Mái nhà chung của nữ kháng chiến
(BDO)
Các thành viên CLB Nữ kháng chiến tỉnh chụp ảnh lưu niệm với nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh Bình Dương. Ảnh: TRẦN TÌNH
Đi qua một thời đạn bom
Đại hội lần thứ II, nhiệm kỳ 2020-2025 của CLB Nữ kháng chiến tỉnh Bình Dương đánh dấu một chặng đường phát triển mới. Nhớ lại cách đây 5 năm, các dì phải “đi tận ngõ, gõ tận nhà” kêu gọi, vận động chị em từng tham gia kháng chiến trước ngày 30- 4-1975 vào CLB. Bà Huỳnh Kim Oanh, Chủ nhiệm CLB Nữ kháng chiến tỉnh, chia sẻ: “CLB ra đời nhằm tập trung những chị em từng tham gia kháng chiến vào tổ chức với mong muốn tạo một mái nhà chung. Ở đó, các hội viên cùng an ủi, động viên, chăm lo vật chất lẫn tinh thần để cuộc sống của những ngày còn lại của cuộc đời mỗi người thêm ý nghĩa hơn. Điều đáng mừng là hiện nay, Bình Dương đã thành lập được Ban chủ nhiệm CLB Nữ kháng chiến tỉnh; 9 Ban liên lạc tại các huyện, thị, thành phố với 900 hội viên”.
Thành tích nổi bật nhất của CLB trong nhiệm kỳ 2015-2020 chính là việc ra mắt cuốn sách “Sáng ngời chất ngọc”. Sách gồm các bài viết về 5 tập thể điển hình và 63 cá nhân. Đây là những nhân vật, nhân chứng lịch sử tiêu biểu điển hình cho những người phụ nữ giữ vững khí tiết cách mạng, nêu cao phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Ngoài ý nghĩa tri ân phụ nữ Bình Dương trong kháng chiến, cuốn sách đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao nhận thức, khơi dậy niềm tự hào và cổ vũ, động viên các tầng lớp phụ nữ, nhất là thế hệ trẻ phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm, ý chí tự lực, tự cường, tích cực đóng góp sức lực, trí tuệ vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Lật giở qua những trang sách, chúng tôi như được thấy hình ảnh các cô gái tóc dài băng mình qua suối, qua bưng, đi trong đạn lửa tham gia kháng chiến với lý tưởng cao đẹp: Thống nhất non sông. Ở đó còn là những trận bom, trận càn, địch nhiều lần chà đi xát lại để tiêu diệt lực lượng của ta… Trong tình hình đó, có biết bao chị em phụ nữ đã đứng lên chống giặc, ủng hộ kháng chiến, nuôi giấu bộ đội. Những đội nữ du kích Thanh Tuyền, nữ pháo binh Châu Thành, Tân Uyên... đã làm nên biết bao chiến công rực rỡ ở Dầu Tiếng, Bến Súc, Bàu Bàng... Nhiều chị em nội ứng cũng đã dũng cảm diệt chỉ huy ác ôn, hạ đồn, vận động binh sĩ mang vũ khí về với gia đình hoặc gia nhập hàng ngũ kháng chiến. Dù ở cương vị nào, tiền tuyến hay hậu phương, các chị cũng đều tham gia và hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Sẻ chia niềm vui
Bà Huỳnh Kim Oanh cho biết đặc thù của CLB Nữ kháng chiến hiện nay là quân số chỉ có giảm chứ không tăng. Với họ, thời gian không chờ đợi. Vì vậy, trong mái nhà chung của CLB Nữ kháng chiến tỉnh, các hội viên cùng an ủi, động viên, chăm lo vật chất lẫn tinh thần để những ngày tháng còn lại trong cuộc đời của mỗi người thêm ý nghĩa hơn...
Điển hình như trường hợp của dì Lê Thị Lan ở phường An Thạnh, TP.Thuận An. Có ai ngờ rằng, hơn 40 năm sau ngày đất nước thống nhất, một cán bộ tham gia phong trào địa phương từ khi mới 16 tuổi, rồi thoát ly theo cách mạng mà không có một mảnh giấy lận lưng. Dì Lê Thị Lan chứng minh nhân dân không có, hộ khẩu cũng không nên rất khó khăn để làm chế độ. Bao nhiêu năm dì vẫn chưa dứt được nỗi lo cơm áo, gạo, tiền. Căn nhà xiêu vẹo, trống trước trống sau nhưng dì cũng không biết kiếm đâu ra tiền để sửa. Khi những đồng đội năm xưa tìm được dì Lê Thị Lan, ai cũng nước mắt dài ngắn. Thế là mấy chị em bắt tay vào cuộc, tất tả làm giấy tờ cho dì Lê Thị Lan... Lo giấy tờ xong, các chị lại lo tiếp cái nhà. Bà Nguyễn Thị Tư, Trưởng ban Liên lạc CLB Nữ kháng chiến TP.Thuận An, nói: “Trước đó, căn nhà cũ nát lắm, tường nứt có chỗ bằng cả gang tay. Cứ mỗi lần gió nhẹ là cả nhà lại ôm nhau ra chòi ngủ. Chưa hết đâu, có lần nước lên chạy không kịp, mền mùng dính đầy bùn đất...”. Hôm tôi đến thăm, dì Lê Thị Lan chia sẻ: “Thời bom đạn chị em sống chết có nhau. Nay thời bình, cái nghĩa, cái tình ấy vẫn còn giữ mãi. Không có mấy chị em, chắc giờ dì cũng không biết phải làm sao...”.
Không chỉ chăm lo về vật chất, CLB Nữ kháng chiến tỉnh và Ban liên lạc các huyện, thị, thành phố cũng cố gắng tổ chức nhiều hoạt động chăm lo đời sống tinh thần cho các nữ kháng chiến. Các đợt về Hà Nội thăm Lăng Bác, tổ chức về nguồn ở Sóc Bom Bo, Chiến khu Đ, Khu di tích Trung ương Cục... đã giúp các dì có thêm niềm vui, gắn bó với nhau hơn.
Các dì đã đi một thời đạn bom. Đất nước cũng đã sang trang mới. Bình Dương đang có khát vọng vươn lên mạnh mẽ. Trong dòng chảy thời gian ấy, các dì giờ đã ở tuổi xế chiều nhưng vẫn luôn là “cây cao bóng cả” giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay về truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tinh thần nhân văn cao đẹp và cả ý chí vươn lên trong cuộc sống. Các dì vẫn mãi là những cánh én, những bông hoa góp phần làm nên mùa xuân của đất nước đẹp tươi...
THU THẢO