“Ma trận” tội phạm trên không gian mạng – Bài 2
(BDO) Bài 2: Lừa đảo trực tuyến “nở rộ”
Mặc dù cơ quan chức năng đã cảnh báo thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng nhưng nhiều người vẫn “sập bẫy” hình thức lừa đảo “làm nhiệm vụ online” hay “thanh toán đơn hàng, nhận hoa hồng”… Đặc biệt, tình trạng này nở rộ vào dịp cuối năm.
Khi có nhu cầu tìm việc trên không gian mạng, người dân nên cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo “việc nhẹ lương cao”
Lên môi trường “ảo”, mất tiền thật
Tình hình kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng nên phải giảm giờ làm, cắt giảm lao động, dẫn đến nhu cầu tìm việc làm tăng cao.
Với chiếc điện thoại di động có kết nối internet, nhiều người lên mạng tìm việc làm có thu nhập cao nhưng ít tốn sức. Tuy nhiên, một số người đã phải nhận trái đắng vì “sập bẫy” các hình thức lừa đảo trực tuyến. Cụ thể như trường hợp anh Võ Hồng T. (49 tuổi, ngụ phường Bình Nhâm, TP.Thuận An) lên ứng dụng Telegram để tìm kiếm công việc tăng thêm thu nhập đã bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.
Thông qua ứng dụng này, anh T. kết bạn với tài khoản tên Ngọc Trân và được hướng dẫn kiếm tiền bằng cách làm nhiệm vụ trên ứng dụng. Người này gửi một đường link để anh T. tải về máy. Sau đó, anh T. nhận được yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản của người cung cấp để nhận hoa hồng. Anh T. đã chuyển tổng cộng 205 triệu đồng đến số tài khoản 0332666547 của Ngân hàng VPBANK do TRAN THI TUYET HUONG đứng tên. Khi đã hoàn tất việc chuyển tiền, anh T. không thể rút tiền do “hệ thống báo lỗi”. Lúc này Ngọc Trân yêu cầu anh T. chuyển số tiền 595 triệu đồng để rút toàn bộ số tiền nói trên. Đến khi biết đã bị lừa, anh T. đến cơ quan công an trình báo.
Cũng như anh T., chị Nguyễn Thị Th. (25 tuổi, quê Đắk Nông, tạm trú tại TP.Thuận An) lên mạng tìm việc làm thêm. Thông qua mạng xã hội Wechat, chị Th. biết được một tài khoản tên là “Aiman” và được người này giới thiệu công việc thanh toán đơn hàng để nhận được tiền hoa hồng. Sau đó, “Aiman” gửi một đường link và yêu cầu chị Th. vào trang web Zappos để đăng ký tài khoản. Đăng ký thành công, chị Th. được “Aiman” hướng dẫn bấm vào link để liên hệ nhân viên chăm sóc khách hàng Zappos HI. Ban đầu Zappos HI yêu cầu Th. thanh toán 60 đơn ở “Level 1” không mất vốn và nhận hoa hồng 621.000 đồng. Lần thứ 2, Zappos HI yêu cầu chị Th. thanh toán 60 đơn hàng ở “Level 2” với điều kiện phải nạp 683.000 đồng vào số tài khoản do nhân viên chăm sóc khách hàng chỉ định để nhận lại hơn 3,2 triệu đồng.
Thấy dễ kiếm tiền, chị Th. đã thực hiện 19 lần chuyển tiền vào tài khoản do Zappos HI chỉ định với tổng số tiền hơn 467 triệu đồng để nhận hoa hồng từ việc thanh toán tiền đơn hàng. Đến khi không nhận được tiền hoa hồng cũng như tiền gốc đã nộp vào số tài khoản do Zappos HI yêu cầu, chị Th. mới biết đã bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo số liệu thống kê của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 11 tháng năm 2023, đơn vị này đã nhận được hơn 15.900 phản ánh về trường hợp lừa đảo do người dùng internet Việt Nam gửi đến qua các hệ thống cảnh báo, trong đó hơn 91% cảnh báo này liên quan đến giả mạo, lừa đảo trong lĩnh vực ngân hàng - tài chính. |
Mất tiền vì “làm nhiệm vụ online”
Qua công tác đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, cơ quan công an đã chỉ ra nhiều thủ đoạn tội phạm lợi dụng môi trường internet để “giăng bẫy” những người nhẹ dạ, cả tin vào kiếm tiền bằng “việc nhẹ lương cao” tại nhà. Tại hội thảo với chủ đề “Các giải pháp, phương pháp phòng ngừa, ứng phó các nguy cơ đe dọa an ninh kinh tế trên địa bàn tỉnh Bình Dương” do Viện An ninh phi truyền thống (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp với Công an tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức, các đại biểu đã chỉ ra một số nguy cơ đe dọa đến an ninh kinh tế trên địa bàn tỉnh Bình Dương, trong đó phải kể đến sự gia tăng của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Phát biểu tại hội thảo với chủ đề “Thực trạng tình hình và giải pháp phòng, chống tội phạm liên quan đến tiền ảo, tội phạm sử dụng công nghệ cao chiếm đoạt tài sản, bảo đảm an ninh kinh tế trên địa bàn tỉnh Bình Dương”, Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Dương, trường Đại học Cảnh sát nhân dân, cho biết tội phạm sử dụng công nghệ chiếm đoạt tài sản là tội phạm phi truyền thống, phần lớn các hoạt động của đối tượng phạm tội diễn ra trên môi trường “ảo”, hoạt động xuyên quốc gia, gia tăng nhanh chóng, gây hậu quả vô cùng lớn và có phạm vi ảnh hưởng rộng.
Theo Đại tá Nguyễn Thanh Dương, các thủ đoạn sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản phổ biến xảy ra trên địa bàn tỉnh Bình Dương phải kể đến như lấy cắp thông tin cá nhân bằng phần mềm gián điệp. Theo đó, đối tượng sử dụng phần mềm gửi thư rác (Spam) có nội dung khuyến mãi, trúng thưởng… đến các địa chỉ thư điện tử của nhiều người. Khi người sử dụng nhận được thông báo chúc mừng trúng thưởng một chương trình khuyến mãi chăm sóc khách hàng của một ngân hàng, cùng nhiều ưu đãi hấp dẫn, kèm theo đó người dùng phải đăng nhập tài khoản ngân hàng và cung cấp mã OTP để được nhận phần thưởng. Do chủ quan, người dân làm theo hướng dẫn nên bị đối tượng chiếm quyền quản trị và có thể “trộm” được thông tin tài khoản, mật khẩu ngân hàng, mã OTP để chiếm đoạt tiền trong tài sản của người sử dụng.
Trong khi đó, theo số liệu thống kê của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 11 tháng năm 2023, đơn vị này đã nhận được hơn 15.900 phản ánh về trường hợp lừa đảo do người dùng internet Việt Nam gửi đến qua các hệ thống cảnh báo, trong đó hơn 91% cảnh báo này liên quan đến giả mạo, lừa đảo trong lĩnh vực ngân hàng - tài chính. Trước thực trạng lừa đảo trực tuyến thường có xu hướng “bùng nổ” vào dịp cuối năm, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, liên tục cập nhật về nhận diện các hình thức lừa đảo mới được cơ quan chức năng cảnh báo để tránh sập bẫy. (còn tiếp)
N.HẬU - V.CHÂU