Mô hình sản xuất rau an toàn: Những tín hiệu lạc quan
Để có thể tạo ra các sản phẩm rau an toàn (RAT) đạt chất lượng phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của thị trường, nông dân trong tỉnh đã hình thành và có những tín hiệu lạc quan từ các vùng chuyên canh RAT. Vùng RAT thị trấn Uyên Hưng, huyện Tân Uyên
Nhu cầu về rau xanh trong bữa ăn hàng ngày của người dân ngày càng tăng và không chỉ dừng lại ở mức tươi, ngon mà còn phải bảo đảm an toàn với sức khỏe. Chính vì vậy, việc hình thành các vùng chuyên canh RAT để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân là hết sức cần thiết. Một trong những đơn vị tiên phong trong việc thực hiện các dự án này là Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh.
Với dự án “Xây dựng vùng sản xuất RAT tỉnh Bình Dương, giai đoạn 2010-2012”, Chi cục BVTV tỉnh đã xây dựng thành công mô hình trồng RAT khép kín từ đầu vào đến đầu ra ở 2 điểm là xã Tân Định (Bến Cát) và thị trấn Uyên Hưng (Tân Uyên). Mô hình sản xuất RAT tại xã Tân Định hiện có 45 hộ tham gia, với diện tích 11 ha, chủ yếu là trồng các loại rau ăn quả như khổ qua, dưa leo, đậu rồng, đậu đũa... Mô hình sản xuất RAT tại thị trấn Uyên Hưng có 23 hộ tham gia với diện tích 10 ha, chủ yếu trồng các loại rau ăn lá như hành, cải...
Tại các điểm sản xuất RAT này, từ lâu đã có các hộ dân trồng rau nhưng ở trình độ thấp và quy mô nhỏ lẻ theo kiểu truyền thống. Việc thực hiện dự án tại các điểm này đã nâng dần “tay nghề” của các hộ sản xuất rau tại đây lên tầm cao mới. Vì vậy, năng suất rau đạt cao, thu nhập của người trồng rau tăng lên đáng kể. Qua một thời gian triển khai thực hiện dự án, cây rau được trồng tại 2 điểm này đều sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất trung bình trên dưa leo đạt 20 tấn/ha, khổ qua đạt 18 tấn/ha và hành lá đạt 14 tấn/ha. Trong năm 2011 và 6 tháng đầu năm 2012, hai điểm trồng RAT này đã cung cấp cho người tiêu dùng trên 900 tấn rau các loại, trong đó có trên 50 tấn được đưa vào tiêu thụ tại các siêu thị. Trung bình mỗi tháng, cung cấp cho các siêu thị khoảng 5 tấn rau các loại.
Điểm mới của 2 mô hình này là có sự điều hành hoạt động của các tổ trưởng, có cán bộ kỹ thuật theo dõi và tập huấn thường xuyên cho các hộ trồng rau về quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, sử dụng bẫy dính côn trùng phòng trừ sâu bệnh, kỹ thuật sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả trên cây rau, ghi chép nhật ký đồng ruộng.
Ông Nguyễn Hữu Hiền, Tổ trưởng Tổ sản xuất RAT thị trấn Uyên Hưng, cho biết: “Nông dân chúng tôi từ lâu đã nghe về RAT và được đi tham quan nhiều mô hình trồng RAT tại các địa phương khác, nên khi được tham gia vào các mô hình, sản xuất RAT này, chúng tôi rất vui. Ngoài việc hỗ trợ về giống và vật tư để hình thành nên mô hình, tham gia mô hình, chúng tôi còn được trang bị kiến thức về quy trình sản xuất RAT, biết cách sản xuất như thế nào cho hiệu quả mà không gây nguy hại đến sức khỏe của chính mình và cộng đồng”.
Do quen với kiểu sản xuất truyền thống nên khi tham gia mô hình, nhiều người trồng rau không khỏi bỡ ngỡ với kiểu sản xuất mới. Một trong những công việc có thể xem là khó khăn với các hộ nông dân trồng rau tại các điểm này là ghi chép nhật ký đồng ruộng. Tuy nhiên, qua thời gian thực hiện, đến nay hầu hết đều đã thuần thục. Qua công tác tuyên truyền của cán bộ kỹ thuật, người tham gia dự án đã hiểu được tầm quan trọng của công việc này. Đây là điều bắt buộc phải có và là cơ sở để truy nguyên nguồn gốc sản phẩm, chứng nhận giám sát, kiểm tra làm căn cứ để cấp giấy chứng nhận sản phẩm rau được sản xuất theo quy trình an toàn, quy trình VietGAP. Vì vậy, công việc này được các hộ tham gia dự án thực hiện một cách nghiêm túc. Ngoài ra, các mẫu rau tại đây được định kỳ kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu và tất cả đều cho kết quả an toàn.
Từ các mô hình RAT, hiệu ứng đối với các hộ dân lân cận vùng dự án cũng khá tốt. Mặc dù không tham gia dự án, nhưng qua tìm hiểu, tham quan, họ đã tự nguyện làm theo quy trình của các hộ dân trong dự án. Nhờ đó, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện thêm nhiều mô hình sản xuất rau của nông dân đạt độ an toàn, trong đó có các mô hình trồng rau thủy canh vừa bảo đảm độ an toàn, vừa có hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, khác với các sản phẩm rau của 2 mô hình trồng RAT, người sản xuất rau ngoài dự án vẫn còn thiệt thòi vì không thể đưa sản phẩm vào siêu thị do không được chứng nhận là RAT do chưa thực hiện đầy đủ các quy định nghiêm ngặt. Sản phẩm của những hộ nông dân này mặc dù đạt độ an toàn cao, nhưng khi đem ra chợ bán, họ cũng chỉ có thể bán đồng giá với các loại rau sản xuất theo cách truyền thống! Trong khi đó, theo ông Nguyễn Phong Huy, Trưởng phòng BVTV - Chi cục BVTV tỉnh, mặc dù nhu cầu của các siêu thị là rất lớn nhưng các mô hình trồng RAT không thể cung ứng đủ do không đủ số lượng hoặc nguồn cung ứng không được liên tục.
Điều đó cho thấy, để các mô hình trồng RAT tiếp tục phát triển khi kết thúc dự án, cơ quan hữu quan cần tiếp tục “sát cánh” cùng người trồng rau, tiếp tục hướng dẫn, giám sát họ thực hiện nghiêm ngặt các quy định sản xuất RAT. Cùng với đó, các cơ quan hữu quan cần tích cực làm “cầu nối” để sản phẩm của họ có thể vào được siêu thị nếu đủ chuẩn.
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh: Sẽ tiếp tục tuyên truyền để người dân trồng rau theo đúng quy định...
Thời gian qua, ngoài các hộ chuyên canh rau theo kiểu truyền thống, một số ít các hộ trồng rau tham gia vào dự án trồng RAT vẫn chưa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó chủ yếu là “vướng” dư lượng thuốc BVTV. Do vậy, thời gian tới, Chi cục BVTV sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng và truyền thông tiếp tục tuyên truyền, giải thích cho người trồng rau hiểu về cách thức sử dụng thuốc BVTV hiệu quả, an toàn. Song song đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các sản phẩm rau, tập huấn, kiểm tra các đại lý bán thuốc BVTV để có thể kiểm soát tốt việc sử dụng các loại thuốc ngoài danh mục. Nếu phát hiện các trường hợp cố tình vi phạm, chúng tôi sẽ tiến hành xử lý theo quy định.
Cao Sơn