Mô hình hợp tác xã phát huy hiệu quả
(BDO) Mặc dù mới thành lập chưa lâu nhưng hợp tác xã (HTX) tổng hợp Ngọc Quang Thanh tại xã Hiếu Liêm chuyên về sản xuất, kinh doanh cây ăn trái có múi đã phát huy tốt vai trò của mình và hoạt động rất hiệu quả. Trung bình mỗi ngày HTX cung cấp 5 - 10 tấn trái cây ra thị trường, góp phần nâng cao thu nhập cho xã viên, đồng thời giúp xã viên yên tâm chuyên canh, chăm sóc vườn cây.
HTX Ngọc Quang Thanh thu mua từ 5 - 10 tấn trái cây mỗi ngày
Hỗ trợ phát triển kinh tế
Ông Nguyễn Thành Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX, cho biết xuất phát từ thực tế của địa phương trong việc sản xuất nông nghiệp chủ yếu là trái cây có múi theo tính tự phát, quy mô theo hộ gia đình, chưa có liên kết trong việc tiêu thụ sản phẩm, các hộ liên kết huy động vốn và thành viên để thành lập HTX. Với sự hỗ trợ của Hội Nông dân xã và Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Tân Uyên, HTX Ngọc Quang Thanh được cấp giấy chứng nhận và đi vào hoạt động vào tháng 9-2020. Ban đầu HTX huy động được 7 thành viên với số vốn góp 250 triệu đồng, nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân huyện 600 triệu đồng, diện tích đất canh tác 11ha, chủ yếu trồng cây ăn trái có múi.
Thay vì sản xuất nhỏ lẻ cây có múi theo hộ gia đình, HTX Ngọc Quang Thanh thành lập đã giúp các xã viên tương trợ nhau và có điều kiện tạo ra nhiều lợi nhuận hơn. Anh Phạm Hoàng Sơn, xã viên cho biết gia nhập vào HTX được trao đổi, học hỏi kiến thức về chăm sóc cây có múi, đặc biệt xã viên hoàn toàn yên tâm sản xuất vì đầu ra đã được bảo đảm. Lợi nhuận từ đó cũng được nâng cao, đời sống của xã viên ổn định hơn.
“Mỗi ngày, HTX thu mua và xuất ra thị trường từ 5 - 10 tấn trái cây, ngoài thu mua của 9 xã viên, HTX Ngọc Quang Thanh còn thu mua trái cây có múi của người dân tại địa phương và cả khu vực Đồng Nai. Thị trường tiêu thụ chủ yếu ở khu vực các tỉnh miền Bắc, miền Trung, các chợ đầu mối Thủ Đức (TP.Hồ Chí Minh), Dầu Giây và Tân Biên (Đồng Nai). Các thương lái chợ đầu mối đánh giá rất tốt về chất lượng cây có múi của huyện Bắc Tân Uyên”, ông Quang cho biết thêm.
Nỗ lực nâng cao chất lượng
Trước tình trạng thị trường cây ăn trái có múi đang dần trở nên bão hòa do tốc độ tăng trưởng nhanh tại các địa phương, các xã viên trong HTX luôn nỗ lực để nâng cao về chất lượng, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất theo quy trình VietGAP để sản phẩm đạt tiêu chuẩn về chất lượng, mẫu mã đẹp, an toàn vệ sinh.
Bên cạnh đó, HTX đã phát huy được thương hiệu, nhãn hiệu tập thể “Cam Bắc Tân Uyên”, “Bưởi Bắc Tân Uyên” để giữ vững và mở rộng thị trường. “Trong việc ký kết tiêu thụ sản phẩm của người dân theo danh mục đăng ký, HTX ưu tiên cho các sản phẩm có giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn như VietGAP, hữu cơ... Hội đồng quản trị HTX tiếp tục vận động các thành viên tham gia và huy động vốn, tài sản, sản phẩm của các thành viên sản xuất, tạo ra nguồn sản phẩm dồi dào, đủ sức cạnh tranh trên thị trường, tạo thương hiệu cho HTX cũng như địa phương”, ông Quang chia sẻ.
Đánh giá về hiệu quả hoạt động của HTX Ngọc Quang Thanh, ông Huỳnh Tấn Lợi, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bắc Tân Uyên, cho biết: “Việc thành lập mô hình HTX đã thể hiện được vai trò “hạt nhân” trong việc thúc đẩy liên kết, sản xuất, tạo việc làm và tăng thu nhập cho thành viên và nông dân. Chính vì vậy, huyện luôn chú trọng phát triển mô hình kinh tế này. HTX Ngọc Quang Thanh đã và đang làm tốt vai trò là “bệ đỡ” cho xã viên và nhà vườn tại địa phương, qua đó nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình và góp phần thúc đẩy sựtăng trưởng kinh tế cho địa phương”.
TIẾN HẠNH