Mexico muốn tìm cơ chế để nhập khẩu gạo Việt Nam

Thứ bảy, ngày 07/12/2013

Ngày 6-12, Văn phòng Thương mại Đại sứ quánViệt Nam tại Mexico phối hợp với Hội đồng Lúa Gạo nước sở tại (CMA) tổ chức buổi tọa đàm về cơ hội kinh doanh và đầu tư với Việt Nam.

Đoàn công tác Bộ Công Thương Việt Nam, do Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Mỹ Nguyễn Hồng Dương dẫn đầu tham dự buổi tọa đàm.

 Bốc xếp gạo xuất khẩu. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, Giám đốc điều hành các Dự án xuất khẩu thuộc ProMexico, ông Manuel Sandoval nhấn mạnh tìm kiếm thị trường mới luôn là một vấn đề mang ý nghĩa chiến lược và Mexico đặc biệt chú trọng tới việc thâm nhập thị trường các nền kinh tế mới nổi trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Ông hy vọng qua hoạt động này, các doanh nghiệp Mexico sẽ tìm được hướng đi mới cho mình tại thị trường Việt Nam.

Về phần mình, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Mỹ Nguyễn Hồng Dương điểm lại mối quan hệ truyền thống Việt Nam-Mexico. Đồng thời, ông Nguyễn Hồng Dương cũng nhấn mạnh những điểm tương đồng lịch sử và những thách thức chung trong công cuộc xây dựng kinh tế hiện nay ở cả hai nước.

Theo ông Nguyễn Hồng Dương, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Mexico trong những năm qua đã vượt mốc 1,2 tỷ USD, tuy nhiên vẫn chưa xứng với tiềm năng sẵn có và mối quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai quốc gia.

Phó Vụ trưởng Nguyễn Hồng Dương thông báo vắn tắt đặc điểm, tình hình sản xuất và xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam trong thời gian qua với sản lượng 44 triệu tấn trong năm 2012, chủ yếu để xuất khẩu, đạt trên 3,7 tỷ USD và Việt Nam đứng thứ hai trên thế giới về xuất khẩu loại lương thực này.

Trong phần giới thiệu về lúa gạo tại Mexico, Tổng Giám đốc CMA ông Ricardo Mendoza Mondragon nhấn mạnh do truyền thống trồng và tiêu thụ ngô là chính, tình hình sản xuất và tiêu thụ lúa gạo tại Mexico còn rất khiêm tốn, với mức tiêu thụ 1,2 triệu tấn/năm và tiêu thụ bình quân theo đầu người chỉ đứng ở mức 6 kg/năm, quá thấp so với 8 kg/người/tháng của Việt Nam.

Theo ông Mondragon, hiện nay Mexico phải nhập 90% lượng gạo tiêu thụ trong nước và có tới 75% khối lượng đó được nhập dưới dạng thóc và chủ yếu là từ Mỹ.

Sau khi đánh giá cao gạo xuất khẩu của Việt Nam, Tổng Giám đốc CMA Mondragon mong sớm tìm ra cơ chế thích hợp để nhập khẩu gạo Việt Nam và dần dần tìm hiểu để đầu tư sản xuất tại Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và hướng tới xuất khẩu tới các thị trường khác trong khu vực.

Phó Vụ trưởng Nguyễn Hồng Dương cũng đã trả lời nhiều câu hỏi của các doanh nghiệp Mexico liên quan tới quá trình thâm canh, thu hoạch và bảo quản lúa gạo tại Việt Nam, các công nghệ tiên tiến đã áp dụng trong quá trình chế biến, kinh nghiệm về phát triển bền vững cây lúa với bảo vệ môi trường, quá trình kiểm soát sâu bệnh.

Trong thời gian thăm Mexico, Đoàn công tác Bộ Công Thương còn có buổi làm việc với đại diện ProMexico, Cơ quan Vệ sinh, an toàn và chất lượng thực phẩm Mexico, thăm Đại sứ quán Việt Nam và một số cơ sở văn hóa-du lịch và lịch sử tại thủ đô Mexico City./.

Theo TTXVN