Miền Trung không đơn độc
(BDO) Tình hình mưa lũ tại các tỉnh miền Trung đang được cập nhật liên tục trên các bản tin truyền hình và báo điện tử trong mấy ngày qua khiến người dân cả nước quan tâm lo lắng. Hàng ngàn ngôi nhà tại rốn lũ Quảng Bình đang ngập sâu trong nước. Tuyến đường sắt Bắc - Nam tê liệt vì bị lũ chia cắt. Ruộng đồng trắng một màu nước bạc thếch. Con người và vật nuôi phải sống trên nóc nhà chờ lũ rút! Trong khi lũ chưa qua thì bão đã ập tới, làm cho nỗi lo cứ dày thêm, chạm vào tận cùng nỗi đau của những người con miền Trung xa xứ!
Nói đến miền Trung là nói đến vùng đất “nắng lửa, mưa dầm”. Sau những ngày nắng như đổ lửa xuống ruộng đồng là triền miên những cơn mưa dầm thối đất. Mưa đi kèm với bão gây ra những trận lũ lụt kinh hoàng hằn sâu vào ký ức của những người con miền Trung xa xứ. Đã có bao nhiêu ngôi nhà hư hỏng, bao nhiêu diện tích cây trồng bị thối rửa, bao nhiêu vật nuôi bị nước cuốn trôi và bao nhiêu người dân miền Trung đã chết vì lũ lụt? Con số chính xác khó có thể thống kê, chỉ biết rằng chỉ vì những trận lũ lụt kinh hoàng cuốn trôi tất cả mà rất nhiều người miền Trung buộc phải xa xứ mưu sinh. Chính vì vậy mà trong những ngày này, một câu hỏi như xoáy vào tim óc của những người con miền Trung xa xứ, rằng sau cơn lũ này sẽ có thêm bao nhiêu gia đình phải bỏ xứ đi xa?
Mặc dù chưa có con số thống kê cuối cùng, nhưng thiệt hại đối với người dân các tỉnh miền Trung trong trận lũ lụt kinh hoàng lần này là rất lớn. Tại 4 tỉnh Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế đã có ít nhất 42 người chết, bị thương và mất tích; gần 100.000 ngôi nhà bị ngập có thể hư hỏng, trong đó có nhiều ngôi nhà bị sập hoặc bị lũ cuốn trôi; trên 10.600 ha diện tích cây trồng bị hư hại; thiệt hại ước tính lên đến hàng trăm tỷ đồng. Những thiệt hại mà người dân các tỉnh nói trên đang oằn mình hứng chịu bên cạnh do thiên tai gây ra còn có một phần trách nhiệm của những đơn vị quản lý hồ đập trên địa bàn do không tính toán và lường trước hậu quả của việc xả lũ, khiến lũ thêm trầm trọng.
Thiệt hại đối với người dân các tỉnh miền Trung trong đợt mưa lũ này là rất lớn, nhưng người miền Trung không đơn độc. Ngay trong những ngày mưa lũ đang diễn ra, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và đoàn công tác của Trung ương đã có mặt để chỉ đạo công tác ứng phó với thiên tai tại các tỉnh đang bị ngập lụt. Phó Thủ tướng chỉ đạo lãnh đạo các tỉnh huy động tối đa lực lượng tại chỗ với cố gắng cao nhất để tìm kiếm người mất tích, thăm hỏi, động viên và giúp đỡ các gia đình có người chết, người bị thương; cứu trợ cho các gia đình bị thiệt hại khó khăn, không để bất kỳ gia đình nào thiếu đói; hỗ trợ sửa chữa nhà cho các hộ bị hư hỏng để bà con nhanh chóng ổn định cuộc sống… Cùng với sự vào cuộc khẩn trương của Trung ương, người dân vùng lũ còn nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ các tổ chức, cá nhân trong cả nước.
Hy vọng với sự vào cuộc khẩn trương của Trung ương, sự giúp đỡ kịp thời của các tổ chức, cá nhân trong nước, người dân các tỉnh bị ngập lụt tại miền Trung sẽ nhanh chóng ổn định cuộc sống và không còn gia đình nào vì khó khăn do lũ gây ra mà phải bỏ xứ đi xa.
LÊ QUANG