Mật mã trước giờ G
LTS: Cách đây 42 năm, thực hiện lời thề thống nhất non sông, quân dân cả nước trùng trùng, thần tốc hướng về Sài Gòn, đập tan tuyến phòng thủ cuối cùng của quân lực Việt Nam cộng hòa. Trong những ngày tháng 4 lịch sử cả nước cùng ra trận ấy, ở vùng đất Lái Thiêu trù phú cây trái, có một người phụ nữ cũng sục sôi căm hờn, đêm đêm lặng lẽ thắp ngọn đèn dầu trông chờ đoàn quân giải phóng tiến về để bà trao một kỷ vật cực kỳ quan trọng. Sau ngày đất nước thống nhất, từng trang hồ sơ của bà má Nam bộ này được giải mã. Bà tên Huỳnh Thị Sáu, thường gọi là má Sáu Ngẫu. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, má Sáu Ngẫu là cơ sở hoạt động bí mật, lúc ở Chiến khu Đ, khi ở Chiến khu Thuận An Hòa, trong chiến dịch Mậu Thân 1968 lại ở ngay nách quân thù để chỉ đường, đưa tin cho quân ta giáng vào quân thù những đòn chí mạng. Hình ảnh của má Sáu là một trong những biểu tượng sáng ngời của bà má miền Nam thủy chung, kiên cường bất khuất chống giặc ngoại xâm.
Bài 1: Hồ sơ bà má Lái Thiêu
(BDO) Má Sáu Ngẫu (ảnh) sinh năm 1930 trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại xã Thuận Giao, nay là phường Thuận Giao, TX.Thuận An, tỉnh Bình Dương.
Trong những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi tìm về căn nhà của anh Huỳnh Văn Đức - con trai má Sáu Ngẫu. Căn nhà nay làm nơi thờ cúng và lưu giữ nhiều kỷ niệm về cuộc đời hoạt động của má Sáu. Năm xưa, cũng từ mảnh đất này, cô giáo Huỳnh Thị Sáu rất giỏi tiếng Pháp, chữ viết rất đẹp, nhưng đã xếp bút nghiên lên đường theo tiếng gọi của non sông. Má tham gia đội giao liên tại địa phương, làm công tác tuyên truyền, rải truyền đơn đấu tranh với địch, đưa đón cán bộ và bộ đội ta từ căn cứ xuống cơ sở và ngược lại.
Xưởng cưa Hiệp Sanh, nơi má Sáu Ngẫu từng tổ chức vận động ủng hộ tiền cho cách mạng
Để tìm hiểu thêm cuộc đời của má Sáu, chúng tôi đến thăm ông Lê Quốc Duy, nguyên Bí thư Huyện ủy Châu Thành, nguyên Bí thư Huyện ủy Lái Thiêu. Trong những năm đầu đánh Pháp, ông Duy là người trực tiếp giao nhiệm vụ cho bà Sáu Ngẫu hoạt động tại địa phương. Mặc dù nay tuổi đã cao, nửa thân bất toại vì một cơn tai biến nhưng ông Duy vẫn lạc quan như thời trai trẻ tham gia cách mạng. Ông Duy cho biết: “Bà Huỳnh Thị Sáu tham gia hoạt động kháng chiến chống Pháp tại địa phương từ năm 1948. Bà làm cán bộ binh vận, kinh tài tại xã Thuận Giao, sau đó được rút lên làm cán bộ phụ nữ tỉnh ở Chiến khu Thuận An Hòa cùng với chị Ba Rẽ. Sau này chị Ba Rẽ làm Chánh Thanh tra tỉnh Sông Bé. Hồi đó, tôi thường hay gửi thư, tài liệu mật qua chị Sáu”.
“Bà Huỳnh Thị Sáu tham gia hoạt động kháng chiến chống Pháp tại địa phương từ năm 1948. Bà làm cán bộ binh vận, kinh tài tại xã Thuận Giao, sau đó được rút lên làm cán bộ phụ nữ tỉnh ở Chiến khu Thuận An Hòa cùng với chị Ba Rẽ. Sau này chị Ba Rẽ làm Chánh Thanh tra tỉnh Sông Bé. Hồi đó, tôi thường hay gửi thư, tài liệu mật qua chị Sáu”. (Ông Lê Quốc Duy, nguyên Bí thư Huyện ủy Châu Thành, nguyên Bí thư Huyện ủy Lái Thiêu) |
Với những cống hiến xuất sắc trong bước đầu hoạt động, với lòng yêu nước nồng nàn, cộng với sự dũng cảm, thông minh, qua thời gian thử thách trui rèn, Huỳnh Thị Sáu đã trở thành một cán bộ rất có năng lực. Trước yêu cầu của cách mạng, năm 1948 má Sáu chính thức thoát ly, từ đây má nguyện hiến dâng cuộc đời cho Tổ quốc. Cơ sở hoạt động của má chủ yếu đóng ở rừng Chiến khu Đ, Chiến khu Thuận An Hòa. Má Sáu lúc ở rừng già, khi ấp nọ, thôn kia, luồn lách qua rừng, qua suối chuyển tin tức, tài liệu mật cho cách mạng.
Chúng tôi tìm đến xưởng cưa Hiệp Sanh, thuộc phường An Thạnh, TX.Thuận An. Trời tháng 4 nắng như đổ lửa, nhưng không khí lao động sản xuất nơi đây vẫn rộn ràng. Xưởng cưa này đã có từ lâu. Ông chủ trước đây tên là Nguyễn Văn Hiếu, đã mất, nay người con tên Nguyễn Văn Hiền quản lý xưởng. Trong những năm từ 1954 đến 1965 má Sáu Ngẫu thường đến đây kêu gọi xưởng cưa ủng hộ tiền cho cách mạng. Số tiền mà gia đình xưởng cưa này ủng hộ lên tới vài triệu đồng - rất lớn lúc bấy giờ. Việc quyên góp tiền của gia đình ông Hiếu đều được cách mạng hồi âm và thư cảm ơn. Gia đình ông Hiếu cũng có nhiều người tham gia cách mạng và hy sinh.
Năm 1967, bà Huỳnh Thị Sáu được tổ chức giao nhiệm vụ lên Sài Gòn móc nối, liên lạc với lực lượng hoạt động bí mật nội thành, xây dựng cơ sở, giấu quân, vũ khí, khí tài, đạn dược nhằm lót ổ chuẩn bị cho chiến dịch Mậu Thân 1968. Cơ sở hoạt động của má Sáu ở Sài Gòn là căn nhà số 59, đường Trần Hưng Đạo, phường Cầu Kho, quân 1, TP.Hồ Chí Minh, sát ngay trụ sở Tổng nha cảnh sát ngụy. Thời gian đã trải qua hơn 50 năm nhưng số nhà vẫn không thay đổi, chủ nhà hiện nay là những người dân lao động đang sinh sống. Hàng ngày má Sáu cùng với hai người con vẫn sinh hoạt, lao động bình thường như bao người khác. Nhưng đêm đêm má lặng lẽ điều nghiên tình hình quân địch, kịp thời báo cho tổ chức chuẩn bị chiến đấu.
Ông Lê Quốc Duy (ngồi) - người giao nhiệm vụ cho má Sáu trong những năm đầu chống Pháp
Có chiến thắng nào mà không mất mát đau thương. Sau Mậu Thân 1968, cơ sở của má Sáu ở Sài Gòn bị lộ, má lập tức trở lại Bình Dương tiếp tục hoạt động. Giữa lúc phong trào cách mạng đang bùng lên mạnh mẽ trên toàn cõi miền Nam, thì chồng má, ông Đinh Quang Kỳ, tức Tư Ca, trong một lần đi công tác bị địch phục kích và anh dũng hy sinh. Liệt sĩ Đinh Quang Kỳ, nguyên quán huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1943, ông cùng đoàn quân Nam tiến vào hoạt động tại tỉnh Thủ Dầu Một, giữ chức vụ Chánh văn phòng Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy. Có một giai đoạn, ông Kỳ phụ trách tờ báo Thủ Dầu Một, nay là báo Bình Dương. Chị Huỳnh Thị Kim Ngân, tự là Phước, con của má Sáu xúc động kể lại: “Lúc ba tôi hy sinh, vào một đêm má tôi viết một lá thư để lại cho hai chị em chúng tôi có nội dung rằng: Hai con thương mến, má có một khu đất nhỏ, một căn nhà tranh và một chiếc máy khâu… nay má để lại cho hai chúng con”. Lá thư của má gửi con viết còn dang dở. Sau này chị Phước mới biết, lúc ba hy sinh, má Sáu đau buồn quá nên viết thư gửi lại cho con, với ý định lên đường chiến đấu trả thù cho chồng…
Biến đau thương thành hành động, má Sáu tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng với lòng căm thù giặc sâu sắc. Đây là giai đoạn rất khó khăn trong cuộc đời của má, nhưng cũng là giai đoạn má quyết tâm nhất, tất cả vì độc lập tự do, tất cả cho ngày giải phóng miền Nam, thống nhất non sông được đến gần.
Nhiệm vụ xuyên suốt của má Sáu trong hai cuộc kháng chiến đó là: Làm giao liên đưa thông tin chỉ thị của tổ chức cách mạng về các cơ sở bí mật trong vùng tạm chiếm. Nắm bắt và cung cấp tình hình tổ chức hoạt động và bố phòng của quân địch, kịp thời báo cáo với tổ chức để xây dựng phương án tác chiến phù hợp.
Tuyên truyền, thuyết phục, giác ngộ, vận động nhiều người tham gia cách mạng, đưa ra chiến khu học tập, huấn luyện và bí mật đưa về hoạt động trong lòng địch.
Vận động các thương lái, chủ xưởng, các hộ buôn bán tham gia ủng hộ cách mạng bằng sức lực, vật chất, kinh tài để chuyển vào chiến khu.
Nắm bắt phân loại kẻ thù tại địa phương, lên phương án tiêu diệt ác ôn có nhiều nợ máu với nhân dân.
Bài 2: Những phi vụ cài người…
KIẾN GIANG