Mô hình kinh tế HTX kiểu mới: Mở lối trong khó khăn

Thứ bảy, ngày 18/05/2013

Tính đến hết quý I năm 2013, toàn tỉnh Bình Dương có 116 hợp tác xã (HTX) hoạt động chủ yếu trên các lĩnh vực quỹ tín dụng, giao thông vận tải, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp, thương mại dịch vụ và xây dựng. Những thành công bước đầu của các HTX này cho thấy, mô hình làm kinh tế tập thể là hữu hiệu trong thời điểm hiện nay.

Theo chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng HTX kiểu mới, xã viên có toàn quyền quyết định đối với tài sản và những hoạt động sản xuất của họ. Theo đó, HTX được thành lập chỉ với mục đích hỗ trợ về dịch vụ đầu vào, đầu ra của sản phẩm và giải quyết việc làm cho người lao động địa phương. Với mục đích đó, mô hình kinh tế HTX kiểu mới đang tỏ ra hiệu quả trên đất Bình Dương.

Chỗ dựa cho xã viên

Theo những tiêu chí mới về kinh tế tập thể HTX, các xã viên thuộc HTX sẽ được tư vấn, hỗ trợ về vấn đề đầu vào nguyên vật liệu, cây con giống, đầu ra sản phẩm. Cụ thể, ban chủ nhiệm HTX sẽ là đầu mối dịch vụ tìm kiếm nguồn cung đầu vào và đầu ra. Từ thực tiễn hoạt động của những HTX ở Bình Dương cho thấy, mô hình này mang lại những thuận lợi đáng kể cho các xã viên so với trước khi gia nhập HTX.

Quỹ tín dụng là một trong những thành công của kinh tế HTX kiểu mới ở Bình Dương

Trong chuyến công tác đến một số HTX nông nghiệp ở Dầu Tiếng, chúng tôi được nghe các xã viên phấn khởi kể, từ ngày gia nhập HTX, việc tìm cây con giống và nguồn xuất sản phẩm đã không còn đáng lo ngại. “Trước khi vào HTX, cứ đến đầu vụ là chúng tôi phải nhao nhao đi tìm thị trường tiêu thụ. Nhưng hầu hết đều không có kết quả nên đành bán cho thương lái với giá rẻ”, ông Nguyễn Văn Hưng, xã viên HTX Thanh Tân, Thanh An (Dầu Tiếng) cho biết. Trước đây, đối với những hộ nông dân chuyên canh cây cao su, ngoài việc tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm (mủ cao su) thì việc tìm cây giống, vật tư và các loại thuốc men phòng ngừa sâu bệnh luôn là vấn đề nan giải. “Đi mua ở công ty lớn thì họ chê ít không bán, về mua ở đại lý thì giá trên trời”, ông Hưng nói tiếp.

Theo lời kể của ông Hưng, từ ngày vào HTX, gia đình ông được hỗ trợ toàn bộ các khoản từ tìm cây giống, vật tư, phân bón, thuốc men. Ngoài ra, vấn đề nan giải xưa nay là tìm thị trường tiêu thụ mủ của gia đình ông cũng được HTX đứng ra bảo đảm.

Việc “bán đúng nơi, mua đúng chỗ” không những giúp xã viên của HTX đạt được doanh thu cao nhất mà còn là động lực giúp họ quyết tâm hơn với việc sản xuất kinh doanh. Từ ngày vào HTX, việc làm rẫy cao su của gia đình ông Huỳnh Văn Công (xã Long Nguyên, Bến Cát) đã khá nhẹ nhàng vì không phải đau đầu tìm mối bán mủ, mua phân. “Mấy khoản đầu ra, đầu vào và kỹ thuật đã có HTX lo rồi, mình chỉ việc phải làm tốt công việc ở nương rẫy nữa thôi” ông Công cho hay. Cũng nhờ vậy mà trong năm 2012, gia đình ông Công đã quyết định bỏ tiền ra mua thêm 5 ha cao su ở xã Long Hòa (Dầu Tiếng).

Bình Dương luôn xem phát triển mô hình kinh tế tập thể HTX là một trong những điểm mấu chốt quan trọng trong công cuộc vận động xây dựng nông thôn mới. Việc phát triển đa ngành nghề đối với kinh tế tập thể HTX được tỉnh chỉ đạo thực hiện từ nhiều năm nay đã bước đầu mang lại kết quả. Trong năm 2012, hơn 90% trong số 116 HTX trên địa bàn tỉnh đạt doanh thu cao hơn so với năm trước.

Cùng nhau làm giàu!

Ngoài việc hỗ trợ xã viên tìm kiếm đầu vào cây con giống, nguyên vật liệu và thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho các xã viên, một số HTX đã mạnh dạn mở rộng mô hình sản xuất, kinh doanh. Theo đó, ngoài việc làm kinh tế dựa trên những thế mạnh truyền thống, một số HTX đã mạnh dạn đề xuất triển khai sang những lĩnh vực mới.

Ở thời điểm năm 1997, không mấy ai nghĩ rằng những người nông dân chân lấm tay bùn ở Phước Hòa (Phú Giáo) sáng suốt và đi đúng con đường khi thành lập Quỹ tín dụng nhân dân Phước Hòa. Tính đến năm 2010, sự lớn mạnh từng ngày của quỹ tín dụng này thể hiện rõ rệt thông qua những con số đáng nể: 4.424 thành viên, tổng vốn 192,702 tỷ đồng. So với 12 thành viên và 50 triệu đồng hồi mới thành lập, đây có thể nói là một con số đáng nể mà không mấy doanh nghiệp làm được.

Tương tự với Quỹ tín dụng nhân dân Phước Hòa, trong năm 2012 và đầu năm 2013 vừa qua, một số HTX nông nghiệp ở Dầu Tiếng, Tân Uyên cũng đã có quyết định mở rộng lĩnh vực hoạt động. Dù bước đầu còn khó khăn nhưng hầu hết các xã viên của những HTX này đều tin tưởng vào quyết định của chính mình. “Phải bắt tay vào làm mới biết được. Tôi tin với sự chung tay của toàn bộ xã viên, HTX sẽ thành công trên mọi nẻo đường”, ông Trần Văn Hòa, xã viên HTX Thanh Long (Bến Cát) tin tưởng.

Trong năm 2012 vừa qua, Liên minh HTX tỉnh Bình Dương đã có những cuộc họp triển khai nhiều mô hình kinh tế mới tới các HTX trực thuộc trong tỉnh. Liên minh HTX đã có những định hướng phát triển, mở rộng cho các HTX về lĩnh vực cũng như địa bàn hoạt động. Ông Trần Văn Lực, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bình Dương cho biết: “Ở thời buổi kinh tế khó khăn chung hiện nay, việc mọi người liên kết với nhau làm kinh tế sẽ giúp giảm thiểu những rủi ro về mặt thị trường tiêu thụ cũng như đầu vào cây con giống, vật tư...”.

Theo ông Lực, để kinh tế tập thể ở Bình Dương phát triển, ngoài việc các xã viên phải năng nổ, chung tay vì việc chung thì sự hỗ trợ của chính quyền địa phương cũng là một điều quan trọng. Ông Lực cho biết, ngoài hỗ trợ những thủ tục pháp lý nhanh gọn, các ngành chức năng địa phương còn giúp đỡ các HTX trong việc tìm kiếm nguồn cung đầu vào và đầu ra sản phẩm.

 ĐÌNH THẮNG