lực lượng vũ trang tỉnh: Những mốc son chói lọi - Bài 7

Thứ ba, ngày 24/11/2015

(BDO) Bài 7: Góp phần làm nên đại thắng mùa xuân lịch sử

Trong chiến dịch mùa khô 1974-1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh đã vượt qua khó khăn, thử thách, liên tục tiến công, đánh chiếm căn cứ quân sự, diệt và làm tan rã hoàn toàn lực lực lượng quân ngụy, đập tan bộ máy ngụy quyền từ tỉnh đến huyện, xã, ấp, giành chính quyền về tay nhân dân, góp phần làm nên đại thắng mùa xuân 1975 lịch sử.

Đại đội 7 Tiểu đoàn Phú Lợi 2 sau khi cùng tiểu đoàn đánh mở cửa ở Bình Cơ, Bình Mỹ đang tiến quân về giải phóng thị xã Thủ Dầu Một (29-4-1975) Ảnh: T.L

Thời cơ đã đến

Ông Nguyễn Văn Hữu, nguyên Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Thủ Dầu Một, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy tiền phương Thủ Dầu Một nhớ lại: “Cuối tháng 3-1975, trước sự phát triển nhanh chóng của chiến trường, Bộ Chính trị họp và khẳng định cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã bước vào trận quyết chiến chiến lược cuối cùng. Với quyết tâm nêu ra là: Nắm vững thời cơ chiến lược hơn nữa với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng; thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4-1975, không thể để chậm, thực hiện hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước. Trên tinh thần đó, ngày 2-4- 1975, Thường vụ Trung ương Cục đã chỉ thị cho các Tỉnh ủy và LLVT “Táo bạo đánh các điểm then chốt kể cả các tiểu khu, thị xã, khi có thời cơ”, với quyết tâm cao nhất bằng tất cả khả năng sẵn có của địa phương mà mạnh dạn, táo bạo, phát động quần chúng nổi dậy khởi nghĩa, ấp giải phóng ấp, xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh bằng lực lượng của bản thân phối hợp với chiến trường chung”.

Cũng trong thời gian này, Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 03/CT-TU, nêu rõ thời cơ thuận lợi chưa từng có trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của Đảng bộ, quân và dân địa phương với “Một ngày phát triển bằng 20 năm lúc bình thường”. Các lực lượng phải hết sức nhạy bén với tình hình mới, phóng tay hết sức, mạnh dạn, táo bạo phát động quần chúng nổi dậy khởi nghĩa bằng tất cả khả năng hiện có của mình để ấp giải phóng ấp, xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh”.

Về tương quan lực lượng giữa ta và địch, ông Hữu cho biết, đến giữa tháng 4-1975, lực lượng địch trên toàn tỉnh vẫn còn hơn 3 vạn tên, gồm lính chủ lực Sư đoàn 5 bộ binh, 1 Lữ đoàn thủy quân lục chiến, 1 Chiến đoàn thiết giáp, 10 Tiểu đoàn bảo an cùng lực lượng dân vệ, phòng vệ dân sự và hơn 50 khẩu pháo được chúng bố trí trên 200 cứ điểm quân sự lớn nhỏ. Từ đầu tháng 4-1975, địch điều chỉnh lực lượng hình thành hai tuyến phòng ngự, vừa ngăn chặn, vừa chi viện cho nhau. Tuyến ngoài từ Bến Cát nối qua Phú Giáo, từ lộ 7 Chánh Lưu nối qua lộ 2 Tân Bình, lộ 14 và lộ 16 Bình Mỹ, Bình Cơ. Tuyến trong gồm Tân Uyên, Châu Thành, Lái Thiêu, TX.Thủ Dầu Một. Trong nội ô TX.Thủ Dầu Một, trên các trục vào trung tâm, địch cho đào hào, xây hầm chống tăng, bố trí mìn bẫy, lập chướng ngại vật dài hàng chục km để ngăn chặn ta tấn công. Nhưng mọi cố gắng của địch lúc này chỉ là sự phòng ngự bị động, chống đỡ trong thế không thể cứu vãn.

Trong bối cảnh ấy, từ ngày 14 đến 16-4, Tỉnh ủy mở hội nghị cán bộ lãnh đạo chủ chốt để phổ biến nhiệm vụ cho quân và dân toàn tỉnh về chiến dịch tiến công và nổi dậy giải phóng tỉnh. Trong hội nghị, ông Nguyễn Văn Luông, nguyên Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: “Đây là thời cơ ngàn năm có một để quân và dân ta tiến công, nổi dậy giải phóng hoàn toàn tỉnh nhà, cùng quân dân toàn miền và cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam”. Nhằm tăng cường lực lượng cho phía trước, Ban Chỉ huy Tỉnh đội quyết định điều động lực lượng tập trung của 2 huyện Dầu Tiếng (C64) và Bắc Bến Cát (C81); đồng thời chỉ đạo các địa phương tiếp tục động viên thanh niên tòng quân bổ sung cho tỉnh thành lập Tiểu đoàn Phú Lợi 3.

“Một ngày bằng 20 năm”

Với tinh thần “Một ngày bằng 20 năm”, mọi công tác chuẩn bị cho cuộc tiến công và nổi dậy của các LLVT trong tỉnh đã được tiến hành rất khẩn trương. Cán bộ, chiến sĩ sục sôi khí thế cách mạng tiến công, quyết tâm giành thắng lợi trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng. Phối hợp với chiến trường chung, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh quyết định sử dụng LLVT 3 thứ quân của tỉnh cho chiến dịch tiến công và nổi dậy giải phóng tỉnh. Cụ thể, Tiểu đoàn Phú Lợi 1 làm nhiệm vụ dẫn đường cho Sư đoàn 320B (Quân đoàn 1) đánh vào Sài Gòn. Sau đó, đánh chiếm giải phóng Chi khu Lái Thiêu. Đại đội 74 đặc công phối hợp lực lượng tại chỗ đánh chiếm khu Búng, xã An Thạnh. Tiểu đoàn Phú Lợi 2 sẽ được Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1) chi viện pháo đánh chiếm giải phóng xã Bình Mỹ (huyện Tân Uyên xưa); sau đó, tiểu đoàn giao lại cho du kích xã và cùng bộ đội chủ lực đánh chiếm Tiểu khu Phú Lợi và TX.Thủ Dầu Một. Tiểu đoàn Phú Lợi 3 cùng Tiểu đoàn Phú Lợi 2 tiếp quản thị xã. Đại đội công binh 506 phối hợp du kích xã Phú Chánh đánh chiếm giải phóng xã Phú Chánh xong giao lại cho địa phương, phát triển lực lượng vào thị xã. Đại đội 73 đặc công cùng lực lượng huyện Dĩ An (có sự chi viện của Đoàn Đặc công 113 của trên) đánh chiếm các chi khu, phát triển xuống Đề pô xe lửa Dĩ An. Các huyện Nam Bến Cát, Phú Giáo, Tân Uyên cũng sử dụng lực lượng huyện, du kích xã phối hợp chiến trường chung kết hợp tiến công và nổi dậy, đánh chiếm, giải phóng thị trấn, sau đó phát triển sang các mục tiêu khác.

Ông Nguyễn Văn Hữu nhớ lại, với tinh thần “Một ngày bằng 20 năm”, công tác chuẩn bị mọi mặt cho cuộc tiến công và nổi dậy của các lực lượng trong tỉnh được tiến hành rất khẩn trương. LLVT của tỉnh ráo riết chuẩn bị phương án hiệp đồng chiến đấu, tổ chức lực lượng dẫn đường cho các đơn vị của Quân đoàn 1 đánh chiếm các mục tiêu. Đến ngày 26-4-1975, các LLVT của tỉnh cùng 2 sư đoàn chủ lực của Quân đoàn 1, Đoàn 113 Đặc công quân khu đã vượt qua bom đạn kẻ thù đã sẵn sàng ở vị trí xuất phát tấn công vào các mục tiêu địch theo kế hoạch đã đề ra. Và thời cơ đã đến…

Ông Nguyễn Hữu Tú, nguyên Chính trị viên Đại đội 5, Tiểu đoàn Phú Lợi 2 cho biết, đêm ngày 26 rạng 27-4-1975, Tiểu đoàn Phú Lợi 2 được pháo binh Quân đoàn 1 chi viện, nổ súng tấn công lực lượng Tiểu đoàn 306 bảo an đóng đồn Bình Mỹ bắt sống 17 tên, thu 92 súng các loại, 5 máy thông tin PRC25... Xã Bình Mỹ được giải phóng, mở toang cánh cửa phía tây - bắc cho các lực lượng Quân đoàn 1 ào ạt như nước vỡ bờ tiến vào giải phóng tỉnh Thủ Dầu Một, giải phóng Sài Gòn. Trên các hướng của chiến dịch Hồ Chí Minh, các cánh quân của các quân đoàn chủ lực cùng lực lượng tại chỗ đang hình thành những mũi nhọn đâm thẳng vào yết hầu kẻ địch ở Sài Gòn với lực lượng hùng hậu áp đảo. Tại các vùng nông thôn của tỉnh, trong suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ, chưa có thời gian nào nhân dân lại phấn khởi như lúc này, nhiều nơi trong vùng địch, quần chúng công khai vận động binh lính trở về với gia đình, với cách mạng. Ông Nguyễn Hữu Tú cho biết thêm: “Đúng sau những đợt pháo của sư đoàn bắn dồn dập, đơn vị xe tăng của Sư đoàn 312 tấn công vào căn cứ Phú Lợi, Tiểu khu quân sự Bình Dương. Trong cơn hoảng loạn, quân địch vứt cả súng đạn, cởi bỏ quân trang tháo chạy”.

Căn cứ Phú Lợi bị ta đánh chiếm. Địch trong thị xã náo loạn. Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Phú Lợi 2 phối hợp với Sư đoàn 312 - Quân đoàn 1 và lực lượng các đoàn công tác của tỉnh, thị xã nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu đã được phân công. Các tổ chức quần chúng hoạt động bí mật ra công khai, phối hợp với các đoàn cán bộ, các đơn vị cắm cờ giải phóng, chiếm giữ các mục tiêu công sở địch. Các LLVT tỉnh và thị xã cùng lực lượng của Quân đoàn 1 tiến vào nội ô thị xã chiếm các cơ quan trọng yếu của địch như tòa hành chính, dinh tỉnh trưởng, trung tâm thông tin, ty công an... Trong tình thế tuyệt vọng, đại tá ngụy Nguyễn Văn Của, Tỉnh trưởng chính quyền tay sai cùng mấy tên tùy tùng đi trên xe Jeep chạy ra Gò Đậu định tháo chạy ra Sài Gòn đã bị tổ an ninh mật do đòng chí Cẩm Vân phụ trách chặn bắt lúc 9 giờ 40 phút sáng 30-4-1975.

Trong khi đó, một mũi tiến vào nội ô thị xã do đồng chí Tám Tấn phụ trách đã chiếm xong ty cảnh sát, khám đường rồi tiến lên cắm cờ trên tòa hành chính ngụy quyền vào lúc 10 giờ 30 phút 30-4-1975. Vào thời điểm này, cờ cách mạng đã tung bay trên nóc nhà các cơ quan công sở trọng yếu của địch trong thị xã. Ta hoàn toàn làm chủ tình hình trong nội ô thị xã. Từ đây, đất nước sang trang mới. Các LLVT của tỉnh đứng trước nhiệm vụ mới của cách mạng, tiếp tục học tập, xây dựng, huấn luyện nhằm hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam.

 

 THU THẢO