Máy bay chiến đấu của NATO giám sát bầu trời Libya
Máy bay chiến đấu của của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bắt đầu tuần tra suốt ngày đêm trên không phận Libya, đại sứ Mỹ tại NATO thông báo hôm qua.
Đại diện của các nước phương Tây tại NATO cũng đang xem xét khả năng thiết lập vùng cấm bay phía trên lãnh thổ Libya – một trong những biện pháp nhằm làm giảm sức mạnh của nhà lãnh đạo Moammar Gadhafi, CNN đưa tin.
Các tay súng nổi dậy ẩn nấp khi máy bay của chính phủ Libya ném bom xuống thành phố Ras Lanuf hôm 7-3.
AFP dẫn lời một quan chức giấu tên tại Liên hiệp quốc nói rằng Anh, Pháp đang soạn một bản dự thảo về việc áp đặt vùng cấm bay trên không phận Libya.
“Tình trạng bạo lực do chính phủ Libya gây nên là không thể chấp nhận. Chính quyền của Moammar Gadhafi sẽ phải chịu trách nhiệm nếu bất kỳ hành động bạo lực nào tiếp tục diễn ra”, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố.
Ông Obama nhấn mạnh rằng NATO đang xem xét hàng loạt biện pháp đối phó với cuộc khủng hoảng tại Libya, trong đó có cả những giải pháp quân sự.
Nghị quyết về can thiệp quân sự vào Libya phải nhận được sự phê chuẩn của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Nhiều khả năng một nghị quyết như vậy sẽ vấp phải sự phản đối của Trung Quốc và Nga.
Thư ký báo chí của Nhà Trắng, ông Jay Carner, nói rằng NATO đang xem xét ba biện pháp là lập vùng cấm bay, cho quân đội tham gia cứu trợ nhân đạo, thực thi nghiêm ngặt lệnh cấm vận vũ khí do LHQ áp đặt với Libya. Tuy nhiên, Carney bác bỏ tin đồn về việc Washington có thể cung cấp vũ khí cho phe nổi dậy tại Libya trong thời gian tới.
Phát biểu trong một cuộc họp báo tại Bỉ hôm qua, Tổng Thư ký NATO, ông Anders Fogh Rasmussen nói NATO chưa có ý định can thiệp vào chiến sự tại Libya.
“Nhưng với tư cách là một liên minh quân sự và an ninh, chúng tôi sẽ chuẩn bị kỹ càng cho mọi tình huống”, CNN dẫn lời ông.
Trong lúc các nhà ngoại giao thảo luận về các biện pháp, bạo lực tiếp tục leo thang tại Libya. Hôm qua những lực lượng trung thành với Tổng thống Gadhafi tấn công Ras Lanuf, thành phố do phe nổi dậy kiểm soát và có tầm quan trọng đối với hoạt động xuất khẩu dầu mỏ. Các máy bay chiến đấu của chính phủ oanh kích các chiến binh nổi dậy. LHQ cho hay, khoảng 2.000 người đã chết vì chiến sự và khoảng 200 nghìn người chạy khỏi Libya.
Theo VNE