Mali: Phiến quân Hồi giáo tấn công vào miền Nam
Ngày 14-1, một quan chức địa phương cho biết, phiến quân Hồi giáo đang chiếm đóng miền Bắc Mali đã đẩy mạnh tấn công vào miền Nam do chính phủ nước này kiểm soát, chiếm thêm thị trấn Diabali, cách thủ đô Bamako 400 km về phía Bắc.
>> Quân nổi loạn Mali bắn rơi 1 máy bay Pháp
>> Pháp tăng cường an ninh nội địa đề phòng khủng bố
Theo nguồn tin này, khá đông phiến quân Hồi giáo đã giao tranh với binh sĩ quân đội Mali trong sáng cùng ngày. Sau đó, tiếng súng ngừng và phiến quân tiến vào thị trấn Diabali. Một nguồn tin an ninh khác cho biết phiến quân đến từ biên giới với Moritani, nơi lực lượng này bị không lực Pháp oanh kích.
Các tay súng MUJAO gác tại một điểm chiếm đóng gần sân bay thành phố Gao ngày 7-8-2012. Thông tin thị trấn Diabali rơi vào tay phiến quân Hồi giáo cũng được Pháp xác nhận. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian nói rằng đã lường trước phiến quân sẽ phản kích về phía Tây và cho biết phiến quân đã phải rút lui ở miền Đông Mali nhưng các lực lượng Pháp đang đối mặt với "tình thế khó khăn" ở miền Tây, nơi phiến quân có vũ trang tốt.
Lực lượng không quân Pháp bắt đầu chiến dịch tấn công lực lượng Hồi giáo vũ trang Ansar Dine ở Mali kể từ ngày 11-1 vừa qua nhằm ngăn chặn phiến quân hướng về thủ đô Bamako. Ngày 13-1, các đợt không kích này đã nhằm vào những căn cứ của phiến quân tại Gao và Kidal, hai trong số những thị trấn chính ở miền Bắc Mali.
Theo nhiều nguồn tin, riêng ở Gao đã có khoảng 100 phần tử Hồi giáo bị tiêu diệt. Các máy bay chiến đấu của Pháp cũng tấn công phiến quân ở thị trấn Nampala cách Diabali 50 km về phía Bắc cũng như một căn cứ khác của phiến quân tại Lere, gần biên giới Moritani.
Trong khi đó, thủ lĩnh một nhóm Hồi giáo đang chiếm đóng miền Bắc Mali ngày 14-1 nói rằng sẽ "báo thù" nhằm vào Pháp.
Trong một cuộc trả lời điện thoại với hãng tin Pháp AFP, Abou Dardar, thủ lĩnh "Phong trào Thống nhất và Thánh chiến" ở Tây Phi (MUJAO) - một nhánh của mạng lưới khủng bố al-Qaeda ở khu vực Hồi giáo Maghreb (AQIM), tuyên bố: "Pháp đã tấn công người Hồi giáo. Chúng tôi sẽ tấn công vào trái tim nước Pháp."
Thủ lĩnh này còn nói rằng diện tấn công sẽ là "mọi nơi", ở Bamako, ở châu Phi và ở cả châu Âu. Một thủ lĩnh MUJAO khác là Omar Ould Hamaha cũng đe dọa rằng Pháp "đã mở cánh cửa địa ngục" bằng việc can thiệp vào Mali và "sẽ phải đối mặt với tình hình còn tệ hơn ở Iraq, Afghanistan hay Somalia". Ngày 14-1, trường trung học Pháp tại Bamako đã phải đóng cửa như một biện pháp phòng ngừa.
Người phát ngôn phái bộ Pháp tại Liên hợp quốc cho biết Paris đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc triệu tập cuộc họp vào ngày 14-1 để thảo luận về cuộc xung đột ở Mali. Cuộc họp này sẽ được tiến hành trong đêm cùng ngày. Còn tại nước láng giềng Niger, Hội đồng An ninh quốc gia cũng nhóm họp khẩn về vấn đề Mali.
Ngày 20-12-2012, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đã thông qua việc thành lập một lực lượng quốc tế khu vực Tây Phi để can thiệp vào cuộc xung đột Mali và lực lượng này đang dần hình thành. Lực lượng này sẽ do một tướng người Nigeria, quốc gia đóng góp khoảng 600 binh sĩ, chỉ huy với mục tiêu giúp Chính phủ Mali giành lại quyền kiểm soát miền Bắc. Burkina Faso, Niger, Senegal và Togo đều cam kết gửi quân vào cuối tuần tuần này.
Truyền thông đưa tin Pháp đang triển khai khoảng 500 binh sĩ tại Mali và sự can thiệp này được Liên minh châu Âu (EU), NATO và Mỹ ủng hộ. Anh cung cấp hỗ trợ hậu cần bằng các máy bay vận tải, còn Đức ngày 14/1 tuyên bố đang xem xét cách thức giúp Pháp trong sứ mệnh tại Mali, ví dụ như cung cấp hậu cần, y tế hoặc cứu trợ nhân đạo.
Cùng ngày, Trung Quốc kêu gọi cần sớm thực thi nghị quyết 2085 của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc để khôi phục sự ổn định cho Mali. Đây là nghị quyết nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại chính trị và theo đuổi tiến trình đàm phán, đồng thời cho phép triển khai lực lượng đa quốc gia của Tây Phi để ứng phó với những đe dọa an ninh đang ngày càng tăng tại Mali.
Mali rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng từ tháng 3-2012, khi các binh sĩ nổi loạn lật đổ Tổng thống được bầu Amadou Toumani Toure. Tình trạng rối ren sau đó đã tạo điều kiện cho lực lượng phiến quân người Tuareg mở rộng kiểm soát các tỉnh sa mạc rộng lớn ở miền Bắc nước này và tuyên bố ly khai, lập ra "Nhà nước Azawad" và áp đặt luật Hồi giáo (Sharia) hà khắc. Cuộc khủng hoảng ở Mali đã trở thành mối quan tâm an ninh đối với các chính phủ phương Tây, vốn lo ngại vùng sa mạc rộng lớn của nước này có thể biến thành một nơi huấn luyện cho các chiến binh Hồi giáo cực đoan.
Theo TTXVN