“Mạnh tay” với hành vi hủy hoại môi trường
(BDO) Nạn dùng bộ kích điện để đánh bắt cá, thủy hải sản hiện đang rất phổ biến, nhất là ở vùng quê sông nước. Chỉ cần một bình ắc quy 9V, với bộ phận kích điện nối 2 cây cần, khi chọc cần xuống nước, bật công tắc sẽ xảy ra hiện tượng xung điện. Với cách thức đánh bắt này, tất cả các loài thủy hải sản nằm trong bán kính 2 mét sẽ bị điện giật chết. Việc đánh bắt cá bằng xung điện là thảm họa của sự hủy diệt nguồi lợi thủy hải sản và môi trường, ảnh hưởng tiêu cực đến cân bằng sinh thái...
Tình trạng đánh bắt thủy hải sản bằng kích điện ngày càng gia tăng nên môi trường sinh thái ở các sông ngòi, ao hồ, đồng ruộng… đang bị đe dọa nghiêm trọng. Số lượng cá, tôm, sinh vật có ích vì đó mà ngày càng sụt giảm dẫn đến môi trường nước ngày càng bị suy kiệt. Tôm cá trên sông, rạch đã bị các “sát thủ dưới nước” đánh bắt tận diệt. Phương pháp đánh bắt cá này vừa làm cho nguồn thủy, hải sản ngày càng cạn kiệt, ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái, thậm chí hủy hoại môi trường, lại vừa nguy hiểm đến tính mạng, bởi chỉ cần một chút bất cẩn là sẽ xảy ra hậu quả khôn lường.
Nghị định số 103/2013/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định việc xử phạt hành vi đánh bắt thủy hải sản bằng dụng cụ kích điện. Cụ thể, phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng đối với hành vi sử dụng kích điện. Nếu tàng trữ, vận chuyển phương tiện kích điện trên tàu cá hoặc phương tiện nổi khác bị phạt 2 - 5 triệu đồng. Nếu sử dụng lưới điện để khai thác bị phạt 10 - 15 triệu đồng. Tuy nhiên, chỉ vì mưu sinh hoặc nguồn lợi bất hợp pháp nên nhiều người bất chấp sự nguy hiểm tính mạng, sắm bộ kích điện đi chích cá. Đây đó liên tiếp xảy ra những vụ tử nạn do dùng điện chích cá, nhưng nhiều người vẫn dửng dưng, tiếp tục dùng điện châm cá hủy diệt tài nguyên thủy, hải sản và tự gây nguy hiểm cho tính mạng của bản thân nếu xảy ra sự cố điện giật.
Trước thực trạng trên, thiết nghĩ bên cạnh việc tăng cường biện pháp mạnh tay để răn đe, chế tài bằng pháp luật thì các cấp chính quyền, ngành chức năng cần quan tâm công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục việc bảo vệnguồn lợi thủy hải sản, bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên đến các tầng lớp nhân dân là rất cần thiết. Có như vậy môi trường nước tự nhiên mới được bảo vệ, nguồn lợi thủy sản mới được bảo tồn và khai thác hiệu quả.
NHẬT HUY