Lưu vực hệ thống sông Đồng Nai: Vẫn tồn tại nguy cơ bức tử
Trải dài trên địa bàn nhiều tỉnh, lưu vực hệ thống sông Đồng Nai (LVHTSĐN) chịu ảnh hưởng mạnh của nhiều nguồn tác động trên toàn lưu vực. Bên cạnh ô nhiễm chất lượng nước, sông Đồng Nai còn gặp nhiều vấn đề hết sức quan trọng khác như rừng đầu nguồn, chế độ dòng chảy...
Các vị lãnh đạo tỉnh, thành thảo luận bàn nhiều giải pháp để BVMT LVHTSĐN. (Ảnh: Q. Chiến) Tại phiên họp lần thứ IV vừa diễn ra tại Bình Dương vào cuối tuần qua, Ủy ban Bảo vệ môi trường (BVMT) LVHTSĐN, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP.HCM, Chủ tịch Ủy ban BVMT LVHTSĐN, đánh giá qua 3 năm triển khai “Đề án BVMT - LVHTSĐN đến năm 2020” của Chính phủ (gọi tắt là Đề án sông Đồng Nai), Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban BVMT LVHTSĐN, các bộ, ngành và 11 tỉnh, thành trên lưu vực triển khai và đã đạt được nhiều kết quả bước đầu. Trong đó, điều đáng ghi nhận là chất lượng nước lưu vực sông Đồng Nai có nhiều chuyển biến tích cực, các điểm “nóng” về ô nhiễm môi trường (ÔNMT) cơ bản được giải quyết. Nguồn nước LVHTSĐN đang được kiểm soát an toàn để cung cấp nước sinh hoạt cho 18 triệu dân sống trên lưu vực. Các cấp chính quyền địa phương trên lưu vực đã và đang dành nhiều sự quan tâm mạnh mẽ đối với vấn đề BVMT LVHTSĐN. Đặc biệt năm 2011, các địa phương còn phối hợp, từng bước khắc phục các xung đột lợi ích cục bộ, không vì lợi ích của địa phương mình mà gây thiệt hại tới các địa phương khác.
Dù có nhiều cố gắng phối hợp triển khai thực hiện, nhưng theo một số ý kiến cho rằng, ÔNMT ở LVHTSĐN đã đến mức cảnh báo và tồn tại nhiều nguy cơ bức tử. ÔNMT nước chủ yếu do hoạt động phát triển của các ngành công nghiệp gây ra. Ô nhiễm nước mặt tập trung chủ yếu dọc các đoạn sông chảy qua thuộc các tỉnh vùng trọng điểm phía Nam - nơi tập trung nhiều khu công nghiệp và các đô thị. Theo báo cáo, hiện việc ô nhiễm trên sông Đồng Nai vẫn còn diễn biến phức tạp. Nước sông từ Nhà máy nước Thiện Tân đến Long Đại (Đồng Nai) bắt đầu ô nhiễm các chất hữu cơ và chất rắn lơ lửng. Còn sông Sài Gòn bắt đầu ô nhiễm chất hữu cơ và ô nhiễm vi sinh từ khu vực cửa sông Thị Tính và tăng dần về phía hạ lưu. Hàm lượng BOD5, COD, vi sinh... đều không đạt quy chuẩn, khu vực cửa sông cũng bị ô nhiễm chất hữu cơ và vượt qua QCVN 08 ở mức A1, một số nơi còn vượt mức B1...
Bộ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Minh Quang, cho biết thêm công tác BVMT sông Đồng Nai cấp bách nhất trong 3 lưu vực sông lớn của Việt Nam (lưu vực sông Cầu, sông Nhuệ - Đáy). So về độ ô nhiễm chất lượng nước, lưu vực sông Đồng Nai không nặng bằng lưu vực sông Nhuệ - Đáy. Nhưng, LVHTSĐN lại gặp nhiều vấn đề quan trọng khác như rừng đầu nguồn, chế độ dòng chảy... Vì vậy, BVMT LVHTSĐN là nhiệm vụ trọng tâm của các bộ, ngành từ Trung ương tới địa phương. Để đề án thực hiện có hiệu quả, các tỉnh, thành thuộc LVHTSĐN cần tích cực thực hiện các mục tiêu của đề án; coi trọng công tác BVMT; tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất gây ÔNMT; thực hiện tốt cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành; đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của nhân dân trong việc BVMT...
Các đại biểu tham dự phiên họp cũng thống nhất cho rằng, các bộ, ngành, địa phương phải chú ý xem xét, cân nhắc thật kỹ trước khi cấp phép mỗi dự án mới, tránh gây những tác động tới môi trường LVHTS; đồng thời cần sớm hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải công nghiệp, y tế, sinh hoạt tại các địa phương trên lưu vực... Đồng thời, BVMT LVHTSĐN không chỉ bảo vệ nguồn nước mà còn phải bảo vệ diện tích rừng, hệ sinh thái, đất nông nghiệp. Vì thế, Ủy ban sông Đồng Nai đã nhất trí kiến nghị Chính phủ xem xét không tiếp tục phát triển thêm các công trình thủy điện trên hệ thống sông Đồng Nai. Các nhà máy thủy điện phải được quy hoạch và xây dựng phù hợp, không nên phát triển quá ồ ạt mà ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.
THU THẢO