Minh bạch thị trường thương mại điện tử
(BDO) Việc mua sắm trực tuyến không chỉ là xu hướng, mà ngày càng trở thành thói quen của người tiêu dùng. Vào dịp cuối năm, nhu cầu mua sắm tăng cao, nhiều chương trình khuyến mãi lớn được tổ chức, nhất là trên các kênh thương mại điện tử (TMĐT). Bên cạnh những lợi ích thiết thực, các kênh TMĐT đã và đang bộc lộ nhiều bất cập, rủi ro, trong đó có nguy cơ mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng…
Thực tế, khi hoạt động TMĐT ngày càng phát triển, các đối tượng lợi dụng nhu cầu mua bán hàng trên mạng của người tiêu dùng gia tăng để mua bán hàng cấm, hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ gây khó khăn cho việc xác minh, truy tìm, xử lý của lực lượng chức năng. Theo nhận định của các ngành chức năng, dịp cuối năm hàng hóa vi phạm bị phát hiện qua các kênh TMĐT chiếm số lượng lớn, chủ yếu là các mặt hàng quần áo, phụ kiện thời trang, mỹ phẩm, thuốc lá điện tử, linh kiện điện tử, điện thoại di động, thực phẩm chức năng… Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu được sản xuất rất tinh vi, nên người tiêu dùng rất khó phân biệt, đặc biệt là trên môi trường TMĐT.
Phương thức hoạt động của các đối tượng ngày càng tinh vi, nổi lên là tình trạng đối tượng sử dụng mạng xã hội để livestream, quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, thỏa thuận số lượng hàng hóa, buôn bán hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc… để thu lợi bất chính. Đặc biệt, nhiều đối tượng còn lợi dụng mạng xã hội (Facebook, Zalo, Telegram, TikTok…) lập nhóm kín để trao đổi phương thức hoạt động, cách thức để qua mặt cơ quan chức năng hoặc tạo tài khoản ảo để buôn bán hàng giả, hàng cấm…
Do vậy, các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ phải nâng cao và tăng cường hơn nữa hoạt động bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường TMĐT. Muốn làm được điều đó, doanh nghiệp phải luôn tích cực phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để cung cấp thông tin phân biệt hàng thật, hàng giả mạo nhãn hiệu. Khi phát hiện dấu hiệu vi phạm sản phẩm của mình, doanh nghiệp phải phân tích và xác định bằng văn bản chuyển cơ quan chức năng trong thời gian sớm nhất để làm cơ sở xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Các doanh nghiệp cần để chỉ dẫn địa lý để người tiêu dùng tìm hiểu và mua sản phẩm ở đại lý, nhà nhập khẩu, phân phối chính hãng, những nơi được chủ thể nhãn hiệu ủy quyền kinh doanh, phân phối. Từ đó góp phần giúp cơ quan chức năng nhận biết các dấu hiệu về hàng giả, tăng cường kiểm tra, xử lý những vi phạm về sở hữu trí tuệ, hàng giả trên địa bàn để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh…
KHẢI ANH