Mẹ già bán vé số nuôi ước mơ đại học của con
(BDO) Khoảng 3 năm trước, bà từng có ý định cùng với cô con gái út lên Bình Dương để tìm việc làm trong khi con vừa thi đậu cùng lúc hai trường là Đại học Cần Thơ và Cao đẳng Y tế Cần Thơ. Hay tin cô học trò nghèo học giỏi tên Trần Thị Huệ trường THPT Ba Chúc (huyện Tri Tôn, An Giang) sắp bỏ học nên thầy cô giáo cũ của em đã đến nhà khuyên, động viên gia đình cho Huệ tiếp tục đến với cánh cửa đại học. Nay cô học trò ấy đang là sinh viên năm thứ 3 ngành chăn nuôi thú y, trường Đại học Cần Thơ.
17 giờ hàng ngày bà Tư đi lấy vé số và đây là một trong những khách hàng đầu tiên của bà
Đó là hoàn cảnh của bà Nguyễn Thị Gái (72 tuổi) thường gọi là bà Tư quê Tri Tôn, An Giang. Hàng ngày bà phải vất vả đi khắp các con đường ở khu phố Bình Phước B, phường An Phú, thị xã Thuận An để bán vé số lo cho con gái út học đại học.
Khổ vì con bệnh nặng
Bà kể từ mấy mươi năm trước lúc hai vợ chồng mới cưới nhau cuộc sống của gia đình cũng đủ ăn, đủ mặc. Từ khi hai đứa con trai của bà bị bệnh không có tiền chạy chữa nên vợ chồng bà phải bán hết trâu bò ruộng đất của cha mẹ để lại. Tuy nghèo khó nhưng vợ chồng bà cũng nương tựa vào nhau sống được qua ngày. Thế nhưng cuộc sống không như mong muốn, khi cách đây 7 năm, chồng bà cũng bị tai biến. Gánh nặng, khó khăn của cuộc sống lại càng đè nặng lên đôi vai của bà.
Những người trẻ khỏe mưu sinh trên đất khách quê người đã khó khăn với bà tuổi cao sức yếu thì khó khăn đó càng nhiều hơn. Bà kể nhiều lần bị kẻ xấu lừa, giật mất hết vé số cùng tiền bạc khiến bà suy sụp, chỉ biết ngồi khóc.
Căn phòng trọ của bà thuê nằm sâu trong khu dân cư thuộc khu phố Bình Phước B, phường An Phú, thị xã Thuận An lúc nào cũng ồn ào. Còn bà thì chỉ lặng lẽ, thui thủi một mình giữa bốn bức tường cũ kỹ. Căn phòng trống trơn không có đồ đạc gì nhiều chỉ có mùng mền chiếu gối để ngủ cùng vài bộ đồ mặc hàng ngày được treo ngay ngắn ở một góc.
Sự khó nhọc lao động vất vả từ hàng chục năm nay hiện rõ từng nét trên khuôn mặt, đôi mắt. Bà tâm sự “Ngoài đời thì nói cười vậy chứ tới chừng giăng mùng ngủ rồi thì khóc thầm mình ên.”
Bà chân chất, giản dị chỉ cầu cho cuộc sống được đủ ăn đủ xài, quan trọng hơn là cố gắng để cho đứa con gái út của bà được ăn học ra trường.
Hy sinh tuổi già cho tương lai của con
Như một thói quen hàng ngày, từ lúc 5 giờ 30 phút sáng bà bắt đầu một ngày đi bán vé số. Bà cho biết trước kia chưa có biết bán vé số thì đạp xe đi bán bánh ống. Mỗi ngày bán hết trăm bịch cũng kiếm lời được trăm ngàn mà nắng cực khổ dữ lắm. Thời gian sau này bà mới đi bán vé số. Ngày thường bà lấy khoảng 200 tờ vé số để bán, riêng những ngày thứ bảy, chủ nhật bà cũng “tăng ca” bán từ 250 đến 300 tờ vé số.
Mỗi khi nhắc đến con gái út đi học nhưng gia đình lại không có tiền thì bà rưng rưng nước mắt, giọng nói run run phát ra không tròn tiếng: “Tư cầu cho nhỏ gái có nơi có chỗ Tư chết cũng được. Có chồng có vợ hết Tư chết cũng được nữa. Cầu cho con học nên người.”
Chuông gió con gái mua tặng bà, đó là vật kỉ niệm mỗi khi nhớ đến con
Học để thay đổi cuộc sống hiện tại
Nhớ lại cảm xúc của mình khi biết kết quả kỳ thi đại học, cao đẳng năm 2014, Trần Thị Huệ trúng tuyển vào trường Đại học Cần Thơ, em chia sẻ “Lúc đầu rất vui, lúc sau thấy lo lắm, sợ ba mẹ lo không nổi.”
Biết hoàn cảnh của gia đình khó khăn, trong em lóe lên suy nghĩ tươi sáng về một tương lai bằng con đường học vấn, em nói: “Chỉ có con đường học mới thay đổi được cuộc sống hiện tại của bản thân.”
Nhờ những đồng tiền bán vé số hàng ngày của mẹ cùng với tiền học bổng từ một số nhà tài trợ và học bổng của nhà trường dành cho sinh viên khá giỏi nên em đã học được đến năm thứ 3.
Nhắc đến mẹ em lại không cầm được nước mắt và nói trong nghẹn lời: “Chỉ mong cho mẹ có sức khỏe tốt sống với em thật là lâu thôi. Không cần mẹ em giàu đâu, chỉ cần mẹ khỏe sống với em là được rồi.”
Huệ cho biết học kì vừa rồi là sinh viên giỏi của trường và em sẽ tốt nghiệp vào năm 2018. Em dự tính sau khi tốt nghiệp em sẽ về làm tại một trang trại chăn nuôi ở gần nhà cho tiện chăm sóc cha mẹ đã lớn tuổi.
Cô Đặng Thị Mộng Tuyền – Giáo viên chủ nhiệm em Trần Thị Huệ trong năm học lớp 12, cho biết: “Gia đình Huệ cũng có sổ hộ nghèo, nhà trường cũng xin học bổng cho em trong thời gian học phổ thông. Huệ là học sinh giỏi, ngoan hiền, hòa đồng, giúp đỡ bạn bè trong học tập, lễ phép với thầy cô giáo và luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao”./.
AN THẠCH