“Mở đường” cho phát triển

Thứ ba, ngày 19/12/2023

(BDO) Quy hoạch vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xem là công cụ định hướng, giúp “mở đường”, tạo ra các động lực, tiềm năng, không gian phát triển mới. Trong đó, việc xác định được kịch bản tăng trưởng của vùng để có những giải pháp đột phá đóng vai trò hết sức quan trọng.

Ngày 15-12, tại phiên họp trực tuyến với Hội đồng Thẩm định quy hoạch vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch vùng đã được thông qua với kịch bản tăng trưởng được lựa chọn là từ 8 - 9%/năm trong thời kỳ 2021-2030.

Để thực hiện mục tiêu này, Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nêu quan điểm đối với phân vùng không gian kinh tế, cần xác định vùng Đông Nam bộ là công nghiệp - dịch vụ, từ đó tính toán tương quan giữa vùng và các vùng kế bên. Cần có sự mở rộng không gian kinh tế của Đông Nam bộ, theo hướng vùng nhận vai trò đầu mối khoa học - công nghệ, công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao, từ đó lan tỏa ra các vùng khác và cả nước. Vùng Đông Nam bộ cũng là đầu mối để tiếp nhận nguồn lực từ bên ngoài, từ khu vực và thế giới. Cần cơ chế đặc biệt, sự tiếp cận mang tính đột phá, quốc gia đầu tư cho vùng. Có thể đầu tư vào vùng 30 - 50% nguồn lực quốc gia để sau đó vùng đóng góp trở lại cho cả nước.

Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh cũng đề xuất xác định các dự án lớn, những công trình trọng điểm về hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng. Về giao thông kết nối, cần quan tâm phát triển đồng bộ cả 5 phương thức giao thông nội vùng và liên vùng, gồm: Đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng hải và hàng không. Từ đó, thúc đẩy vùng trở thành trung tâm logistics quốc tế.

Về phía Bình Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh cho biết để có thể đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai, tỉnh sẽ quy hoạch theo hướng tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. Do đó, tỉnh sẽ tái cơ cấu kinh tế để phát triển thương mại - dịch vụ đối với các khu đô thị phía nam. Quy hoạch của tỉnh yêu cầu phải hình thành mạng lưới kết cấu hạ tầng từng bước đồng bộ, hiện đại; chú trọng đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông bảo đảm kết nối thông suốt giữa các đô thị, trung tâm kinh tế, cảng biển của vùng và kết nối liên vùng. Trước mắt tỉnh sẽ nghiên cứu, căn cứ trên đặc thù của từng ngành công nghệp để có sự bố trí phù hợp như gần các tuyến đường trọng điểm Vành đai 3, Vành đai 5, các tuyến cao tốc thuận lợi vận chuyển hàng hóa về cảng Cái Mép, sân bay Long Thành.

 KHẢI ANH