Viết về những người mẹ kiên trung
Mẹ Trương Thị Liên: Vẹn nghĩa nước, trọn tình nhà
Chồng thoát ly đi kháng chiến, mẹ ở nhà một mình vừa nuôi con nhỏ vừa tham gia hoạt động cách mạng, chịu đựng những nỗi đau mất mát một lòng một dạ hướng theo cách mạng. Đó là mẹ Trương Thị Liên (ảnh), sinh năm 1934 ở ấp Cầu Đôi, xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng vinh dự vừa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
(BDO)
Chồng mẹ là ông Nguyễn Văn Hoài (sinh năm 1931) là một Phó Bí thư Chi bộ xã đã hy sinh vào tháng 1-1959, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng nhì vì đã có thành tích chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Mẹ Liên có 7 người con, 5 trai, 2 gái.
Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, khi chồng mẹ thoát ly gia đình vào rừng đi kháng chiến, mẹ ở nhà một mình bươn chải nuôi các con nhỏ bằng nghề làm bánh bò, bánh cam đi bán dạo vừa nuôi chí lớn của chồng mà tham gia tích cực phong trào cách mạng ở địa phương. Vì chồng thoát ly đi kháng chiến nên ở nhà những người con của mẹ cũng không được mang họ cha mà khai sinh theo họ mẹ cho đến ngày hôm nay.
Mẹ Liên từ nhỏ đã tham gia phong trào thiếu nhi sôi nổi. Lớn lên, năm 17 tuổi mẹ bắt đầu tham gia các phong trào phụ nữ ở xã, hàng ngày mẹ đi dò la tin tức nắm tình hình của địch để báo cáo với tổ chức, mẹ vận động chị em phụ nữ đấu tranh, rải truyền đơn, chống đuổi nhà gom dân,… vận động chị em phụ nữ, đồng bào đấu tranh trực diện với địch. Nhớ lại những năm tháng đấu tranh đó mẹ bảo gian khổ nhưng cũng phấn khởi làm sao.
Năm 1967, mẹ được tổ chức giao nhiệm vụ móc nối đưa mìn hẹn giờ vào cho một nữ tiếp viên ở một quán bar là người của ta để ám sát cố vấn Mỹ. Mẹ ngụy trang mìn bằng cách bỏ bánh tráng vào giỏ xách đem đến cho nữ tiếp viên. Nhưng đáng tiếc, do trục trặc kỹ thuật mìn hẹn giờ nổ trước thời gian đã định. Sự việc bại lộ, địch bắt nhiều người, có người không vững lập trường khai ra mẹ nên mẹ bị địch bắt, lúc này mẹ mới sinh người con gái thứ bảy được 4 tháng mà phải chịu đựng những đòn đánh đập, tra tấn dã man của giặc. Mẹ kể, chúng dùng điện tra tấn mẹ chết đi sống lại, chúng tra trấn đến nỗi mẹ phải nằm một chỗ, lúc đó mọi sinh hoạt đều nhờ sự đùm bọc chăm sóc của chị em bạn tù.
Đó cũng là những ngày tháng thử thách cam go nhất đối với mẹ, dù bị địch tra tấn dã man nhưng mẹ vẫn cố gắng chịu đựng chứ nhất định không khai. Đến ngày chúng thả mẹ ra, mẹ còn nhớ rõ chúng bắt giam mẹ đúng 12 tháng 7 ngày, chúng đưa mẹ đi qua 4 nơi giam giữ để điều tra với những trận đòn tra tấn dã man tưởng chừng một người phụ nữ chân yếu tay mềm như mẹ không thể nào chịu đựng nổi.
Nhưng vì lý tưởng, vì nghĩ đến sự an toàn của tổ chức nên mẹ đã vượt qua tất cả. Anh Thắng, người con trai út đang sống cùng và phụng dưỡng mẹ cho chúng tôi biết, chính vì những đòn tra tấn thập tử nhất sinh của địch ngày đó mà đến bây giờ mỗi khi trái gió trở trời mẹ lại đau nhức khắp cơ thể, đôi mắt mẹ giờ đã lòa còn đôi tai mẹ phải ghé sát vào nói thật to thì mẹ mới nghe.
Sau khi ra tù, sức khỏe vừa bình phục mẹ lại tiếp tục hoạt động cách mạng. Hàng ngày mẹ đi dò la tin tức, nắm tình hình của địch để báo cáo cho tổ chức. Mẹ hoạt động cho đến ngày đất nước hoàn toàn thống nhất.
Ngày 30-4-1975 khi đất nước hòa trong niềm vui thống nhất thì cũng là lúc người con trai thứ tư của mẹ là anh Trương Anh Cảm nối gót truyền thống đấu tranh của cha mẹ mà tham gia Đội viên du kích xã Lai Hưng, huyện Bến Cát, tỉnh Sông Bé. Lúc bấy giờ khi đất nước vừa mới giải phóng, quê hương dứt tiếng đạn bom anh Cảm cùng với những người đồng đội trẻ tuổi của mình đi thu gom bom mìn.
Chiến tranh thật khốc liệt ngay cả khi đất nước đã không còn bóng giặc. Đó là những hiểm nguy từ bom mìn sót lại vẫn luôn rình rập. Trong một lần đi thu gom bom mìn anh Cảm đã bị mìn nổ và hy sinh trong sự đau đớn của mẹ và tiếc thương của đồng chí, đồng đội vì anh Cảm là một thiếu niên lanh lợi, dũng cảm. Anh Cảm hy sinh khi mới vừa tròn 16 tuổi. Mẹ tâm sự: Khi nghe anh Cảm hy sinh mẹ đau đớn biết dường nào vì niềm vui đất nước giải phóng còn đó mà anh đã ra đi, anh ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ.
Mẹ đã đi qua chiến tranh với sự chịu đựng nỗi đau mất chồng mất con và bản thân đã cống hiến đời mình cho cách mạng, mẹ đã sống trọn nghĩa nước vẹn tình nhà, góp phần tô điểm cho hình ảnh cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam xứng đáng với 8 chữ vàng mà Bác Hồ đã tặng phụ nữ miền Nam: Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang. Mẹ Liên tâm sự: Giờ đây Đảng và Nhà nước đã ghi nhận những đóng góp của gia đình mẹ cho cách mạng nên mẹ rất vui, mẹ không nghĩ gì đến lợi ích cá nhân mà chỉ cảm thấy tự hào vì những năm tháng đấu tranh đó, tự hào vì chồng vì con đã cống hiến cả xương máu của mình góp phần đem lại hòa bình cho đất nước.
ĐỨC LÊ