Lương tối thiểu vùng năm 2021: Giữ nguyên sau nhiều năm tăng liên tiếp
(BDO) Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã quyết định trình Chính phủ đề xuất không tăng tiền lương tối thiểu vùng năm 2021.
Đây là thông tin được đưa ra trong phiên họp của Hội đồng Tiền lương Quốc gia về tiền lương tối thiểu vùng năm 2021 tổ chức vào sáng nay, 5/8, tại Hà Nội.
Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã tiến hành bỏ phiếu với phương án: “Tiếp tục thực hiện tiền lương tối thiểu vùng theo tháng đến năm 2020 đết hết năm 2021 (không điều chỉnh trong năm 2021). Chưa ban hành tiền lương tối thiểu theo giờ năm 2021 để đồng bộ với tiền lương tối thiểu theo tháng.”
Trong phiên họp này, có 13 thành viên tham gia hội đồng nhưng chỉ có 9 thành viên tham gia bỏ phiếu, kết quả cả 9 phiếu (chiếm 69,2%) đều đồng ý với phương án hội đồng đưa ra. Các thành viên không tham gia bỏ phiếu đều là đại diện của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, do đại diện của người lao động chưa đồng ý với phương án được đưa ra bỏ phiếu.
Trước đó trong khi thương lượng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất hai phương án là nguyện vọng của người lao động: Lương tối thiểu sẽ tăng bình quân 3,95% áp dụng tăng từ 1/7/2021và tăng bình quân 2,5%, áp dụng từ 1/1/2021. Tuy nhiên, sau khi thương lượng, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề nghị chưa đưa ra phương án về việc xem xét thời điểm điều chỉnh việc tăng lương.
Hội đồng Tiền lương quốc gia họp báo về mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2021. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Ông Lê Đình Quảng, thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), cho biết các cơ sở điều chỉnh tiền lương còn phụ thuộc rất nhiều vào việc khôi phục nền kinh tế, khắc phục hậu quả của COVID-19 và tình hình kinh tế thế giới. Tuy nhiên hiện nay chưa nắm bắt được rõ tình hình năm 2021, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề nghị thống nhất chưa bàn đến việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu năm 2021 và tiếp tục thực hiện theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP đến 1/7/2021, sau đó đầu năm 2021 tiếp tục căn cứ tình hình để xem xét điều chỉnh tiền lương. Tức là duy trì mức lương tối thiểu vùng năm 2020 đến 1/7/2021.
“Năm 2021 hội đồng sẽ thực hiện theo thành phần mới của Bộ Luật Lao động năm 2019. Việc xem xét tiền lương tối thiểu cũng áp dụng theo 7 tiêu chỉ của của Bộ Luật Lao động năm 2019. Do đó, Hội đồng Tiền lương sẽ tổ chức họp và xem xét có thể điều chỉnh hoặc không tăng vào quý 1, quý 2 năm 2021,” ông Lê Đình Quảng đề nghị.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ: “Doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, chưa đủ sức để tăng lương tối thiểu. Do đó, rất mong người lao động đồng hành cùng doanh nghiệp, không tăng lương tối thiểu năm 2021.”
Theo Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, phương án không tăng lương tối thiểu vùng năm 2021 sẽ được Hội đồng Tiền lương Quốc gia trình Chính phủ xem xét quyết định. Các ý kiến của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cũng sẽ được ghi nhận và trình Chính phủ.
Như vậy, tiền lương tối thiểu vùng năm 2021 sẽ là: Vùng 1 giữ nguyên 4.420.000 đồng/tháng; vùng 2 là 3.920.000 đồng/tháng; vùng 3 là 3.430.000 đồng/tháng; vùng 4 là 3.070.000 đồng/tháng.
Mức lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương; trong đó mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận. Mức tiền lương phải bảo đảm không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất.
Khi thực hiện mức lương tối thiểu vùng, doanh nghiệp không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với các chức danh nghề nặng nhọc, độc hại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động. Các khoản phụ cấp, bổ sung khác, trợ cấp, tiền thưởng do doanh nghiệp quy định thì thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của doanh nghiệp./.
Theo TTXVN