Mạnh dạn hiện đại hóa cơ sở sản xuất cà phê
(BDO) Từ nguồn vốn “mồi” khuyến công, cơ sở chế biến cà phê Thanh Trâm (TX.Bến Cát) đầu tư mới máy móc, thiết bị chế biến cà phê do Việt Nam sản xuất, mới 100%, theo hợp đồng kinh tế giữa đơn vị thụ hưởng với đơn vị cung cấp, xuất xứ Việt Nam.
Nghiệm thu đề án khuyến công tại cơ sở chế biến cà phê Thanh Trâm (TX.Bến Cát)
Nâng bước công nghiệp nông thôn
Theo chị Hoàng Thị Thu Hằng, chủ cơ sở chế biến cà phê Thanh Trâm (TX.Bến Cát), cơ sở đi vào hoạt động từ năm 2002. Trải qua thời gian gần 21 năm hoạt động và phát triển, cơ sở đã dần xây dựng thương hiệu, có được chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Với bí quyết rang xay gia truyền, cà phê của cơ sở đạt được các tiêu chí sạch, tươi kết hợp với sự cân bằng của hương thơm, vị chua, đắng cùng với vị ngọt tự nhiên. Đây chính là các yếu tố quan trọng tạo nên thương hiệu cà phê Thanh Trâm.
“Trước đây, cơ sở chế biến cà phê theo phương thức thủ công. Lò rang cà phê bằng củi, sản lượng mỗi mẻ rang thấp, thời gian mỗi mẻ rang lâu gây ô nhiễm môi trường, tốn nhiều chi phí, thời gian và phải phụ thuộc vào kinh nghiệm tay nghề nhân công lao động. Sự thành bại của mẻ cà phê phụ thuộc nhiều yếu tố nên ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng mỗi mẻ rang, dẫn tới chất lượng không ổn định, dễ bị quá lửa làm cháy cà phê hoặc nhiệt độ rang chưa đủ làm chín hạt cà phê. Thêm vào đó, với phương pháp thủ công, sản lượng mỗi mẻ rang thấp làm đội giá thành sản phẩm cao, khó cạnh tranh. Thời gian rang lâu sẽ không đáp ứng kịp thời gian giao hàng cũng như nhu cầu tăng năng suất sản phẩm của cơ sở để mở rộng thị trường”, chị Hoàng Thị Thu Hằng cho biết.
Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển, được sự hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công, cơ sở chế biến cà phê Thanh Trâm quyết định đầu tư mới hệ thống máy rang cà phê tiên tiến hiện đại vận hành tự động với công suất 30kg/mẻ/giờ, đánh dấu một bước tiến mới trong quá trình phát triển của cơ sở. Sau khi đầu tư máy rang cà phê mới, cơ sở hoàn thiện sản phẩm của mình hơn, giảm chi phí sản xuất do tiết kiệm thời gian, nhân công và sản phẩm hỏng.
“Sau khi đầu tư mới máy rang cà phê, cơ sở không còn sử dụng lò rang củi thủ công nên không gây ô nhiễm môi trường xung quanh, mang tới cho khách hàng sản phẩm với chất lượng ổn định và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm với chi phí sản xuất tiết kiệm nhất”, chị Hoàng Thị Thu Hằng cho biết thêm.
Ông Trương Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển công nghiệp (Sở Công thương), cho biết Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến trong chế biến cà phê” thực hiện đối với cơ sở chế biến cà phê Thanh Trâm là cần thiết trong giai đoạn hiện nay, giúp cơ sở công nghiệp nông thôn mạnh dạn hiện đại hóa sản xuất, tiến đến mô hình chế biến nông sản theo quy mô công nghiệp, từ đó tăng năng suất cũng như bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm so với phương thức sản xuất thủ công truyền thống.
“Sự hỗ trợ từ chính sách khuyến công thúc đẩy cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, giúp cơ sở có thêm động lực thay đổi mô hình chế biến từ thủ công sang công nghiệp. Từ đó tiết kiệm được chi phí sản xuất, năng suất tăng, bảo đảm tạo ra những sản phẩm chất lượng cao phục vụ tiêu dùng, mở rộng thị trường, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế theo mô hình công nghiệp bền vững”, chị Hoàng Thị Thu Hằng tâm sự.
Phát triển sản phẩm
Theo chủ cơ sở, đầu tư mới máy móc thiết bị chuyên dùng chế biến cà phê, các công đoạn rang xay được thực hiện hoàn toàn tự động, nhiệt độ rang được quản lý chặt chẽ, khép kín bảo đảm sản phẩm đạt chất lượng đồng đều sau mỗi mẻ rang và đạt vệ sinh an toàn thực phẩm. Dưới góc nhìn lớn hơn, việc thực hiện đề án sẽ tạo điều kiện và động lực khuyến khích cơ sở công nghiệp nông thôn tích cực đổi mới thiết bị, công cụ sản xuất. Chi phí giảm, chất lượng tăng từ đó doanh thu, lợi nhuận bảo đảm tăng.
Cụ thể, sau khi đầu tư máy móc thiết bị mới chế biến rang xay cà phê, công đoạn rang được thực hiện hoàn toàn tự động, chỉ cần 2 công nhân vận hành điều khiển, cung cấp nguyên liệu hạt cà phê vào máy, không cần kinh nghiệm canh nhiệt độ qua ngọn lửa và thời gian hoàn thành mẻ rang (hết thời gian mặc định mỗi mẻ rang, máy sẽ tự động ngừng hoạt động). Quan trọng hơn hết là chất lượng cà phê sau khi rang ổn định với năng suất cao nhất và chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của sản phẩm được nâng cao. Qua đó, hạn chế người lao động tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm trong quá trình sản xuất nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Doanh thu, lợi nhuận ước đạt sau đầu tư tăng khoảng 30%. Với việc tăng năng suất và sản lượng dự kiến cơ sở sẽ thu hồi vốn sau 12 tháng đầu tư.
Ông Trương Thanh Nhàn cho biết sau khi có quyết định phê duyệt kinh phí chi tiết, trung tâm tiến hành triển khai phối hợp với đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện đề án trên cơ sở đúng nội dung, đối tượng và ngành nghề được hưởng chính sách khuyến công. Trung tâm căn cứ hợp đồng kinh tế giữa đơn vị thụ hưởng với đơn vị cung cấp máy móc thiết bị và kinh phí được phê duyệt xây dựng hợp đồng hỗ trợ cho đơn vị thụ hưởng theo mức kinh phí được duyệt.
Về mặt xã hội, đề án khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn trong tỉnh mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị mới vào sản xuất nhằm tự động hóa sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường; tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Từ đó, sẽ tăng nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách Nhà nước, đóng góp cho xã hội, cộng đồng nhiều hơn, giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho người lao động. |
TIỂU MY - ANH TUẤN