Luôn bên con…
Ba mẹ luôn theo sát bên con để sớm nhận biết những đổi thay của con từ bình thường đến bất thường. Từ đó, ba mẹ có cách giải quyết tốt nhất là điều hết sức quan trọng. Đừng để vì “tham công tiếc việc” đến lúc nhận ra thì quá muộn…
Cùng theo con trong những ngày thi đấu các giải bóng đá nhi đồng, có một câu chuyện của anh V., phụ huynh một bé trai được đánh giá xuất sắc trong đội bóng làm nhiều người nể nang, thấy quý mến anh hơn. Câu chuyện luôn bên con của anh có thể làm cho các bậc phụ huynh thay đổi cách suy nghĩ về con cái, định hướng sở thích của con là cho con chứ không phải cho bố mẹ.
Anh kể, khoảng năm con trai anh học lớp 3 (hơn 3 năm trước), anh nhận thấy con mình không bình thường như những đứa trẻ khác. Nó không chịu chơi chung với ai, đến lớp cũng lủi thủi một mình. Khi về nhà, con anh rất ít nói cười dù là với người thân. Trong một lần đi chơi, con trai bị gãy tay phải bó bột. Đó là thời gian nó càng lầm lì hơn, dễ nổi nóng và không muốn chia sẻ bất cứ thứ gì với mọi người xung quanh.
Lo rằng con sẽ bị tự kỷ, anh quyết tâm bỏ bớt công việc để “theo sát” con hơn. Anh làm… cánh tay cho con, đọc sách cho con, đưa con đi chơi nhiều hơn và quyết tâm “sau khi con tháo bột, cha con mình sẽ có một… cuộc thay đổi lớn, con trai nhé!”.
Anh xin cho con vào học ở câu lạc bộ bóng đá nhi đồng và thầy giáo nhanh chóng nhận ra thằng bé có năng khiếu về môn thể thao này. Anh thì vui mừng khi lặng lẽ quan sát từng nụ cười hay cái cau mày của con (dù vẫn còn hiếm hoi) với bạn bè, với huấn luyện viên. Với anh, biểu hiện tình cảm của con đúng với cảm xúc cũng là điều thật đáng mừng.
Bây giờ thì con trai anh đã rất tự tin mỗi khi luyện tập, ra sân. Thằng bé cũng được bạn bè quý mến và có nhiều bạn cùng chơi, cùng học. Anh V. có cơ sở làm ăn ở Bình Phước nhưng mỗi khi con đi thi đấu, anh luôn theo sát bên con dù thi đấu trong hay ngoài tỉnh. Khi đội bóng đi thi đấu với đội bóng các tỉnh, thành khác, anh sẽ sắp xếp công việc làm ăn, giao cho vợ quản lý để cùng con “vừa thi đấu, vừa đi du lịch cho con trai biết đó biết đây”.
Một điều đáng trân trọng nữa là anh luôn quý trọng và nâng niu thành tích học tập, chơi thể thao của con mình. Anh cắt từng tin, bài báo có viết về con và đội bóng lồng vào khung ảnh để giữ cho con. Giấy khen học sinh giỏi của con anh cũng cất giữ cẩn thận. Hỏi anh có cho con theo bóng đá chuyên nghiệp không nếu cháu có khả năng và sở thích này, anh V. cười cho biết, vợ chồng anh thống nhất với nhau sẽ “sống” với niềm đam mê của con chứ không ép buộc con cái phải phục vụ sở thích và kỳ vọng của ba mẹ…
HƯƠNG CẦN