Mái ấm cô nhi Phổ Hiền: Chắp cánh ước mơ cho trẻ mồ côi
Mỗi người sinh ra đều mong muốn có một tổ ấm, được những người thân yêu thương, che chở. Nhưng do số phận, có những người đã phải sống cảnh bơ vơ, côi cút từ khi tấm bé. Mấy năm nay, mái ấm cô nhi Phổ Hiền, nằm trên địa bàn xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng là ngôi nhà của những đứa trẻ bất hạnh. Nơi đó đã và đang ươm mầm cho những ước mơ của 19 đứa trẻ từ khắp mọi nơi.
(BDO)
Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh và các nhà hảo tâm thăm, tặng quà cho các cháu nhân dịp Tết Nguyên đán
Nơi che chở, yêu thương
Chúng tôi đến thăm mái ấm Phổ Hiền vào những ngày cuối năm. Khác với vẻ ngoài im ắng, tĩnh lặng, bên trong mái ấm cuộc sống của 19 đứa trẻ đang diễn ra muôn màu, muôn vẻ. Một số em đang hoàn thành công đoạn cuối cùng để chuẩn bị đưa những cây nến “ra lò”. Một tốp khác đang tỉ mẩn chăm chút cho những cánh hoa sen xanh đỏ đủ màu, để chiếc lồng đèn đẹp hơn, lung linh hơn. Nhìn những sản phẩm ấy, có ai ngờ chúng được làm từ đôi bàn tay của những đứa trẻ mồ côi. Ở một góc khác, một số em đang ngồi ôn bài chuẩn bị cho buổi học vào đầu giờ chiều. Một cuộc sống sinh động đang diễn ra trong mái ấm nằm giữa rừng cao su.
Sư cô Nhật Huệ, người quản lý mái ấm chính là người đã bảo bọc, che chở cho những đứa trẻ mồ côi, để các em vẫn là người có ích. Mái ấm này hoạt động đã nhiều năm, nhưng chính thức được thành lập vào năm 2014. Trong số 19 em đang được nuôi dưỡng ở đây, em lớn nhất 16 tuổi và nhỏ nhất 2 tuổi rưỡi, các em đến từ nhiều địa phương trong cả nước. Sư cô Nhật Huệ kể, quê cô ở Quảng Nam, cô theo sư phụ vào chùa Phước Thiên ở Chánh Phú Hòa (TX.Bến Cát). Sau đó có một số phật tử đã cho tiền mua đất ở xã Trừ Văn Thố làm kinh tế cho chùa.
Thời gian ở đây cô thấy có những đứa trẻ thật tội nghiệp, phải lao động sớm để kiếm sống, những em này chủ yếu là con em ngoài tỉnh đến lập nghiệp. Thương cảm cho hoàn cảnh các em, sư cô cho những đứa trẻ lang thang ngủ nhờ. An tâm khi gửi con cho nhà chùa, có người đã đem con bỏ hẳn ở đây mà không một lần ghé thăm. Trường hợp đầu tiên là em Lê Đình Đội, bị khiếm thị, em bị gia đình bỏ rơi đến nay các sư cô vẫn chưa tìm được người thân cho em.
Do lượng trẻ đến tá túc ngày càng nhiều, sư cô Nhật Huệ đã xin phép địa phương cho thành lập mái ấm để dễ bề chăm sóc cho các cháu.
Chắp cánh những ước mơ
Với tấm lòng từ bi, hỉ xả, sư cô Nhật Huệ và các sư cô ở đây đã che chở, nuôi dưỡng các em, những mong các em trở thành người có ích cho xã hội. Để có nguồn kinh phí lo cho các em, ngoài sự giúp đỡ của bá tánh, các sư cô còn làm thêm đèn cầy, lồng đèn để bán, đồng thời dạy các em có thêm một cái nghề để sau này có thể nuôi sống bản thân.
Hiện tại trong số 19 em có 14 em được đi học từ tiểu học đến THCS, THPT. Em Hoàng Đình Duyệt, quê ở Bình Phước, được mẹ đưa đến mái ấm đã nhiều năm. Hiện tại em đang học lớp 10 trường THPT Tây Sơn (Phú Giáo). Em tâm sự, ba mất khi em còn nhỏ, một mình mẹ làm rẫy nuôi mấy anh em. Do cuộc sống gia đình nghèo khó, mẹ em đành gửi em vào đây. Dù sao em thấy mình vẫn còn may mắn hơn những đứa trẻ bất hạnh khác khi được các sư cô nuôi nấng, cho học hành tử tế.
Em Hồ Xuân Quang, hiện đang học lớp 8 trường THCS Trừ Văn Thố cũng vào đây đã mấy năm nay. Với gương mặt đượm buồn em kể: “Quê em ở Quảng Ngãi, nhưng cả nhà vào Phú Riềng (tỉnh Bình Phước) lập nghiệp. Từ khi em vào đây mấy năm mẹ em mới ghé thăm một lần. Buồn nhưng em không giận mẹ. Em cố gắng học tập để có cái nghề lo cho bản thân, sau này có tiền em vẫn sẽ lo cho mẹ”.
Thật là ý nghĩa khi các sư cô dạy cho các em làm lồng đèn hoa sen và đèn cầy. Khi làm những sản phẩm này các em mong muốn cuộc đời mình mãi thanh cao, tươi đẹp như những cánh hoa sen. Nhìn sang những cây nến, chúng tôi mong rằng các em mãi là những cây nến lung linh không bao giờ tắt, như chính ước mơ và khát vọng về tương lai tương sáng của các em.
Ông Nguyễn Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND xã Trừ Văn Thố:
Mái ấm cô nhi Phổ Hiền là nơi che chở cho những hoàn cảnh mồ côi, bất hạnh, trẻ lang thang. Mừng khi các em ở đây được các sư cô cho đi học. Mỗi lần đến thăm mái ấm, tôi thấy tinh thần các em thoải mái, vui tươi. Điều đó chứng tỏ các em đã tìm được niềm vui trong cuộc sống và tin vào ngày mai tươi sáng đang rộng mở ở phía trước.
A.SÁNG