Lực lượng vũ trang tỉnh: Những mốc son chói lọi

Thứ sáu, ngày 20/11/2015

Bài 4: Tiểu đoàn Phú Lợi oai hùng

Tiểu đoàn Phú Lợi, tiểu đoàn chủ lực tập trung cơ động đầu tiên của tỉnh ra đời từ những ngày đầu Mỹ đổ bộ trên chiến trường Thủ Dầu Một. Tiểu đoàn Phú Lợi chính thức được thành lập đã đánh dấu bước trưởng thành lớn của lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh cả về quy mô tổ chức, trình độ chỉ huy chiến đấu, khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trước quân Mỹ.

Yêu cầu tất yếu

(BDO) Cuối năm 1963, Johnson lên làm tổng thống Mỹ thay cho Kennedy bị ám sát, vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách xâm lược của Mỹ ở Việt Nam. Tháng 3-1964, Johnson đưa ra kế hoạch “Johnson Mac - Namara” thực chất là kế hoạch Staley - Taylor được cải biên cho phù hợp với tình hình miền Nam đang xấu đi nghiêm trọng. Kế hoạch này nhằm cố gắng đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động tiến công quân sự và gom dân trở lại ấp chiến lược mà chúng đổi tên là “ấp Tân sinh”, với âm mưu “bình định” có trọng điểm miền Nam trong vòng 2 năm; trong đó Thủ Dầu Một là một trong những địa bàn trọng điểm bình định của địch.

Các cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Phú Lợi năm xưa vui mừng gặp nhau trong ngày họp mặt truyền thống

Mặc dù âm mưu thủ đoạn mới của địch rất thâm độc và nguy hiểm nhưng cách mạng miền Nam đang trên đà phát triển, quân và dân miền Nam nhất định sẽ làm thất bại âm mưu thủ đoạn mới của Mỹ - ngụy. Trước yêu cầu khách quan của cuộc kháng chiến ngày càng phát triển, đòi hỏi ta phải gấp rút có đơn vị chủ lực tập trung cơ động, thực hành tác chiến tiêu diệt địch, gây tác động mạnh đối với địch và hỗ trợ đắc lực cho phong trào chiến tranh du kích, phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân. Từ tháng 6-1964, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một chủ trương chuẩn bị điều kiện để tiến tới thành lập tiểu đoàn chủ lực đầu tiên của tỉnh. Theo đó, tháng 7-1964, tỉnh thành lập Đại đội 308 với hơn 130 biên chế, được tổ chức thành 4 trung đội, trang bị 50 súng trường bá đỏ, 4 súng trung liên, hơn chục súng ga răng và tôm xơn. Ông Huỳnh Văn Thu, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 308 cho biết, mặc dù ra đời muộn nhưng Đại đội 308 có thành phần là những cán bộ, chiến sĩ đã kinh qua chiến đấu từ các đơn vị có nhiều thành tích như Đại đội 61 Bến Cát, Đại đội 62 Châu Thành, Đại đội 63 Lái Thiêu đã giúp Đại đội 308 rút ngắn thời gian học tập, huấn luyện. Tiếp theo đó, ngày 5-10-1964, tỉnh Thủ Dầu Một thành lập Đại đội 4 trợ chiến. Tiền thân Đại đội 4 trợ chiến là Trung đội DKZ 57 ly với 26 cán bộ, chiến sĩ được thành lập từ ngày 5-9-1963. Từ cuối 1963 cho đến khi thành lập Đại đội trợ chiến, quân số và trang bị được bổ sung dần, tới tháng 10-1964 hoàn chỉnh 3 trung đội (DKZ, súng cối và đại liên).

Cuộc kháng chiến của quân và dân tỉnh Thủ Dầu Một ngày càng phát triển, đòi hỏi lực lượng vũ trang tỉnh phải gấp rút có tiểu đoàn tập trung cơ động, thực hành tác chiến tiêu diệt địch, gây tác động mạnh đến kẻ thù và hỗ trợ đắc lực cho phong trào chiến tranh du kích, phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân. Trên cơ sở đó, tháng 11-1964, Tỉnh ủy quyết định tập trung các Đại đội 304, 306, 308 và Đại đội 4 trợ chiến hình thành lâm thời Tiểu đoàn chủ lực cơ động của tỉnh. Tiểu đoàn tập trung của tỉnh chưa chính thức làm lễ ra mắt nhưng đã mang trong mình sự kế thừa truyền thống của Chi đội 1, Trung đoàn 301 - 310, Tiểu đoàn 303 trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Để đủ sức hoàn thành nhiệm vụ của một tiểu đoàn chủ lực, cơ động của tỉnh, Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh chỉ đạo các cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần trực tiếp cử cán bộ xuống giúp tiểu đoàn giải quyết những khó khăn về công tác huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật, tổ chức học tập chính trị, tăng cường công tác xây dựng Đảng bộ tiểu đoàn. Lúc 19 giờ ngày 5-6-1965, tại xóm Vườn Trầu, ấp Hố Mên, xã Long Nguyên, Bến Cát (nay là xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng), Tiểu đoàn Phú Lợi chính thức được thành lập. Với hơn 500 cán bộ, chiến sĩ, tiểu đoàn được tổ chức biên chế thành 3 đại đội bộ binh: 304 (C1), 306 (C2), 308 (C3), Đại đội 4 trợ chiến và các trung đội trực thuộc như thông tin, trinh sát, công binh, vận tải và đội phẫu. Ông Huỳnh Văn Thu nhớ lại: “Nhân dân vùng giải phóng Long Nguyên dự buổi lễ ra mắt của Tiểu đoàn Phú Lợi khi ấy rất phấn khởi. Từ sau Đồng Khởi, đây là lần đầu tiên nhân dân tận mắt chứng kiến sự phát triển ngày càng lớn mạnh của LLVT tỉnh nhà”.

Những chiến công hiển hách

Tiểu đoàn chủ lực cơ động của tỉnh được hình thành là niềm tự hào chung của quân và dân trong tỉnh, là cánh chim đầu đàn của LLVT địa phương nên từ cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân đều góp sức cho tiểu đoàn nhanh lớn mạnh, trưởng thành. Đáp ứng lòng tin ấy, tiểu đoàn càng ra sức chuẩn bị mọi mặt để thực hiện bằng được ra quân đánh thắng trận đầu, xây dựng truyền thống: “Đã đánh là tiêu diệt, ra quân là chiến thắng”.

Khi vừa được khai sinh, Tiểu đoàn Phú Lợi đã lập nên nhiều chiến công, xóa phiên hiệu nhiều tiểu đoàn, đại đội địch. Tiểu đoàn đã thực hiện được chủ trương “tiểu đoàn diệt tiểu đoàn, đại đội diệt đại đội, trung đội diệt trung đội”; xây dựng nên truyền thống ra quân đánh thắng trận đầu, đã đánh là tiêu diệt, bắt tù binh thu vũ khí. Một số trận đánh tiêu biểu của Tiểu đoàn Phú Lợi có thể kể đến là trận ấp Đồng Sổ (huyện Bàu Bàng hiện nay) ngày 28-12-1964; chiến thắng chống lại trận càn của tiểu đoàn địch tại căn cứ Đồng Chèo; trận đánh tại Quý Hiệp ngày 21-2-1965; diệt gọn 1 tiểu đoàn ngụy ở Suối Dứa, Gò Mối vang dậy chiến công; trận phục kích tiêu diệt Tiểu đoàn 2 của Trung đoàn 8, Sư 5 của ngụy ngày 8-7 tại ấp Suối Dứa (huyện Bàu Bàng hiện nay)… “Trong lịch sử chiến đấu của Tiểu đoàn Phú Lợi thì trận Bông Trang - Lò Gạch ngày 25-8-1966 là trận phản đột kích oanh liệt nhất. Tiểu đoàn đã tiêu diệt và tiêu hao nặng 3 tiểu đoàn Mỹ với khoảng 700 tên, bắn cháy, bắn hỏng 16 xe tăng, xe bọc thép, 1 máy bay, thu 20 súng các loại và nhiều đồ dùng quân sự. Có thể nói, trận thắng này mãi mãi là niềm tự hào của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Phú Lợi và nhân dân trong tỉnh”, ông Huỳnh Văn Thu tự hào cho biết.

Suốt 21 năm xây dựng và chiến đấu, tiểu đoàn đã lập nhiều chiến công hiển hách, góp phần cùng quân dân trong tỉnh và lực lượng chủ lực của Bộ, Miền đánh đổ ngụy quân, ngụy quyền giành chính quyền về tay nhân dân, góp phần làm nên đại thắng mùa xuân 1975. Và trong lịch sử oai hùng của Tiểu đoàn Phú Lợi không thể không kể đến cái tình của người dân. Ông Dương Văn Liễu, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn Phú Lợi, cho biết: “Người chiến sĩ Tiểu đoàn Phú Lợi hoạt động, công tác và chiến đấu bao giờ cũng ở bên cạnh nhân dân và trong lòng nhân dân, dựa chắc vào nhân dân. Nhân dân Thủ Dầu Một ngày ấy chăm lo cho cán bộ, chiến sĩ của tiểu đoàn từ cái ăn, cái mặc, từng viên thuốc, cuộn băng bông mỗi khi chiến sĩ bị ốm, bị thương; lo cho anh em từng chiếc hầm bí mật và nuôi dưỡng, che giấu khi về địa phương hoạt động. Thương nhất là những bà mẹ, những người chị đêm đêm xé rào “ấp chiến lược”, không ngại hiểm nguy đem đến cho các anh từng thúng gạo, cân đường. Những khi tiểu đoàn bị địch bao vây với bom tạ, pháo bầy thì nhiều cụ ông, bà mẹ đứng ngồi không yên”.

Ngày nay, khi nhắc đến Tiểu đoàn Phú Lợi, người dân trong tỉnh vẫn nhớ đến những chiến công hiển hách của tiểu đoàn. Đó sẽ vẫn mãi mãi là bản hùng ca bất tận, là niềm kiêu hãnh, tự hào của quân và dân tỉnh Bình Dương.

“Tiểu đoàn Phú Lợi gắn với sự kiện địch dùng thuốc độc cùng lúc giết hại hàng ngàn chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước ngày 1-12- 1958 tại nhà tù Phú Lợi. Quân dân Thủ Dầu Một ghi mãi mối thù “trời không dung - đất không tha - người người đều căm giận”. Và Tiểu đoàn Phú Lợi mang trách nhiệm phải trả cho được mối thù này, góp sức cùng quân dân toàn tỉnh, toàn miền Nam tiêu diệt hết bè lũ cướp nước và bán nước, giải phóng quê hương”.

(Ông Huỳnh Văn Thu)

Bài 5: Góp phần làm phá sản chiến tranh cục bộ của Mỹ

THU THẢO