Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo dễ bị “biến tướng”?
Thảo luận về dự án Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi), vấn đề mang thai hộ được nhiều đại biểu quan tâm và có nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều đại biểu khẳng định, thực tế vẫn tồn trạng tình trạng mang thai hộ lén lút, dẫn đến nhiều hệ lụy xấu cho xã hội. Do đó quy định về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là cần thiết. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, mang thai hộ ban đầu vì mục đích nhân đạo, song sau lại có thể mang mục đích thương mại, vì thế Luật cần quy định chặt chẽ để tránh tình trạng này.
Mang thai hộ vì nhân đạo dễ bị thương mại hóa
Trao đổi với PV về quy định mang thai hộ vì lý do nhân đạo được quy định trong dự thảo Luật hôn nhân và gia đình sửa đổi, đại biểu Đinh Xuân Thảo, đoàn Hà Nội, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội cho rằng, người ta có thể lợi dụng quy định này để thương mại, cho nên phải tính tới các điều kiện để kiểm soát ngăn chặn.
Còn nhiều tranh cãi trong vấn đề mang thai hộ tại nước ta (Ảnh minh họa)
Theo ông Thảo, Luật lần này chỉ cho mang thai hộ vì lý do nhân đạo. Đã là mang thai hộ thì trứng và tinh trùng là phải của một đôi vợ chồng không thể sinh sản tự nhiên và kể cả nhân tạo cũng không làm được, do đó mới phải nhờ người khác mang thai và đẻ hộ.
“Người mang thai giúp thì cũng cần nghỉ ngơi, bồi dưỡng, do đó họ cần được bồi dưỡng, nhưng không được lợi dụng để thương mại, đó không phải là một hợp đồng, nếu ngã giá bao nhiêu tiền, vì mục đích thương mại là bị cấm”, ông Thảo khẳng định. Ông Thảo cũng cảnh báo, cái khó ở đây là chúng ta hướng tới mục đích nhân đạo khi cho phép mang thai hộ, nhưng khi mở ra thì người ta có thể lợi dụng để làm những điều sai trái, vậy thì phải tính tới các điều kiện để kiểm soát ngăn chặn.
Ông Thảo cũng nêu rõ: “Trường hợp thai nhi phát triển không bình thường, sau khi sinh ra những người nhờ mang thai không nhận đứa bé đó thì sao? Hậu quả đó ai sẽ gánh chịu? Rồi có những trường hợp sinh đôi, hoặc sinh ba, mà những người nhờ mang thai chỉ muốn nhận một đứa trẻ, còn lại thì tính như thế nào?”.
Đại biểu Phạm Huy Hùng, đoàn Hà Nội, cho rằng khoa học đã chứng minh giữa người mang thai hộ và bào thai có sự gắn kết tình cảm. Thực tế, nhiều trường hợp mang thai hộ nảy sinh tình cảm trong quá trình mang thai và chăm sóc trẻ nên không muốn trao lại trẻ cho bên nhờ mang thai hộ. Vì thế, dự thảo luật cần đưa ra chế tài xử phạt trong trường hợp các bên vi phạm các điều kiện của mang thai hộ.
Đại biểu Phạm Thị Ý Nhi, đoàn Hà Nội cũng cho rằng, mang thai hộ là mục đích nhân văn, tuy nhiên sẽ có nhiều vấn đề phức tạp. Vì vậy, cần điều kiện quyền của người mang thai hộ. "Nếu giả sử người mang thai hộ sinh con ra lỡ đứa con bị bệnh, người nhờ mang thai hộ lúc đó không nhận con thì giải quyết như thế nào? Vì vậy, cần có quy định cụ thể”, đại biểu Ý Nhi nói.
Đẻ nhưng không trả con thì xử lý thế nào?
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, đoàn Bình Định nêu ý kiến: Việc mang thai hộ liên quan đến vấn đề đạo đức, do đó luật cần quy định cụ thể từ khâu đăng ký với Nhà nước để mang thai hộ. Việc chăm sóc, theo dõi người mang thai hộ phải được tiến hành định kỳ hàng tháng để đảm bảo sức khỏe người mang thai hộ và thai nhi, cũng như đề phòng trường hợp ngay khi nhận mang thai hộ, người mang thai hộ lại có thai với người khác, sau đó lại đưa cho người nhờ mang thai hộ nuôi, dù có bị phát hiện thì sau này sẽ rất khó phân trách nhiệm và lợi ích.
Đại biểu Nguyễn Thị Bạch Ngân, đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu đồng ý với quan điểm cho mang thai hộ, nhưng đề nghị Luật cần quy định chặt chẽ về người nhờ và người mang thai hộ, tránh xung đột giữa hai bên xảy ra sau này. Đặc biệt, cần quy định rõ trách nhiệm, quyền lợi của người mang thai hộ. "Những vấn đề như người mang thai hộ bị tai biến, rủi ro khi mang thai; sinh con ra họ muốn giữ con lạ đều phải quy định rõ để tránh rắc rối trong thực tiễn”, bà Ngân khẳng định.
Ông Đinh Xuân Thảo khẳng định: Làm thế nào để kiểm soát được đúng là mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là rất khó. Ngay cả mang thai hộ đúng là vì mục đích nhân đạo, nhưng sau khi đẻ xong mà người mẹ lại nhận luôn đứa con do mình đẻ ra và không trả lại cho những người nhờ mang thai hộ thì sẽ xử lý thế nào? Bởi vì chúng ta chỉ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, nghĩa là giúp nhau, chứ không phải là hợp đồng thương mại, vì thế cũng rất khó xử lý nếu có tranh chấp.
Trước những lo ngại, người mang thai hộ sau này muốn nhận con hoặc đứa con sau này muốn nhận người mẹ đẻ ra mình thì sẽ nảy sinh hệ lụy, vậy phải giải quyết chuyện này thế nào? Theo ông Thảo, vấn đề này thì phải theo thỏa thuận của bố mẹ đứa trẻ và người mang thai hộ.
“Nước ngoài họ cũng có quy định, người nhận nuôi ra điều kiện với bố mẹ đứa trẻ là cắt đứt mọi mối quan hệ. Khi ký kết với Việt Nam, cũng có nước ra điều kiện như thế, nhưng chẳng may đứa trẻ bị ngược đãi, quyền lợi của trẻ không được bảo đảm, thì làm sao có thể đưa đứa trẻ trở về với bố mẹ của nó, cho nên vấn đề này phải tính toán kỹ. Hay cũng có thể quy định không cho quan hệ qua lại một cách trực tiếp khi đứa trẻ chưa đủ 18 tuổi, còn sau khi đủ tuổi công dân rồi thì nó có quyền được biết về người mang nặng đẻ đau sinh ra mình, cái đó cũng tốt, nhưng dù sao cha mẹ thì không thể thay thế được”, ông Thảo nhấn mạnh.
Mang thai hộ là trái thuần phong mỹ tục?
Tuy nhiên, đại biểu Nông Thị Lâm, đoàn Lạng Sơn lại nêu ý kiến chưa nên đưa việc chưa việc mang thai hộ vào Luật. Với quan niệm cũng như phong tục, tập quán của Việt Nam, việc đưa vào Luật vào thời điểm này là chưa cần thiết. Bà Nông Thị Lâm đề nghị nên khuyến khích các cặp vợ chồng không có khả năng sinh con xin con nuôi.
Đại biểu Nguyễn Văn Pha, đoàn Nam Định cũng cho rằng: Không ai mang thai hộ người khác vì mục đích nhân đạo, mà cứ phải có tiền. Quy định mang thai hộ là cần thiết, nhưng không thực tế, khi nhiều cuộc mang thai hộ vì mục đích thương mại.
Theo ông Pha, đây là vấn đề nhạy cảm, phức tạp, chưa phù hợp với văn hóa Việt Nam. Ranh giới giữa mục đích nhân đạo và thương mại chưa rõ ràng, nên nhiều vấn đề có thể gây xung đột.
Theo VOV