Miền Trung: Tập trung cứu trợ, khắc phục hậu quả mưa lũ
Sáng nay (18-11), trời tạnh mưa, các tỉnh miền Trung tiếp tục cứu trợ đồng bào vùng lũ
Theo báo cáo mới nhất từ các địa phương, đợt mưa lũ lịch sử vừa qua tại các tỉnh miền Trung- Tây Nguyên đã làm 40 người chết và mất tích, 225 ngôi nhà bị sập và cuốn trôi hoàn toàn. Sáng nay (18/11), trời tạnh mưa, các tỉnh miền Trung tiếp tục cứu trợ đồng bào vùng lũ, dọn dẹp vệ sinh môi trường, ổn định cuộc sống người dân.
Tại tỉnh Bình Định, đến sáng nay, nước lũ vẫn còn ngập một số xã phía Đông của các huyện Tuy Phước, Phù Cát; 1 số nơi vùng ven thành phố Quy Nhơn. Giao thông đã trở lại bình thường, riêng Tỉnh lộ 640 bị chia cắt chưa lưu thông được. Ngay sau khi lũ rút, chính quyền và các đoàn thể ở tỉnh Bình Định tập trung công tác cứu trợ, dọn dẹp vệ sinh môi trường. Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Định đã trao 150 triệu đồng và vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ 20.000 thùng mì ăn liền và 10.000 chai nước suối giúp bà con vùng lũ, hỗ trợ thân nhân người bị thiệt mạng 7 triệu đồng.
Ông Ngô Vĩnh Khương, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Định cho biết: "Chúng tôi tiếp tục đi cứu trợ, chỉ giải quyết những khó khăn trước mắt của bà con nhu yếu phẩm cần thiết như mì tôm, nước uống. Cứu trợ khẩn cấp ban đầu không lớn, nhưng kịp thời giải quyết cho bà con. Hiện nay, chúng tôi đã có thư kêu gọi vận động cứu trợ phục hồi, cứu trợ ngắn hạn cho bà con trong thời gian tới".
Tại tỉnh Quảng Ngãi, nước lũ rút rất chậm, nhiều vùng còn bị ngập và cô lập. Ở các huyện miền núi như Ba Tơ, Minh Long, Sơn Tây, Sơn Hà, Tây Trà do cầu cống bị trôi, đường liên huyện bị cắt đứt nên không thể vận chuyển hàng hóa cứu trợ đến với bà con. Hiện, 200 hộ dân thôn Làng Ren, vùng cao xã Long Môn và thôn Gò Tranh, xã Long Sơn vẫn còn bị cô lập. Tỉnh Quảng Ngãi đang tập trung mọi nguồn lực hỗ trợ những gia đình còn bị nước bao vây.
Ông Nguyễn Văn Thuần, Chủ tịch UBND huyện Minh Long, tỉnh Quảng Ngãi cho biết đã chỉ đạo UBND xã bằng mọi cách phân công cán bộ tiếp cận với bà con ngay. "Chúng tôi đã cho xuất của kho huyện và tại xã Long Môn, cấp cho mỗi khẩu 15 kg để kịp thời giải quyết đời sống cho bà con. Chúng tôi cũng đã giải quyết 1,7 tấn gạo để xử lý cho bà con trong vùng bị ngập".
Tại tỉnh Quảng Nam, nước lũ rút, ngành Y tế tập trung lực lượng, xuống địa phương bị ngập nặng, xử lý nguồn nước uống, phun thuốc khử trùng, vệ sinh phòng dịch bệnh.
Ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết: nước lũ rút đến đâu, tập trung lực lượng xử lý nguồn nước, vệ sinh môi trường đến đó: “Tất cả vật tư thuốc men đã được đưa đến tất cả các đơn vị cơ sở. Bây giờ các đơn vị theo đó xử lý hoá chất, xử lý môi trường theo đúng quy trình chuyên môn".
Trong ngày hôm qua, huyện miền núi Trà My, tỉnh Quảng Nam vẫn còn mưa, lưu lượng nước về lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 vẫn rất lớn và tự tràn qua các cửa xả tràn, xả về hạ du với lưu lượng trên 2.500m3/s. Sau khi xảy ra các sự cố rò rỉ và động đất, thủy điện Sông Tranh 2 phải huy động phát tối đa công suất để hạn chế tích nước. Đường dây tải điện hoạt động hết công năng, rất nguy hiểm nếu xảy ra ngã đổ. Công ty Truyền tải điện 2 khẩn trương gia cố, bổ sung thêm nhiều dây néo để giữ trụ tạm không cho ngã đổ.
Ông Lê Đình Chiến, Giám đốc Truyền tải điện Quảng Nam Đà Nẵng, thuộc Công ty Truyền tải điện 2 cho biết: "Chúng tôi đã tăng cường 36 người trong toàn đơn vị để dằng, néo bảo vệ an toàn trụ. Về lâu dài sẽ thiết kế kè kiên cố từ chân cột điện lên đỉnh để đảm bảo vận hành an toàn".
Theo VOV