Mang làn gió mới vào phong trào đờn ca tài tử
Cuộc thi sáng tác lời mới 20 bản tổ tài tử Nam bộ, bài ca vọng cổ và chặp cải lương Bình Dương năm 2017 do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phát động đến nay đã chọn ra những tác phẩm xuất sắc để trao giải vào đêm bế mạc Festival Đờn ca tài tử (ĐCTT) Quốc gia lần thứ II - Bình Dương năm 2017…
(BDO)
Cuộc thi sẽ góp phần làm phong phú hơn cho phong trào ĐCTT trong thời gian tới. Trong ảnh: Một buổi sinh hoạt ĐCTT ở câu lạc bộ ĐCTT, cải lương Phương Trinh ở TX.Bến Cát
Nhạc sĩ Võ Đông Điền, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cho biết, cuộc thi là một trong những hoạt động hướng tới Festival ĐCTT Quốc gia lần thứ II - Bình Dương năm 2017. Mong muốn của Ban tổ chức (BTC), khi tổ chức cuộc thi này là có những bài bản được viết theo lời mới hay nhất nhằm cung cấp nội dung phục vụ Festival và sử dụng trong phong trào ĐCTT trong phạm vi cả nước và ở tỉnh Bình Dương. Cuộc thi thu hút đông đảo các tác giả chuyên nghiệp và không chuyên yêu thích và am hiểu về ĐCTT, cải lương trong phạm vi cả nước, đặc biệt là các tỉnh, thành thuộc khu vực miền Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long tham gia. Nội dung sáng tác lời mới tập trung vào các chủ đề về quê hương, đất nước, con người trong lao động, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; ca ngợi những thành tựu về kinh tế - xã hội đã đạt được trong thời kỳ mới và hội nhập; phản ánh cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; phản ảnh đất và người Nam bộ với ĐCTT…
Trong thời gian qua, phong trào ĐCTT trên địa bàn tỉnh đã phát triển rộng khắp, từ tỉnh đến các xã, phường đều đã hình thành các câu lạc bộ ĐCTT, cải lương; thậm chí, có xã hình thành đến 2 - 3 câu lạc bộ. Điều đó cho thấy, dù phương tiện thông tin có hiện đại đến thế nào đi chăng nữa thì ĐCTT vẫn có sức sống mãnh liệt trong đời sống tinh thần của các tầng lớp nhân dân. Sự lan tỏa của phong trào ĐCTT ngày càng sâu rộng hơn, đặc biệt là sau khi được UNESCO công nhận ĐCTT Nam bộ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, cả hệ thống chính trị đều tham gia phong trào này và tạo mọi điều kiện cho phong trào hoạt động. Tuy nhiên, theo nhận định của nhạc sĩ Võ Đông Điền, các tác giả viết bài bản để phục vụ cho phong trào vẫn còn ít; người đam mê và có khả năng viết không nhiều; đa số các câu lạc bộ hiện nay chủ yếu sử dụng các bài bản xưa... Do đó, việc tổ chức cuộc thi này có ý nghĩa rất quan trọng, có thêm nhiều bài bản viết theo lời mới để phục vụ và làm phong phú hơn phong trào ĐCTT trong thời gian tới. Là một người đam mê sáng tác bài bản phục vụ phong trào ĐCTT ở địa phương, Nghệ nhân ưu tú Phạm Ngọc Phú (TX.Dĩ An) cho rằng cuộc thi lần này rất ý nghĩa. Ông chia sẻ: “Đây là một cuộc thi mới, từ trước đến nay chưa được tổ chức nên anh em nghệ sĩ sáng tác như chúng tôi cảm thấy rất hào hứng. Đây là cơ hội để tôn vinh cái đẹp, cái hay và giới thiệu với bạn bè gần xa về quê hương mình thông qua những bài bản sáng tác…”.
Sau một thời gian phát động, BTC đã nhận được 861 tác phẩm của các tác giả trong và ngoài tỉnh gửi về tham gia, đặc biệt là 21 tỉnh, thành có phong trào ĐCTT phát triển ở phía Nam. BTC đã tuyển chọn được 529 tác phẩm vào vòng chấm chung khảo với sự thẩm định của các nghệ sĩ đến từ Học viện Âm nhạc TP.Hồ Chí Minh. “Qua đánh giá của một số giám khảo, các tác giả sáng tác chuyên nghiệp có những bài bản có chất lượng tốt. BTC sẽ tiếp tục chọn lọc để in thành sách nhằm phổ biến đến các câu lạc bộ, phục vụ phong trào ĐCTT mở rộng ở 21 tỉnh, thành phía Nam. Sau cuộc thi này, tôi đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tổ chức thêm nhiều cuộc thi, hội diễn liên quan đến ĐCTT, có như thế sức lan tỏa của cuộc thi mới mạnh mẽ, sâu rộng hơn; đồng thời, các hội thi, hội diễn cũng sẽ được làm mới thông qua những sáng tác mới này…”, nhạc sĩ Võ Đông Điền nói.
Kết quả, ở nội dung sáng tác lời mới 20 bản tổ nhạc tài tử Nam bộ, BTC đã chọn để trao giải ở 4 thể loại. Trong đó, thể điệu Nam có 1 giải nhất với tác phẩm “Nghệ nhân Nguyễn Quang Đại” của tác giả Nguyễn Huỳnh Triều (Long An), 2 giải nhì, 3 giải ba và 5 giải khuyến khích; thể điệu Bắc có 1 giải nhất với tác phẩm “Bài ca giỗ Tổ” của tác giả Nguyễn Thế Châu (Tiền Giang), 2 giải nhì, 3 giải ba và 5 giải khuyến khích; thể điệu Lễ có 1 giải nhất với tác phẩm “Xuân trên quê mẹ” của tác giả Phạm Thị Phương Loan (Vĩnh Long), 2 giải nhì, 3 giải ba và 5 giải khuyến khích và thể điệu Oán có 1 giải nhất với tác phẩm “Bình Dương miền Đông anh dũng” của tác giả Phạm Văn Phúc (TP.Hồ Chí Minh), 1 giải nhì, 1 giải ba và 2 giải khuyến khích. Ở nội dung sáng tác bài ca vọng cổ nhịp 8, nhịp 16, nhịp 32 và chặp cải lương, BTC đã chọn để trao giải ở 3 thể loại. Trong đó, thể loại vọng cổ nhịp 8 - 16 có 1 giải nhất với tác phẩm “Đêm nguyệt cầm” của tác giả Phạm Ngọc Phú (Bình Dương), 2 giải nhì, 3 giải ba và 5 giải khuyến khích; thể loại vọng cổ nhịp 32 có 1 giải nhất với tác phẩm “Nỗi nhớ Bình Dương” của tác giả Vưu Long Vĩ (Bạc Liêu), 2 giải nhì, 3 giải ba và 5 giải khuyến khích; thể loại chặp cải lương có 1 giải nhất với tác phẩm “Về quê” của tác giả Xuân Anh (Bạc Liêu), 2 giải nhì, 3 giải ba và 5 giải khuyến khích.
CẨM LÝ