Mang xuân đến biển đảo quê hương

Thứ ba, ngày 07/01/2025

Những ngày này, ở đất liền tiết trời đang dần bước vào xuân, nhưng trên biển cả đây chính là thời điểm sóng to gió lớn. Vượt qua hải trình đầy sóng gió, những chuyến tàu chất chứa tình cảm của người dân mọi miền Tổ quốc gửi đến cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa cập bến an toàn.

 Các chiến sĩ trẻ trên quần đảo Trường Sa chuẩn bị bánh, trang trí đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

 “Gần lắm Trường Sa”

Vượt hải trình hàng trăm hải lý, đoàn công tác đi thăm, chúc tết, tặng quà cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa đã có mặt tại thị trấn Trường Sa khi trời mới tờ mờ sáng. Loa phát thanh phát vọng lên Tàu HQ561 sắp cập bến đã tiếp thêm sức mạnh để tất cả thành viên cùng ra boong tàu ngắm đảo xanh.

Anh Nguyễn Châu Thanh, công tác tại Báo Long An, cho hay lần đầu được ra khơi tham gia cùng đoàn công tác đi thăm, chúc tết và tặng quà quân và dân trên các đảo tiền tiêu thuộc quần đảo Trường Sa anh rất xúc động và tự hào khi được nhìn thấy và đặt chân lên vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. “Tất cả mệt mỏi của hải trình dưới sóng to gió lớn dường như tan biến khi chúng tôi thấy quần đảo Trường Sa dần hiện lên rõ nét phía xa. Lần đầu đến quần đảo, có lẽ đây chính là khoảnh khắc khó quên nhất trong đời tôi. Bản thân tôi và tất cả các thành viên trong đoàn đều háo hức, mong chờ giây phút này. Thấy quân, dân trên đảo đã có mặt từ rất sớm để đón tàu chở đoàn cập cảng, tất cả mệt mỏi do say sóng đều tan biến trong niềm vui...”, anh Nguyễn Châu Thanh chia sẻ.

Xuân về, tết đến là khoảnh khắc thiêng liêng để mọi người sum họp, quây quần bên gia đình. Nhưng ở biên cương, hải đảo, nhiều cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm vững tay súng nơi “đầu sóng ngọn gió” để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Song tình cảm của đất liền gửi đến cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tên đảo đã đem “hơi ấm mùa xuân” đến với Trường Sa.

Trong không khí chuẩn bị đón mùa xuân mới, Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, chúng tôi gặp chiến sĩ - binh nhất Vũ Thành Thọ, nhà ở phường Chánh Phú Hòa, TP.Bến Cát (Bình Dương). Anh tâm tình, những ngày đầu nhận nhiệm vụ đến đảo anh rất bỡ ngỡ, nhưng được sự quan tâm, giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ nơi đây, đến nay anh đã quen và xem Trường Sa như ngôi nhà thứ hai của mình, đồng đội và nhân dân trên đảo như là những người thân thương của mình. Anh Thọ chia sẻ, khi nghe tin đoàn công tác từ đất liền ra thăm, chúc tết quân và dân trên đảo, tất cả cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo đều mong chờ giây phút này.

 Những người thầy “nơi đầu sóng ngọn gió” cũng chính là những người lính nơi đảo xa, ngày qua ngày cùng quân, dân trên đảo vượt qua khó khăn để tiếp tục gieo chữ, truyền đạt kiến thức cho những người chủ tương lai của quần đảo Trường Sa anh hùng.

Giữa tiếng sóng biển rì rào và những cơn mưa không ngớt, chiến sĩ trẻ Vũ Thành Thọ cho biết đây là lần đầu tiên anh cùng nhiều đồng đội đón tết xa nhà, xa đất liền, mọi người đều cảm thấy vui, ấm áp khi đoàn công tác đến thăm, chúc tết. Biết tôi là người từ Bình Dương theo đoàn công tác, Thọ vui mừng chia sẻ các anh chị ra đây như người thân của mình từ Bình Dương ra đảo để thăm, chúc tết.

Đón xuân giữa biển đảo quê hương thật khó diễn tả bằng lời, nhưng tất cả thành viên trong đoàn đều có một cảm giác đó là sự ấm áp của tình cảm yêu thương từ đất liền, đồng bào từ mọi miền Tổ quốc mang đến một mùa xuân đầy ý nghĩa, chan hòa tình cảm giữa quân, dân trên đảo Trường Sa. Giờ chia tay sắp đến, chiến sĩ trẻ Vũ Thành Thọ nhờ chúng tôi gửi lời cảm ơn đến đất liền, nhân dân mọi miền Tổ quốc, gửi lời chúc tết đến mọi người nơi đất liền, người thân ở Bình Dương được hưởng một mùa xuân thật vui tươi, hạnh phúc.

 Các chiến sĩ theo dõi thông tin trên Báo Bình Dương

Ngôi trường đặc biệt

Đến thăm, chúc tết cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 sắp về, chúng tôi đến thăm thầy và trò Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa. Đây là một ngôi trường khá đặc biệt giữa nơi “đầu sóng ngọn gió”. Trường được đầu tư cơ sở vật chất đầy đủ. Trường chỉ có 2 khối lớp học mầm non và tiểu học. Các phòng học được đầu tư khá khang trang, mỗi phòng rộng khoảng 40m2, trường chỉ có 9 học sinh là con em của nhân dân trên đảo. Trường không có ban giám hiệu, mà chỉ có 2 giáo viên nam tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp trồng người tình nguyện từ đất liền ra Trường Sa dạy học.

Tiếp và trò chuyện cùng chúng tôi, thầy Lê Xuân Hạnh, phụ trách lớp tiểu học, cho biết thầy nhận nhiệm vụ từ đất liền ra đảo được 2 năm. Do lớp học không có nhiều học sinh nên bố trí thành một khối lớp tiểu học. Giờ học theo giáo án, các cháu tuy ngồi học chung nhưng đều được giảng dạy theo khối lớp học của mình. “Tôi đến nhận nhiệm vụ, thấy thương các cháu lắm. Trước hết, điều kiện học tập ở đây không được như ở đất liền, nhưng các cháu đều rất chăm ngoan, luôn cố gắng trong học tập. Đó chính là niềm hạnh phúc, khích lệ để chúng tôi cùng cố gắng vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”, thầy Hạnh chia sẻ.

Trung tá Cấn Ngọc Sơn, Chỉ huy trưởng, Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa, huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), cho biết kết thúc chương trình học lớp 4 tại Trường Sa, các cháu đều được bố trí vào đất liền để tiếp tục theo học lớp 5. Dù điều kiện dạy và học ở quần đảo Trường Sa còn thiếu thốn so với đất liền nhưng với tinh thần vượt khó, thầy và trò trên đảo đã đạt được kết quả dạy và học tốt, bám sát với chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chính quyền, quân và dân trên quần đảo Trường Sa dành rất nhiều tình cảm, nguồn lực vật chất, tinh thần để chăm lo cho các cháu có được môi trường học tập tốt nhất, tất cả cùng chăm lo vì những mầm non tương lai của Trường Sa.

“Thời gian qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của HĐND, UBND thị trấn Trường Sa, hiện thị trấn đã tổ chức cho các cháu học tập theo đúng chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cùng với sự nhiệt huyết của các giáo viên, lực lượng quân và dân trên đảo dành cho các cháu điều kiện học tập tốt nhất”, Trung tá Cấn Ngọc Sơn chia sẻ.

Chuyến thăm “ngôi trường đặc biệt” ở Trường Sa tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi nhiều cảm xúc khi thấy được những nỗ lực vượt qua khó khăn của thầy và trò nơi đây. Chia tay các giáo viên, các em học sinh nơi đây, những tiếng đánh vần hồn nhiên, tươi sáng của các em hòa cùng những tiếng sóng vỗ như ca từ về tình yêu quê hương, biển đảo. Chính tình cảm của những người thầy nơi đảo xa tất cả “vì học sinh thân yêu, mái trường thân thiện” càng tô thắm thêm tình cảm của đất liền dành cho quân, dân trên đảo.

 Trong chuyến hành trình đến thăm, chúc tết các đảo, điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa, chúng tôi gặp chiến sĩ - Trung sĩ Trình Xuân Thế, ở xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng (Bình Dương). Thời gian phục vụ trên đảo sắp hoàn thành, giây phút chia tay cán bộ, chiến sĩ, các đồng đội trên đảo anh Trình Xuân Thế không giấu được cảm xúc khi phải xa “ngôi nhà thứ hai” của mình. “Những ngày tháng trên đảo sẽ là những kỷ niệm đẹp nhất trong đời, em sẽ không bao giờ quên…”, Thế chia sẻ.

 MINH DUY