Mái ấm của đôi vợ chồng thọ nhất Việt Nam
Dù đôi mắt đã mù hẳn, song hễ ngồi vào bàn ăn mà chưa thấy vợ, ông cụ 110 tuổi cứ luôn miệng gọi: "Bà đi đâu rồi bà ơi, đi đâu mà lâu thế?", rồi ông chờ mãi đến khi con cháu dìu bà đến ngồi bên cạnh mới chịu ăn cơm.
Ông cụ ấy tên là Huỳnh Văn Lạc (110 tuổi) và cụ bà Nguyễn Thị Lành (106 tuổi) vừa được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công nhận là cặp vợ chồng sống thọ nhất Việt Nam cho đến nay.
Sau 82 năm sống dưới mái nhà, hai cụ đã có với nhau 4 người con, 3 dâu rể, 24 cháu nội ngoại, 41 chắt và chuẩn bị đón đứa chút sắp ra đời vào cuối năm nay. Hiện tại ông bà sống cùng con gái thứ tư trong căn nhà ở khu phố 2, phường Đông Hưng Thuận, quận 12, TP.HCM.
Cuộc sống bình yên của cặp vợ chồng cao tuổi nhất Việt Nam.
Bước vào mái ấm của vợ chồng ông Sáu Lạc (tên thường gọi của ông cụ), bầu không khí yên bình, nhịp sống diễn ra chầm chậm, nhẹ nhàng cách biệt hẳn với thế giới ồn ã bên ngoài. Hai ông bà cụ nằm trên hai chiếc giường tre đơn sơ được kê sát nhau. Con gái thứ tư là bà Huỳnh Thị Hoa năm nay cũng đã 71 tuổi đang cần mẫn chăm chút cho cha mẹ từng miếng ăn giấc ngủ, dọn dẹp vệ sinh, lâu lâu lại nhẹ nhàng đỡ các cụ ngồi dậy cho đỡ mỏi lưng...
Ở vào cái tuổi bách niên xưa nay hiếm, song tinh thần ông Lạc và bà Lành vẫn còn minh mẫn. Riêng bà cụ, hễ nghe có khách đến thăm, bà lại dậy tiếp chuyện, kể ngày xưa thời còn đi cắt lúa, câu cá, nuôi lợn, rồi còn đọc thơ, ca dao... Tuy nhiên mỗi lần có ai hỏi về tuổi tác, bà Lành thường kiêng, tránh không nói tuổi thật mà chỉ cười xòa bảo: "Cũng bội tuổi rồi đó, không ít đâu".
Nhớ lại thời thanh xuân ngày ấy, bà cụ hóm hỉnh kể là con út trong nhà, hồi còn trẻ cũng thuộc hàng xinh gái nhất nhì làng nên có nhiều mối đến hỏi, song bà không ưng. Còn ông Lạc lúc ấy 28 tuổi, nhà nghèo, mồ côi cha từ nhỏ, nhưng được cái tính tình hiền lành, đức độ, có hiếu với mẹ nên vừa được cậu Bảy làm mối là bà đồng ý liền.
"Lúc đó ổng đen lùi lũi, nhưng được cái tính hiền lành, mà việc gì cũng biết làm nghen, từ bốc thuốc nam đến làm ruộng, ổng nói chuyện hay, còn biết chữ Nho nữa nên tui mới ưng. Rồi từ hồi lấy nhau ổng chưa bao giờ làm cho tôi buồn điều gì hết trơn...", bà cười hóm hỉnh nói, thỉnh thoảng lại quay sang nhìn về phía ông.
Ngồi ở giường bên cạnh, ông Sáu Lạc nghe vậy cười móm mém bảo: "Cũng là cái lương duyên trời định cho mới gặp nhau. Hồi đó tui nghèo lắm nhưng bả hổng chê. Lấy tui rồi, bả vất vả hơn nhiều, suốt ngày làm ruộng cực khổ nhưng bả vẫn chịu khó, hổng than phiền gì".
Khi được hỏi về bí quyết sống trường thọ, cả hai ông bà bảo rằng, chưa bao giờ nghĩ đến chuyện ăn uống thế nào để sống lâu mà chỉ hàng ngày cần cù lao động, sống bình dị, vui vẻ như bao người khác, đặc biệt là không bon chen, không lừa lọc hay làm cho ai buồn lòng.
Bà Lành tâm sự: "Từ đó đến giờ gia đình nghèo khổ, ăn uống cũng thiếu thốn, nhưng được cái sắp nhỏ hiếu thảo lắm, chắc nhờ tụi nó chăm sóc chu đáo nên tui mới khỏe đến giờ này".
Là hàng xóm nhà ông Lạc từ thời trước giải phóng, ông Trịnh Văn Đơn (còn gọi là Tám Đơn, nguyên chủ tịch hội Người cao tuổi phường Đông Hưng Thuận) cho biết, hai vợ chồng ông Sáu Lạc là mẫu gương cho khu xóm về lối sống yêu lao động, tính tình thật thà, chịu thương chịu khó và hay giúp đỡ mọi người.
"Ông Sáu tốt bụng lắm, hồi trước ổng trồng thuốc Nam bán rẻ cho bà con chữa bệnh. Ai đến bốc thuốc, ổng cũng tận tình khuyên bảo, còn người nào nghèo quá, ổng bốc thuốc cho luôn không lấy đồng nào", ông Tám nói.
Sống trong cảnh nghèo khổ, nhưng gia đình ông Lạc sống hòa thuận, đầm ấm, có trước có sau, chưa bao giờ xảy ra cảnh vợ chồng lục đục hay to tiếng với con cái. Do vậy, mỗi khi trong làng có ai cưới vợ gả chồng, người ta đều mời hai cụ đến dự tiệc và trải chiếu hoa giường tân hôn. "Người dân quê có quan niệm rằng, như thế đôi uyên ương sẽ được nhờ cái phúc của ông bà ấy mà cũng sống bách niên giai lão, gia đình hạnh phúc như họ", theo ông Tám giải thích.
Ông Tám Đơn cũng cho biết thêm, xét trong gia tộc của cả hai gia đình ông bà Sáu Lạc chưa có người nào được trường thọ như hai cụ. Cuộc sống miền quê ngày xưa lao động lại vất vả, thức khuya dậy sớm, ăn uống kham khổ nên các cụ thế hệ trước thọ lắm cũng chỉ đến 80 tuổi.
Vì thế ông phỏng đoán: "Có lẽ ông bà Sáu sống được đến tuổi này là do hay làm việc phúc, sống hòa nhã, vui vẻ, yêu đời nên tâm hồn lúc nào cũng thanh thản. Rồi cũng một phần nhờ có cô con gái không lấy chồng hết lòng phụng dưỡng, chăm sóc cha mẹ. Cô Hoa học cao hiểu rộng nên khéo lắm, không bao giờ làm gì phật lòng hai cụ".
Theo VNE