Mất hàng trăm triệu đồng vì được hứa tặng quà qua mạng

Thứ ba, ngày 22/09/2020

(BDO) Thời gian gần đây, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội diễn biến khá phức tạp và ngày càng gia tăng. Các chiêu thức lừa đảo này tuy không mới, tuy nhiên do sự chủ quan, thiếu hiểu biết, cả tin của người sử dụng nên đã bị các đối tượng lừa đảo một số tiền lớn.


Một nạn nhân trình bày sự việc tại cơ quan công an

Bỗng dưng... được quà!

Ngày 16-3 có nick Zalo tên Hương điện thoại cho bà H. (ngụ xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng) báo rằng có một món đồ từ nước ngoài gửi về cho bà gồm tiền và ngoại tệ. Để lấy được kiện hàng trên, bà H. phải chuyển phí.

Đối tượng sử dụng STK 000006002028, Tên TK: Tran Van Tan, Ngân hàng Seabank- Ngân hàng TMCP Đông Nam Á để kêu bà H. chuyển tiền phí vào. Tin lời, bà H. chuyển tiền cho đối tượng. Lần 1 bà chuyển vào số tài khoản trên số tiền 25 triệu đồng. Lần 2 chuyển 100 triệu đồng. Đến lần thứ 3 bà H. chuyển tiếp 200 triệu đồng. Tổng cộng bà H. chuyển 325 triệu đồng. Sau đó bà nhiều lần liên lạc với người tên Hương nhưng không được. Đến lúc này bà mới biết mình bị lừa.

Tương tự, bà Cẩm T. (ngụ xã Định An, huyện Dầu Tiếng) cũng bị lừa hết 100 triệu đồng vì bị “dính bẫy” được nhận quà. Trong thời gian lên mạng, bà T. kết bạn với một người đàn ông tên MB: Mazaynl. Quen được 1 thời gian, Mazaynl đề nghị được tặng bà T. 1 món quà, trong đó có túi xách, giày dép, nước hoa và ngoại tệ. Quà được chuyển từ nước ngoài về Việt Nam. Được vài ngày, Mazaynl nói hàng đang trên đường về Việt Nam. Tuy nhiên vài ngày sau đó một người tự xưng là nhân viên công ty vận chuyển điện thoại nói món quà mà bà Cẩm T. nhận được có ngoại tệ trong đó là vi phạm quy định nên yêu cầu bà đóng tiền phạt 105 triệu đồng thì mới được nhận hàng. Đối tượng sử dụng số tài sản Phạm Quang Huy, STK: 1016416412, Ngân hàng: SHB và yêu cầu bà T. chuyển tiền vào. Cả 2 lần bà đã chuyển 100 triệu đồng nhưng quà thì không thấy đâu!

Bị hù trên mạng

Một ngày giữa tháng 5, bỗng dưng bà Y. (ngụ xã Long Hòa, huyện Dầu Tiếng) nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 0692196422. Người ở đầu dây bên kia xưng là CA Hà Nội nói có đơn của ngân hàng tố cáo bà nợ hơn 45 triệu đồng và yêu cầu bà chuẩn bị nhận giấy triệu tập của tòa án. Trước lời hăm dọa trên, bà Y. lo lắng và quyết định chuyển tiền để trả. Đối tượng cho bà số tài khoản 03501012987835, tên chủ tài khoản: Thiều Quang Phúc, Ngân hàng: MSB Bank Hà Nội. Tổng cộng 3 lần, bà Y. đã chuyển đi số tiền 80 triệu đồng

Gần đây nhất, khoảng 17 giờ, ngày 22-8, bà L. (ngụ xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng) vì nhẹ dạ cũng đã bị lừa hàng chục triệu đồng. Trước đó, khoảng 17 giờ 30 phút ngày 3-8, có một người đàn ông điện thoại cho chồng bà L. nói là cần gặp bà để xác nhận tài khoản đang bị treo vì có một người gửi hơn 43 triệu đồng vào tài khoản của bà. Bà L. cho rằng có thể người gửi tiền cho bà là để thanh toán tiền vật tư. Người đàn ông xưng danh là nhân viên ngân hàng S. chi nhánh Dầu Tiếng hỏi số điện thoại của bà. Không nghi ngờ, L. cung cấp số điện thoại của mình. Sau đó, người đàn ông này gọi lại vào số máy của bà L.. Đối tượng yêu cầu bà xác nhận lại tài khoản ngân hàng, cung cấp họ tên và số chứng minh nhân dân. Sau đó gã hướng dẫn bà mở app ngân hàng trên điện thoại. Lúc này, bà L. đã cho đối tượng mật khẩu mã xác thực giao dịch (OTP). Khoảng 5 phút sau, trên điện thoại bà L. nhận được tin nhắn SMS S. báo đã bị thanh toán số tiền 60 triệu đồng. Sau đó người bị hại đến ngân hàng xin cung cấp thông tin mã tham chiếu thì mới biết mình bị lừa.

Theo Đội CSHS Công an huyện Dầu Tiếng, từ đầu năm 2020 đến nay trên địa bàn huyện xảy ra 9 vụ lừa với số tiền thiệt hại hơn 782 triệu đồng. Mặc dù Công an huyện Dầu Tiếng đã liên tục đưa ra nhiều thông báo, cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng xã hội (MXH), qua điện thoại… để mỗi người tự nâng cao ý thức cảnh giác, tránh sập bẫy, trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo, nhưng vẫn có người bị lừa.

Công an huyện Dầu Tiếng, khuyến cáo người dân chủ động nâng cao nhận thức của bản thân và gia đình. Tuyệt đối không cung cấp số điện thoại riêng, số tài khoản, thẻ tín dụng, thông tin cá nhân cho bất kỳ ai. Lưu ý là không đứng tên, chuyển giao tài khoản, nhận tiền giúp bất cứ đối tượng nào. Cùng với đó, việc đặt mật khẩu tài khoản MXH, thẻ ATM, tài khoản ngân hàng cần tránh sử dụng các thông tin cá nhân như ngày sinh nhật, họ tên… các tội phạm thường nghiên cứu rất kỹ những thông tin trên của người dùng và hack mật khẩu hoặc sử dụng các hình ảnh của người dùng để lập một tài khoản tương tự. Cẩn trọng khi chia sẻ những thông tin cá nhân và hình ảnh của mình trên MXH. Người sử dụng mạng Internet, mạng viễn thông cần hết sức chú ý khi làm quen, kết bạn trên mạng cũng như các hoạt động chuyển tiền, tránh trở thành con mồi cho các đối tượng lừa đảo. Không nên kích hoạt vào đường Link, trang Web lạ để tránh bị virus tấn công, lấy cắp mật khẩu và tài khoản; nhớ các câu hỏi bí mật, bảo mật thông tin cá nhân khi lập email, tài khoản MXH; cần hết sức cảnh giác với những lời mời, tin nhắn, thông báo trúng thưởng…

Nếu gặp trường hợp nghi vấn lừa đảo, người dân cần tìm cách ghi lại thông tin của các đối tượng như số điện thoại, số tài khoản ngân hàng… và thông báo, cung cấp thông tin ngay cho cơ quan công an để điều tra, làm rõ. Luôn cảnh giác, chủ động phòng ngừa vẫn là giải pháp căn bản nhất để đối phó với các loại tội phạm.

Thiếu tá Hoàng Xuân Quân, Đội trưởng đội Cảnh sát hình sự, Công an huyện Dầu Tiếng, cho biết các hành vi lừa đảo phổ biến mà cộng đồng mạng dễ gặp phải trên địa bàn huyện Dầu Tiếng hiện nay là: Giả danh công an, cán bộ tòa án để dọa giẫm, bắt người bị hại chuyển tiền vào tài khoản; hack tài khoản Facebook, chiếm mật khẩu, quyền sử dụng rồi nhắn tin cho người thân, bạn bè chủ tài khoản để mượn tiền; thông qua các ứng dụng lừa đảo; giả mạo bán hàng qua mạng…

 HỒNG NGA