Mãi nhớ nhà giáo - liệt sĩ Lê Thị Thiên
(BDO)
Nhà báo Kiến Giang (thứ ba từ trái sang) và đại diện Chi đoàn Báo Bình Dương chụp ảnh lưu niệm với gia đình liệt sĩ Lê Thị Thiên tại nhà lưu niệm
Địa chỉ đỏ ý nghĩa
Về Tiền Giang vào những ngày cuối tháng 11, chúng tôi như càng hiểu rõ hơn tình cảm của những nhà giáo dành cho nhau. Dù bận rộn với nhiều hoạt động nhân kỷ niệm 38 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, nhưng nhiều cán bộ, nhà giáo Tiền Giang vẫn đến thăm hỏi gia đình nhà giáo, liệt sĩ Lê Thị Thiên. Cô Trần Thị Quý Mão, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Tiền Giang, cho biết hàng năm, sở đều tổ chức các đoàn đến thăm viếng và thắp hương tưởng niệm cô Lê Thị Thiên vào các dịp Tết Nguyên đán, lễ nhà giáo Việt Nam kết hợp với ngày giỗ cô Thiên… Thông qua các hoạt động này nhằm thể hiện đạo lý “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, tưởng nhớ các nhà giáo, liệt sĩ đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, sự nghiệp giáo dục của cả nước, đồng thời giáo dục truyền thống cho cán bộ, giáo viên của ngành.
Để phát huy những giá trị quý báu của quyển nhật ký, ngoài việc tổ chức cuộc thi viết cảm nhận về nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh”, hình ảnh về nữ nhà giáo - liệt sĩ Lê Thị Thiên đã được tuổi trẻ Bình Dương khắc họa lại trong những cuộc thi tuyên truyền ca khúc cách mạng qua những bài múa được dàn dựng công phu tóm tắt về cuộc đời nữ nhà giáo Lê Thị Thiên. Nhà lưu niệm nữ nhà giáo này trở thành địa chỉ đỏ trong những chuyến du khảo, về nguồn Tiền Giang của tuổi trẻ Bình Dương và nhiều tỉnh, thành phố khác.
Đã nhiều lần đến với Nhà lưu niệm nhà giáo - liệt sĩ Lê Thị Thiên, nhưng mỗi lần đến, chúng tôi lại thêm một lần có những cảm xúc khó tả. Len lỏi qua những con kênh xanh trong của ấp Bà Bèo, xã Mỹ Phước Tây, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện cảm động về tình cảm của những con người vùng sông nước dành cho người nữ anh hùng xứ này. Theo ông Nguyễn Thanh Văn, cháu ruột của liệt sĩ Lê Thị Thiên, từ ngày nhà lưu niệm được khánh thành, nhiều đoàn khách từ các nơi đã đến viếng và tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện, văn hóa văn nghệ phục vụ bà con… tạo không khí vui tươi, sôi nổi rất ý nghĩa.
Ấn tượng nhất là chuyến du khảo thiện nguyện của Chi đoàn Báo Bình Dương. Đợt đó, chi đoàn vận động nhà hảo tâm tặng quà, tặng học bổng, sách giáo khoa cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của xã. Đặc biệt, với sự trợ giúp từ các y, bác sĩ đến từ Đoàn cơ sở Sở Y tế Bình Dương, nhiều em nhỏ và phụ huynh học sinh còn được tư vấn sức khỏe, phát thuốc miễn phí. Bên cạnh đó, đến với chương trình, các em nhỏ còn được tham gia các trò chơi và nhận nhiều phần quà hấp dẫn, tham gia gian hàng quần áo tự chọn và gian hàng sách, báo, tạp chí tự chọn.
Mãi nhớ hình ảnh nữ liệt sĩ
Tại nhà lưu niệm hiện có nhiều ấn phẩm thơ ca về người con gái sông Tiền anh hùng được trưng bày. Trong đó có bài thơ “Kính viếng hương hồn cô giáo, liệt sĩ Lê Thị Thiên” của thầy Nguyễn Xuân Đàm (tức Nguyễn Thanh Sơn), nguyên Hiệu trưởng trường Trung cấp Sư phạm Hà Tĩnh. Bài thơ có đoạn: “Như ánh sao băng trên bầu trời Tổ quốc/ Như tia nắng hồng sưởi ấm những bình minh/ Sống em là Thiên - “Thác em lại càng thiêng”/ Bốn mươi năm giữa lòng đất mẹ/ Em lại về sáng bừng trang nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh”…”. Ngoài ra, còn có bài hát “Ngôi trường mang tên chị Lê Thị Thiên” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn với những lời lẽ rất cảm động. Tại đây còn lưu giữ những dòng cảm nhận về nội dung quyển nhật ký của ông Nguyễn Minh Triết, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam và của ông Mai Thế Trung, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương.
Cùng đọc lại loạt phóng sự “Kỷ vật từ lòng đất” cho chúng tôi và gia đình cô Lê Thị Thiên, nhà báo Kiến Giang (Báo Bình Dương) đã bày tỏ niềm hạnh phúc sau 2 tháng tìm kiếm tác giả của quyển nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh”. Nhà báo cho biết việc giới thiệu nội dung quyển nhật ký và tìm ra được tác giả là một sự kiện làm lay động lòng người trong thời gian qua. Nhiều cuộc hội thảo, tổ chức các cuộc thi học tập theo gương chị Lê Thị Thiên đã được các ban, ngành từ Trung ương đến địa phương tổ chức sâu rộng.
Nhà lưu niệm nhà giáo - liệt sĩ Lê Thị Thiên giờ đây đã trở thành một địa chỉ đỏ trong hành trình về nguồn của nhiều đoàn khách du lịch. Tuy nhiên, nếu đoạn đường vào nhà lưu niệm được bê tông hóa thì sẽ giúp bà con và du khách thuận tiện hơn trong việc đi lại. Chia tay gia đình cô Lê Thị Thiên, chúng tôi ra về với nhiều nỗi niềm xúc động xen lẫn tự hào về nhà giáo đầy quả cảm và cũng trăn trở cùng nỗi niềm bà con nơi đây về việc có đoạn đường bê tông để kết nối yêu thương nhiều hơn
THỤC VĂN