Mẹ chồng và mẹ ruột
(BDO) Mùa dịch này, tôi thương mẹ chồng hơn rất nhiều. Mẹ đã hy sinh những giấc ngủ trưa để ẵm bồng con tôi, buổi tối nghe con tôi khóc nhiều là mẹ cũng lần sang phụ dỗ cháu.
Ảnh minh họa
Lúc trước, tôi luôn khẳng định, người ta không thể nào thương mẹ chồng bằng mẹ ruột. Nhưng từ đầu mùa dịch này, tôi thấy mình đã sai.
Bình thường, vợ chồng tôi đi làm, mẹ chồng ở nhà chăm bé út. Buổi sáng chồng tôi đưa hai con lớn đến trường, buổi chiều tôi đón hai con về. Mẹ chồng tranh thủ tắm rửa cho hai cháu khi đi học về. Chiều muộn, mẹ mới được rảnh tay đi tắm rửa, ăn uống. Xong xuôi, mẹ lại giữ cháu nhỏ để vợ chồng tôi ăn cơm tối.
Mùa dịch, vợ chồng tôi làm việc ở nhà, mẹ chồng vẫn chăm cháu nhỏ, cho cháu ăn, dỗ cháu ngủ những giấc ban ngày. Vì bé đã quen với cách chăm, cách cho ăn, cho ngủ của bà nội nên dù tôi ở nhà, bé vẫn bám bà.
Mẹ chồng nghĩ vợ chồng tôi giảm thu nhập nên mẹ cứ lặng lẽ giảm bớt phần thức ăn của mình. Điện nước mẹ xài tằn tiện hơn bình thường vì theo mẹ "giờ, lấy tiền đâu ra…".
Có lần, cô tổ trưởng tổ dân phố cho nhà tôi mớ rau củ còn dư sau khi đã phân phát cho bà con trong khu cách ly. Mỗi hộ được một túi gồm cà rốt, củ cải trắng, khoai lang, bắp sú…
Mẹ ngồi tỉ mẩn chà rửa đất trong cà rốt và củ cải rồi cắt bỏ phần hư, giữ lại từng chút phần ăn được; lặt kỹ từng lá xanh trong số hành, rau muống đã giập úa vì di chuyển… Nhìn vậy, tôi thương mẹ vô cùng. Mẹ bảo: "Kệ, mùa dịch, mình làm không ra tiền thì mình tận dụng chỗ thức ăn này, cũng được đôi bữa".
Một hôm, mẹ buột miệng than, bữa giờ tự nhiên thấy đói quá mà bệnh tiểu đường thì không được ăn chất tinh bột nhiều. Tôi bảo, nếu không ăn được tinh bột thì mẹ ăn chất xơ, chất đạm, ăn thịt cá nhiều vô. Lỡ miệng, mẹ trả lời:
"Thịt có đâu mà ăn nhiều con, ăn ít ít còn tiết kiệm chứ". Tự nhiên, tôi thấy sống mũi cay xè. Tôi thương mẹ, cả một đời vất vả cho chồng con rồi tới giờ đến lượt cháu. Mùa dịch, mẹ dè sẻn vì sợ làm khổ dâu, con.
Hôm sau, khi chuẩn bị cơm trưa, tôi làm món thịt luộc cuốn bánh tráng và lấy nhiều thịt hơn bình thường (bình thường phần thịt đó nấu cho hai bữa ăn). Tôi bảo mẹ "cứ ăn cho đã miệng", đừng tiếc, con còn mua được, dù lương có giảm nhưng không đến nỗi để mẹ phải hà tiện thức ăn, nhịn thèm. Bữa đó, tôi thấy mẹ ăn rất ngon miệng.
Trước đây, mỗi lần mua quà cho mẹ như lễ 8/3 hay 20/10… tôi thường chọn những món nhiều tiền hơn cho mẹ ruột.
Quà cho mẹ chồng tôi cũng mua, nhưng thường "ngân sách" ít hơn mẹ ruột ở quê. Không phải vì tôi tiếc tiền mà vì tôi nghĩ "dù gì thì vẫn là mẹ chồng". Có lần, tôi kể cho mẹ ruột nghe, tôi bị la một trận. Mẹ tôi nói: "Mẹ nào cũng là mẹ, con nhé".
Mùa dịch này, tôi thương mẹ chồng hơn rất nhiều. Mẹ đã hy sinh những giấc ngủ trưa để ẵm bồng con tôi, buổi tối nghe con tôi khóc nhiều là mẹ cũng lần sang phụ dỗ cháu. Tôi trách mình đã từng đặt lên bàn cân so sánh tình thương mẹ chồng hay mẹ ruột…
Theo nld.com.vn