viên được lựa chọn từ những CNLĐ tại DN. Ban chủ nhiệm và các hội viên trong CLB được Tỉnh hội tập huấn về nhiệm vụ, quyền hạn, cách thức điều hành CLB theo mục tiêu của dự án. Hàng tuần, CLB tổ chức sinh hoạt đều đặn vào lúc 16 giờ thứ sáu tại DN. “Đây là mô hình mới dành cho đối tượng CNLĐ trong DN và phần lớn là người lao động nhập cư. Thời gian qua, CLB hoạt động rất tích cực, mỗi hội viên đã trở thành một tuyên truyền viên vận động CNLĐ về chăm sóc SKSS, dân số, KHHGĐ; góp phần rất lớn vào thành công và phát huy hiệu quả của dự án”, bác sĩ Vũ Thị Kim Tính đánh giá.
Mô hình truyền thông kết hợp cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS, KHHGĐ cho công nhân tại khu công nghiệp tuy mới được triển khai thí điểm nhưng kết quả bước đầu rất tốt. “Phần lớn người lao động trong các DN là người ngoài tỉnh (từ 80 - 90%), do phải làm việc suốt ngày nên điều kiện chăm sóc sức khỏe của họ có phần hạn chế. Qua triển khai thí điểm mô hình này tại 2 công ty, chúng tôi thấy rằng, CNLĐ đã được nâng cao về mặt kiến thức cũng như thay đổi hành vi về chăm sóc SKSS, dân số, KHHGĐ. Đặc biệt, từ những hiệu quả thiết thực mà dự án này mang lại cho người lao động, nên thái độ của các chủ DN cũng có sự thay đổi và tích cực ủng hộ dự án hoạt động”, bác sĩ Vũ Thị Kim Tính, Chủ tịch Hội KHHGĐ tỉnh nói.
Những hiệu quả bước đầu từ mô hình truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS, KHHGĐ do Hội KHHGĐ tỉnh triển khai thực hiện trong 2 năm qua rất đáng kể. Đây là những tiền đề để Hội KHHGĐ tỉnh tiếp tục triển khai rộng việc cung cấp dịch vụ SKSS, KHHGĐ cho CNLĐ trên địa bàn tỉnh và các đối tượng khác, như học sinh trong độ tuổi vị thành niên, thanh niên; người dân ở vùng khó khăn… trong thời gian tới.
HỒNG THUẬN