Mang giấy tờ xe đi cầm, cảnh giác “bẫy tín dụng đen”
(BDO) “Cầm cà vẹt xe lên đến 80% giá trị xe nhưng bạn vẫn có xe đi lại”, “Giải pháp tài chính giúp bạn vẫn có tiền, vẫn có xe đi”… đó là những lời chào mời “có cánh” trên những tờ rao vặt “Cho vay trả góp” dán trên cột điện, vách tường. Tuy nhiên, đây là một hình thức cho vay nặng lãi “trá hình” có thể khiến người vay bị mất xe và chịu nhiều bất lợi khác.
Từ những tờ quảng cáo rao vặt “Cho vay trả góp” dán trên vách tường, cột điện khiến nhiều người dân mắc bẫy “tín dụng đen”
“Bình mới, rượu cũ”
Trên thực tế, nhiều người gặp khó khăn về tài chính nhưng không thể vay tiền mặt từ các ngân hàng. Nắm bắt được khó khăn trên, dịch vụ “Cho vay tiền trả góp”, “Hỗ trợ tài chính” với nội dung quảng cáo hấp dẫn như “Cầm cà vẹt xe (giấy tờ xe- PV) lên đến 80 hoặc 90% giá trị chiếc xe những vẫn có xe đi lại, thủ tục nhanh gọn…” xuất hiện lập tức thu hút những chủ xe đang gặp khó khăn về tiền mặt bởi đáp ứng cùng lúc 2 nhu cầu: Có tiền giải quyết khó khăn nhanh chóng và vẫn có xe của chính mình để đi lại.
Từ tờ rao vặt “Cho vay trả góp” dán trên cột điện, trong vai người đang cần tiền gấp giải quyết việc gia đình, chúng tôi gọi vào số điện thoại 0967.2592… một người tên Nhân bắt máy hồ hởi: “Anh đem xe ra đây. Bên em định giá và làm thủ tục cho, bảo đảm 10 phút là anh có tiền giải quyết chuyện riêng mà vẫn có xe đi lại”. Khi chúng tôi hỏi thêm về điều kiện vay, người này cho biết miễn là xe chính chủ. Chúng tôi gặng hỏi lãi suất bao nhiêu thì Nhân cho biết khách hàng phải đem xe đến xem thực tế thì mới biết được. Trước khi kết thúc cuộc gọi, Nhân nhắc chúng tôi ngoài cà vẹt xe phải mang theo chứng minh nhân dân (CMND), sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú (bản gốc) để làm thủ tục.
Như đã hẹn, sáng ngày 15-4, chúng tôi chạy chiếc xe Wave RSX đời 2017 được mua với giá 27 triệu đồng tới cửa hàng dịch vụ mua bán và cho thuê xe tên Th. trên đường Nguyễn Văn Tiết (P.Lái Thiêu, TX.Thuận An). Tại đây, Nhân săm soi xe và kiểm tra đối chiếu giấy tờ rất kỹ lưỡng, sau đó cho biết: “Bên em định giá xe của anh là 10 triệu đồng. Nếu anh đồng ý thì viết cho em một giấy mua bán xe với nội dung “Chúng tôi đồng ý bán chiếc xe máy cho cửa hàng với giá 10 triệu đồng”. Sau đó, Nhân đưa một tờ giấy có tiêu đề “Giấy mua bán xe” và yêu cầu chúng tôi điền thông tin. Trước yêu cầu này, chúng tôi thắc mắc đến đây chỉ cầm cà vẹt xe sao lại viết giấy mua bán xe. Nhân trấn an: “Đây chỉ là thủ tục hành chính. Nếu sau này anh trả tiền đầy đủ thì bên em sẽ giao lại giấy này cho anh”. Nhân tiếp tục giải thích: “Như trên tờ rao vặt anh đã thấy, để anh tiếp tục có xe đi lại, anh với em làm thêm một hợp đồng thuê lại xe của anh. Tiền thuê xe mỗi ngày là 50.000 đồng. Đến hạn 10 ngày, anh đến chỗ em trả tiền. Trước mắt, anh trả trước cho em tháng đầu tiên là 1,5 triệu đồng. Như vậy, anh vẫn có xe đi mà em cũng đỡ phải thuê bãi chứa xe”. Nhân yêu cầu để bảo đảm chúng tôi trả tiền thuê xe đúng hạn và không “đánh bài chuồn”, chúng tôi phải để lại CMND, sổ hộ khẩu và sổ tạm trú (bản gốc) làm “tin”. Chúng tôi lấy lý do 10 triệu đồng không đủ giải quyết việc riêng nên từ chối để tìm cách khác.
Chúng tôi tiếp tục gọi vào số 0934.5627… thì được một thanh niên tên Hữu nhận là nhân viên tài chính của Công ty Đ. có trụ sở trên đường Cách Mạng Tháng Tám (P.Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một) nghe máy. Khi biết chúng tôi có nhu cầu muốn cầm cà vẹt xe máy, Hữu nhiệt tình tư vấn và hẹn chúng tôi đến công ty để làm thủ tục. Chúng tôi đưa chiếc xe máy Wave RSX đến địa chỉ trên để gặp Hữu. Sau khi kiểm tra xong giấy tờ, Hữu báo giá: “Với chiếc xe này, công ty chỉ hỗ trợ cho anh được 7 triệu đồng. Nếu anh đồng ý cầm thì làm thủ tục”. Theo đó, thủ tục cầm cà vẹt xe của công ty Đ. cũng giống như của công ty Th. Chúng tôi phải viết giấy mua bán xe rồi làm hợp đồng thuê lại xe của mình với giá 40.000 đồng/ngày. Chúng tôi phải đóng trước tháng đầu là 1,2 triệu đồng, vì vậy số tiền còn lại người cầm xe nhận được chỉ 5,8 triệu đồng.
Người vay chịu thiệt!
Trước những lời quảng cáo “đường mật” trên những tờ rao vặt cho vay trả góp bằng hình thức cầm cà vẹt xe, nhiều người dân có nhu cầu đã mang cà vẹt xe máy đi cầm cố. Sau đó, họ phải “gồng người” trả khoảng tiền thuê xe nhưng thực chất là tiền lãi “cắt cổ”. Ngoài ra, họ còn chịu nhiều bất lợi khác. Điển hình như anh Nguyễn Văn Th. (33 tuổi, quê Cần Thơ) không thể xin được việc vì đã cắm các giấy tờ tùy thân làm “tin” khi mang cà vẹt xe máy cầm lấy tiền tiêu xài. Anh Th. kể: “Tháng 11-2017, tôi mang cà vẹt xe máy cùng các giấy tờ tùy thân đến Công ty N.T. (KP.Nhị Đồng 1, P.Dĩ An, TX.Dĩ An) cầm được 10 triệu đồng với hình thức tính lãi là 10 ngày đóng 500.000 đồng. Tôi đóng tiền lãi tháng đầu tiên 1,5 triệu đồng. Sau khi đóng lãi được 5 tháng thì tôi không thể xoay thêm tiền nữa. Tới tháng tiếp theo, Công ty N.T. thấy tôi chưa đóng tiền lãi thì liên tục gọi điện hối thúc, thậm chí đe dọa”.
Thượng úy Võ Văn Sơn, Đội phó Đội Cảnh sát hình sự Công an TX.Dĩ An, cho biết để “lách luật”, các đối tượng cho vay sử dụng hợp đồng thuê xe máy để che giấu hoạt động “tín dụng đen”. Đặc biệt, khi người dân mất khả năng trả tiền thuê xe và “đánh bài chuồn” thì các đối tượng cho vay sẽ sử dụng giấy mua bán xe và hợp đồng thuê xe để tố cáo người vay về hành vi chiếm đoạt tài sản của chúng. |
Anh Th. cho biết thêm: “Kẹt tiền lắm tôi mới tìm tới đây để cầm cà vẹt xe nhưng không ngờ lại rơi vào bẫy cho vay nặng lãi. Sau này tôi mới biết tiền thuê xe chính là tiền lãi cho khoản tiền tôi đã vay. Sau 6 tháng đóng tiền lãi đã gần bằng số tiền tôi vay nhưng nợ thì vẫn còn”.
Tương tự như anh Th., ông Bạch Văn D. (54 tuổi, ngụ P.An Bình, TX.Dĩ An) cũng mang cà vẹt xe máy đến Công ty N.T. cầm được 7 triệu đồng. Tuy nhiên, ông Đ. chỉ nhận được hơn 6,3 triệu đồng vì phải đóng trước lãi hơn 600.000 đồng. Cứ 10 ngày, ông D. phải đến công ty đóng 400.000 đồng tiền lãi. Ông D. đóng được 3 tháng thì số tiền lãi đã gần bằng giá trị của chiếc xe.
Đó chỉ là 2 trường hợp trong hàng trăm trường hợp đã mang cà vẹt xe máy đến Công ty N.T. cầm cố vừa bị Công an TX.Dĩ An triệt xóa cách đây không lâu. Thủ đoạn hoạt động của công ty này là in các tờ rơi quảng cáo có số điện thoại rồi đi dán các nơi công cộng “Với nội dung cầm cà vẹt xe bằng 80% giá trị xe nhưng vẫn có xe đi”… nhằm lôi kéo người dân vay tiền. Sau khi người dân đến văn phòng của Công ty N.T. để vay tiền thì phải viết giấy bán xe máy, họ cũng bị giữ lại toàn bộ giấy tờ tùy thân. Tiếp tục, các đối tượng làm một hợp đồng cho chính chủ thuê lại xe máy nhằm hợp thức hóa việc cho vay nặng lãi từ 7,5% đến 30% trên tháng hoặc cho vay góp theo ngày, tùy theo thỏa thuận giữa hai bên. Khi người vay không còn khả năng đóng lãi, Công ty N.T. sẽ cử các đối tượng cộm cán đến cưỡng đoạt tài sản mà người vay đã đem thế chấp.
Nói thêm về thủ đoạn cho vay nặng lãi của Công ty N.T., thượng úy Võ Văn Sơn, Đội phó Đội Cảnh sát hình sự Công an TX.Dĩ An, cho biết để “lách luật”, chúng sử dụng hợp đồng thuê xe máy để che giấu hoạt động “tín dụng đen”. Đặc biệt, khi người dân mất khả năng trả tiền thuê xe và “đánh bài chuồn” thì chúng sẽ sử dụng giấy mua bán xe và hợp đồng thuê xe để tố cáo người vay về hành vi chiếm đoạt tài sản của chúng. Đến lúc này, người cầm cố đã rơi vào cái bẫy “cầm cà vẹt xe nhưng lại bán xe với giá rẻ mạt” và còn có khả năng bị vi phạm pháp luật. Thủ đoạn này không mới, tuy nhiên vẫn có rất nhiều người dân nhẹ dạ, cả tin bị mắc bẫy.
Điều 201, Bộ luật Hình sự 2015 nêu rõ: Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị coi là phạm tội cho vay lãi nặng. Với tội này, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Trong Bộ luật Dân sự 2015 quy định lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Nếu lãi suất vượt quá giới hạn quy định thì mức lãi suất không có hiệu lực (theo Điều 468).
NGUYỄN HẬU