Lùi ngày “mở cửa” các đường bay thương mại quốc tế
(BDO)
Để bảo đảm yếu tố an toàn khi mở cửa trở lại đường bay thương mại quốc tế, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và các bộ, ngành, địa phương thống nhất sẽ tiếp tục làm rõ các điều kiện, yếu tố liên quan để trình Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, trước khi ra quyết định cuối cùng.
Chưa chốt thời điểm “mở cửa”
Liên quan việc mở lại các chuyến bay quốc tế, chiều tối 14-9, đại diện Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, vẫn chưa thực hiện mở lại chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ từ ngày 15-9 như dự định ban đầu.
Trong chiều 14-9, Bộ GTVT chủ trì, cùng UBND thành phố Hà Nội họp với các bộ, ngành liên quan để bàn bạc, thống nhất phương án có thể mở lại các đường bay quốc tế tới các điểm đến tại các quốc gia có kết quả phòng chống dịch Covid-19 tốt và là các đường bay có nhu cầu vận chuyển cao đối với các hãng hàng không Việt Nam theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
“Tuy nhiên, hiện nay cơ quan y tế đang hoàn thiện phương án, quy trình xét nghiệm, cách ly y tế đối với các nhóm đối tượng được phép nhập cảnh. Dự kiến, sẽ báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 vào ngày 17-9 tới”, đại diện Bộ GTVT cho hay.
Việc “mở cửa” đường bay quốc tế hiện nay cần bàn bạc và thống nhất, làm rõ các điều kiện để được nhập cảnh vào Việt Nam (y tế, cách ly, chi phí,...) đối với từng đối tượng (ngoại giao, chuyên gia, nhà đầu tư và công dân Việt Nam) để thông báo rộng rãi tới các nước liên quan cũng như những người quan tâm, có nhu cầu nhập cảnh vào Việt Nam.
Mặt khác, các địa phương, nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, dự báo là những nơi sẽ có số lượng lớn người nhập cảnh nhưng hiện tại vẫn chưa xác định được cụ thể nhu cầu số lượng người nhập cảnh để lên kế hoạch bố trí các khu cách ly cũng như các điều kiện giám sát, chi phí liên quan,...
Chính vì vậy, để bảo đảm yếu tố an toàn khi mở cửa đường bay quốc tế, Bộ GTVT và các bộ, ngành, địa phương thống nhất sẽ tiếp tục làm rõ các điều kiện, yếu tố liên quan để trình Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thống nhất trước khi ra quyết định cuối cùng.
Trước đó, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 ngày 11-9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Y tế tập trung chỉ đạo, phối hợp các bộ, ngành để phổ biến và hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trong tình hình mới; nghiên cứu, hướng dẫn việc kiểm tra, theo dõi y tế, lấy mẫu xét nghiệm với các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam khi mở lại các đường bay thương mại quốc tế.
Đối với khách quốc tế nhập cảnh, phải có quy định riêng về phòng, chống dịch trong suốt quá trình nhập cảnh, đi lại, làm việc tại Việt Nam. Khi xuất hiện ca mắc bệnh, phải thần tốc truy vết các trường hợp có nguy cơ, khoanh vùng và cách ly thật gọn, dập dịch triệt để.
Bộ GTVT phối hợp Bộ Ngoại giao từng bước, thận trọng tăng tần suất chuyến bay từ các nước ít nguy cơ lây nhiễm bệnh để đưa chuyên gia, nhà đầu tư, lao động tay nghề cao nhập cảnh và đón công dân về nước. Lịch bay cụ thể do Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam xem xét, quyết định.
Thủ tướng cũng yêu cầu UBND các địa phương tổ chức thực hiện cách ly người nhập cảnh tại cơ sở lưu trú và có thu phí. Trước hết, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ và các tỉnh lân cận ba thành phố trên khẩn trương chỉ đạo, lựa chọn các cơ sở lưu trú làm nơi cách ly người nhập cảnh có thu phí, bảo đảm cơ số cách ly tối thiểu 10.000 người và có thể tăng dần trong thời gian tới,...
Hãng bay luôn sẵn sàng
Phân tích ý kiến cho rằng dù mở lại đường bay quốc tế nhưng du khách quốc tế vẫn e ngại đến Việt Nam nếu phải thực hiện cách ly tập trung 14 ngày, đại diện hãng hàng không Vietjet Air (VJA) cho rằng, khách du lịch chỉ là một trong nhiều loại hình khách đến Việt Nam. Ngoài khách du lịch, còn có các chuyên gia, kỹ sư, các nhà đầu tư, công dân Việt Nam ở nước ngoài hồi hương về nước. Nếu người nước ngoài đến Việt Nam vì công việc, công dân Việt Nam hồi hương về nước, họ sẽ không e ngại thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
“Có thể thời gian đầu mở lại đường bay quốc tế, lượng khách không cao như trước đây khi chưa có dịch, nhưng điều quan trọng hơn khi các hãng hàng không Việt Nam bay ra nước ngoài và các hãng hàng không quốc tế bay đến Việt Nam sẽ là minh chứng cho công tác phòng chống dịch ở Việt Nam hiệu quả, là động lực cho nhiều ngành kinh tế phát triển”, đại diện VJA nhấn mạnh.
Phía VJA cũng bày tỏ ủng hộ việc Bộ Y tế triển khai xây dựng chiến lược xét nghiệm mới để giảm số người phải cách ly, không cách ly cả khu vực, không cách ly tất cả mọi người từ nước ngoài về trong 14 ngày như đã áp dụng.
“Việt Nam có thể áp dụng việc công nhận kết quả xét nghiệm của hành khách thực hiện ở nước họ trước khi sang Việt Nam, đồng thời tiến hành xét nghiệm nhanh, nếu hành khách có kết quả âm tính thì có thể cho họ nhập cảnh bình thường”, đại diện VJA đề xuất.
Về vấn đề này, đại diện Vietnam Airlines (VNA) cho biết, kể từ khi tạm dừng khai thác thường lệ các đường bay quốc tế vào cuối tháng 3 đến nay, hãng luôn theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch bệnh và bám sát thị trường để có phương án khai thác trở lại mạng bay quốc tế một cách phù hợp, bảo đảm ưu tiên cao nhất là phòng, chống dịch bệnh và đáp ứng tốt nhu cầu di chuyển của hành khách.
Với mỗi thị trường, VNA đều có tổ nhân lực chuyên trách theo dõi và xây dựng kế hoạch khai thác để sẵn sàng lên lịch bay, mở bán vé và phục vụ hành khách ngay khi có sự đồng ý của các cơ quan chức năng.
Nhìn nhận việc chuẩn bị cho sự khai thác trở lại các đường bay quốc tế không quá khó khăn với hãng khi thực hiện, đại diện VNA cho biết, hãng vẫn duy trì hoạt động thường xuyên trên mạng bay quốc tế qua các chuyến bay đưa công dân hồi hương, vận chuyển hàng hóa và chở hành khách một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài.
Hãng hàng không Bamboo Airways (BBA) cũng cho biết, hãng sẽ khôi phục các đường bay đi Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc trong tháng 9, tháng 10 tới và có kế hoạch mở mới nhiều đường bay đến Nhật Bản, Singapore, Australia vào quý IV-2020.
Cụ thể, đường bay Hà Nội – Đài Bắc (Đài Loan – Trung Quốc) dự kiến sẽ được BBA khôi phục từ ngày 29-9 với tần suất một chuyến/tuần, khởi hành từ 13 giờ các ngày thứ ba hằng tuần .
Đường bay Hà Nội – Seoul (Hàn Quốc) dự kiến được khôi phục từ ngày 7-10 với tần suất một chuyến/tuần bằng máy bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner. Chuyến bay dự kiến khởi hành từ Hà Nội lúc 23 giờ 50 phút các ngày thứ Tư hằng tuần.
Tần suất khai thác chung sẽ được từng bước tăng dần theo nhu cầu của thị trường. Các chuyến bay chở khách chiều ngược lại về Việt Nam sẽ được thực hiện sau khi có phê duyệt chính thức của các nhà chức trách.
Đối với các đường bay mới tới Nhật Bản, Bamboo Airways dự kiến đưa vào khai thác đường bay TP Hồ Chí Minh – Tokyo (Narita) từ ngày 1-11, đường bay Hà Nội – Tokyo (Narita) từ tháng 12.
Đường bay Hải Phòng – Singapore; Hà Nội/TP Hồ Chí Minh – Melbourne (Australia) dự kiến sẽ được đưa vào khai thác trong quý IV; Hà Nội/TP Hồ Chí Minh – London (Anh); Hà Nội/TP Hồ Chí Minh – Munich/Frankfurt (Đức) dự kiến trong quý I-2021 ngay khi các nhà chức trách công bố phương án khai thác các tuyến bay quốc tế.
Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Phó Tổng Giám đốc BBA cho biết, đối với hoạt động khôi phục mạng bay quốc tế, hãng quán triệt tinh thần tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ đạo của Chính phủ và các cơ quan chức năng liên quan. Khi dịch Covid-19 được cơ bản kiểm soát, BBQ tiếp tục xúc tiến, xây dựng và kết nối các đường bay mới tới Đông - Nam Á, Đông Á, châu Âu, châu Mỹ,...
Riêng thị trường châu Âu, hãng đã chuẩn bị sẵn sàng về điều kiện để bay thương mại thường lệ tới 27 nước, khi đã được nhà chức trách châu Âu cấp phép chứng chỉ nhà khai thác tàu bay TCO.
“Trong thời gian hiện tại, hàng loạt chuyến bay thuê chuyến chở khách và hàng hóa của BBA không chỉ giải quyết vấn đề nguồn thu tức thời, mà còn là bước "chạy đà" để BBA làm quen dần với các thị trường kể trên, chuẩn bị cho hoạt động bay thường lệ trong thời gian sắp tới”, ông Trọng nói.
Tới đây, hãng sẽ tiếp tục phối hợp cùng các bộ ngành, cơ quan chức năng trong nước, cơ quan đại diện ở nước ngoài tăng cường các chuyến bay thuê chuyến quốc tế. Dự kiến, cuối quý III, đầu quý IV này, BBA tiếp tục khai thác hàng loạt chuyến bay thuê chuyến quốc tế đến Hàn Quốc, Australia, Malaysia, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), CH Séc, Mỹ,...
Như vậy, tất cả các hãng bay đều khẳng định đã sẵn sàng khai thác trở lại các đường bay quốc tế thường lệ bởi trên thực tế các hãng vẫn đang khai thác các chuyến bay vận chuyển hàng hóa giữa Việt Nam với các nước, thực hiện các chuyến bay hồi hương công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước. Do đó, các hãng hàng không luôn trong tư thế sẵn sàng khai thác đường bay quốc tế bất cứ lúc nào và các chuyến bay luôn tuân thủ nghiêm yêu cầu về phòng chống dịch.
Theo NDĐT