Lượng chính trị nòng cốt: “Những cánh tay nối dài”
(BDO) Từ việc thực hiện Chương trình số 16 - Ctr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương về “Xây dựng, phát triển tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp (DN) ngoài khu vực Nhà nước, giai đoạn 2016-2020”, vai trò của các tổ chức Đoàn Thanh niên, Công đoàn (CĐ) và Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN)... trong các DN đã phát huy hiệu quả. Đặc biệt, các tổ chức đoàn thể này đã xây dựng nên những lực lượng cốt cán, trở thành những “cánh tay nối dài”, góp phần đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với công nhân lao động (CNLĐ); chăm lo và kịp thời nắm bắt tình hình tư tưởng, tình cảm của CNLĐ, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.
Đến nay, Bình Dương đã thành lập được 3 Câu lạc bộ (CLB) Cán bộ công đoàn nòng cốt (CNCĐNC) với tổng số 120 thành viên. Đây chính là những người tiên phong, mở “nút thắt” trong mối quan hệ lao động. Đặc biệt, lực lượng chính trị nòng cốt này còn tăng cường khả năng tiếp cận CNLĐ tại DN, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, diễn biến tư tưởng, tuyên truyền nội dung hoạt động của tổ chức CĐ đến với đoàn viên công đoàn (ĐVCĐ), CNLĐ.
Các thành viên của Câu lạc bộ CBCĐNC Công đoàn Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore trong ngày ra mắt. Ảnh: T.THẢO
Thủ lĩnh của công nhân
Ngày 16-12-2014, CLB CBCĐNC của Công đoàn các khu công nghiệp Bình Dương (CĐCKCNBD) chính thức ra mắt với 40 thành viên là những cán bộ công đoàn cơ sở (CĐCS) có năng lực và tâm huyết đang làm việc tại các DN thuộc CĐCKCNBD. CLB CBCĐNC ra đời đánh dấu một bước phát triển mới, đưa hoạt động của tổ chức CĐ đi vào chiều sâu; là nơi quy tụ những cán bộ công đoàn (CBCĐ) có năng lực, tâm huyết trong phong trào hoạt động CĐ, xây dựng một sân chơi bổ ích, tạo điều kiện giao lưu, học tập, rèn luyện kỹ năng để nâng cao nghiệp vụ công tác, nâng dần chất lượng hoạt động CĐ tại DN. Đồng thời, đây cũng là môi trường rèn luyện, giúp cho CBCĐ tự tin, năng động, sáng tạo… để hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn. Anh Đào Trần Đông, Phó Chủ tịch CĐCKCNBD, cho biết đến nay CLB CBCĐNC của CĐCKCNBD đã có 61 thành viên đến từ 43 CĐCS trực thuộc. Đây là những CĐCS có đông CNLĐ và trải đều trong các khu công nghiệp (KCN). Nhờ việc hình thành CLB CBCĐNC, thông tin hoạt động hai chiều giữa CĐCKCNBD và CĐCS rất kịp thời. Chị Mai Thị Hồng, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Triumph International Việt Nam (KCN Sóng Thần 1), thành viên CLB CBCĐNC cho biết: “Tham gia CLB, chúng tôi được trang bị những kỹ năng mềm như kỹ năng tuyên truyền; kỹ năng thu thập, xử lý thông tin; các chính sách pháp luật liên quan đến CNLĐ… để từ đó nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức CĐ tại DN”.
Toàn tỉnh hiện có 3.362 CĐCS với 713.000 ĐVCĐ, đứng thứ hai trong cả nước về số lượng ĐVCĐ; trong đó có 2.586 CĐCS khu vực DN ngoài Nhà nước, chiếm tỷ lệ 77% so với tổng số CĐCS, với 671.731 ĐVCĐ/736.970 CNLĐ trong các DN có tổ chức CĐ; tỷ lệ ĐVCĐ trong các DN có CĐCS chiếm 91%. |
Tiếp nối thành công của CLB CBCĐNC của CĐCKCNBD, tháng 10-2016, CLB CBCĐNC của Công đoàn KCN Việt Nam- Singapore (VSIP) cũng được thành lập. 37 thành viên của CLB chính là 37 “thủ lĩnh” của công nhân, góp phần cùng tổ chức CĐ đưa hoạt động CĐ tại DN nói riêng và trong toàn VSIP nói chung ngày càng lớn mạnh. Anh Trương Thanh Phong, Chủ nhiệm CLB CBCĐNC của CĐ VSIP cho biết: “Tại CLB, chúng tôi trang bị những kỹ năng cần thiết, từ đó tạo ra những sân chơi thật sự bổ ích, cởi mở, thân thiện để mọi người hòa đồng, tạo nên tiếng nói chung. Có như vậy mới phát huy được hiệu quả hoạt động của CLB, đóng góp vào sự phát triển chung của CĐ VSIP”. Cũng theo anh Phong, việc thành lập CLB CBCĐNC nhằm mục đích đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ, năng lực tổ chức, quản lý của đội ngũ cán bộ công đoàn (CBCĐ) hiện nay. Ngoài ra, CLB còn tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho CBCĐ; rèn luyện kỹ năng hoạt động đội nhóm, kỹ năng tổ chức sinh hoạt tập thể; hướng dẫn, hỗ trợ công tác tập huấn nghiệp vụ và tổ chức các hoạt động tình nguyện hướng đến CNLĐ và cộng đồng…
Hai chiều thông tin kịp thời, chính xác
“Chị ơi, anh ơi, ở công ty em đang có trường hợp đó, giờ xử lý ra sao?”. “Em cứ thu thập hết thông tin, xem diễn biến tình hình thế nào nhé. Nhớ thông tin thật kịp thời”… Đây là những tin nhắn thường xuyên trên group zalo của những CBCĐNC với tên nhóm là “Cán bộ công đoàn chủ chốt”. Nhóm gồm các thành viên của thường trực, trưởng, phó ban của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh; chủ tịch, phó chủ tịch CĐ cấp trên cơ sở và thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp trực thuộc, do Chủ tịch LĐLĐ tỉnh điều hành. Thời gian qua, nhóm “Cán bộ công đoàn chủ chốt” thực hiện các nhiệm vụ như thông tin kịp thời ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch và Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh; nắm bắt kịp thời thông tin về tình hình tư tưởng của CNLĐ, tình hình quan hệ lao động và các diễn biến khác; định hướng công tác tuyên truyền, cung cấp các thông tin liên quan an ninh trật tự trong và ngoài tỉnh, các vấn đề nhạy cảm có liên quan đến CNLĐ.
Ông Lưu Thế Thuận, Trưởng ban Tuyên giáo LĐLĐ tỉnh, cho biết hiện toàn tỉnh đã thành lập được 3 CLB CBCĐNC với tổng số 120 thành viên. Việc thành lập được CLB CBCĐNC rất có ý nghĩa vì thông qua đó để tập huấn, trao đổi kinh nghiệm, cũng như tạo diễn đàn để CBCĐ nắm bắt diễn biến tâm tư của CNLĐ và tình hình hoạt động CĐ; từ đó đưa ra được những giải pháp phòng ngừa kịp thời. Để CLB hoạt động hiệu quả, phát huy hết tiềm năng, LĐLĐ tỉnh, cũng như CĐ cấp trên cơ sở đã tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu kỹ năng, nghiệp vụ cần thiết trong hoạt động CĐ cho các thành viên; đồng thời tổ chức các hoạt động thiết thực, hiệu quả, cùng nhau đoàn kết, tương trợ, chia sẻ, để CLB thực sự là “cánh tay nối dài” của tổ chức CĐ.
Từ khi các CLB CBCĐNC được thành lập, các đơn vị đã có sự chủ động trong xây dựng các mục tiêu, nhiệm vụ, phương hướng hoạt động cho phù hợp với đặc điểm tình hình của từng đơn vị. Lực lượng CBCĐ đã được tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa và bổ ích như tập huấn các kỹ năng về tiếp nhận và xử lý thông tin, kỹ năng tuyên truyền giáo dục, kỹ năng làm việc nhóm, chia sẻ các vấn đề liên quan đến Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, các vấn đề CNLĐ quan tâm, hoạt động về nguồn... Đây không chỉ là cơ hội để kết nối mà còn giúp cho CBCĐ chia sẻ, tích lũy kinh nghiệm, học hỏi các kiến thức mới, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của hoạt động CĐ tại cơ sở.
Đặc biệt, CLB chính là những người tiên phong đi mở những “nút thắt”, mạnh dạn làm những việc mà hoạt động CĐ hiện nay đang gặp khó khăn. Đó là tiếp cận CNLĐ tại DN để nắm bắt tâm tư nguyện vọng, diễn biến tư tưởng cũng như truyền tải thông tin, nội dung hoạt động của tổ chức CĐ đến với ĐVCĐ, CNLĐ. Điển hình như trong khoảng thời gian tháng 6-2018, khi Quốc hội chuẩn bị thông qua dự thảo Luật An ninh mạng và bàn về dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, lực lượng CBCĐNC đã phát huy vai trò tiên phong trong việc nắm bắt tư tưởng của ĐVCĐ, CNLĐ, diễn biến quan hệ lao động trong các DN. LĐLĐ tỉnh đã thành lập nhóm zalo do Chủ tịch LĐLĐ tỉnh điều hành để thông tin tình hình và chỉ đạo kịp thời, qua đó Thường trực LĐLĐ tỉnh nắm bắt nhanh thông tin từ cơ sở và thông tin chỉ đạo kịp thời cho đội ngũ CBCĐ, định hướng tuyên truyền nhanh chóng, góp phần ổn định tình hình quan hệ lao động tại các DN, không để xảy ra các tình huống bị động, bất ngờ, bảo đảm tốt tình hình an ninh trật tự tại địa phương. (Còn tiếp)
Không chỉ phát huy vai trò của CLB CBCĐNC, thời gian qua LĐLĐ tỉnh cũng đã tập trung công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức cho CBCĐ các cấp, nhất là các CĐCS khu vực DN. Tính đến nay, toàn tỉnh hiện có gần 14.000 CBCĐ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCĐ đã có sự chuyển biến tích cực theo hướng đa dạng hóa hình thức, đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo; tổ chức tập huấn theo chuyên đề, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ CĐCS ở các DN. 5 năm qua (2013-2018), các cấp CĐ đã tổ chức 731 lớp tập huấn, bồi dưỡng cho trên 150.000 lượt CBCĐ, trong đó số lượt ủy viên Ban chấp hành CĐCS được tập huấn các lớp chuyên đề, nghiệp vụ công tác CĐ đạt trên 90%. Đây là những nhân tố tích cực để hình thành nên lực lượng CBCĐNC tại các DN.
THÀNH SƠN - THU THẢO