Lực lượng lao động Bình Dương: Sẵn sàng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4
(BDO) Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng 4.0) bùng nổ là cơ hội, thách thức cho lực lượng lao động Việt Nam nói chung và lực lượng lao động Bình Dương nói riêng. Trước diễn biến của cuộc cách mạng 4.0, Bình Dương đã chuẩn bị mọi điều kiện ứng phó hiệu quả với cuộc cách mạng này.
Tự học tập, nâng cao trình độ
Dù phải tăng ca, làm việc đến 20 giờnhưng tối nào cũng vậy chị Nguyễn ThịLệ, công nhân Công ty TNHH Việt Giai Hân cũng tranh thủ đến Trung tâm internet thanh niên để ôn lại bài và nếu có bài tập chưa hiểu, chưa làm thì chị có thể hỏi mọi người. Đúng 20 giờ, lớp phổ cập tin học miễn phí cho thanh niên bắt đầu, nhiều thanh niên ở xa hay phải tăng ca cũng cố gắng đến lớp cho kịp giờ học. Chia sẻ với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Lệ cho biết: “Đi làm về mệt nhưng mình không muốn bỏ qua cơ hội được học tin học miễn phí. Không chỉ học để biết, mình mong muốn học thêm lấy bằng để có thể xin được một công việc ổn định, lâu dài”. Đáng khâm phục hơn, nhiều công nhân lao động (CNLĐ) đến với lớp học để tích lũy kiến thức, nâng cao trình độ đáp ứng thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đặc biệt là cuộc cách mạng 4.0. Anh Lê Văn Đức, quê Nghệ An trong bộ quần áo công nhân tươi cười, nói: “Mình đi làm về ngang qua, biết ở trung tâm đang dạy phổ cập tin học miễn phí cho công nhân nên ghé lại xem. Ngày mai mình sẽ đi đăng ký để được học”. Chị Nguyễn Thị Cúc, công nhân Công ty TNHH Long Huei đang theo học lớp tin học miễn phí cho biết: “Mình mong có thêm nhiều lớp học như thế này để công nhân được học tập, hiểu biết, nâng cao kiến thức và có nhiều lựa chọn tốt hơn trong công việc”.
Đại diện công ty tư vấn truyền đạt cho sinh viên trường Đại học Thủ Dầu Một và trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc Bình Dương những kỹ năng phỏng vấn và thực hiện những cuộc phỏng vấn tại chỗ nhằm giúp sinh viên phần nào trang bị cho bản thân những kiến thức trước khi gia nhập thị trường lao động.
Ảnh: T.V
Không chỉ những trung tâm tin học, đến với các trường nghề, trường cao đẳng, đại học vào buổi tối, chúng ta dễ dàng bắt gặp những bạn học viên khoác trên mình trang phục của công ty chăm chú ngồi nghe thầy cô giảng bài. Họ đến với lớp học sau buổi tăng ca, tuy khá mệt nhưng ai cũng đặt cho mình mục tiêu học tập để nâng cao trình độ, tay nghề và có được việc làm ổn định. Chị Đoàn Thị Hiền, công nhân Công ty TNHH Shyang Hung Cheng, cho biết: “Mình không có sức khỏe nên không thể mãi làm công nhân”. Vì vậy sau giờ tăng ca (khoảng 18 giờ), chị Hiền ăn vội miếng bánh lót dạ và đến trường để tham gia học nghề, nâng cao trình độ. Ngoài học nghề, chị Hiền còn học thêm tiếng Hoa, rèn luyện khả năng nói, giao tiếp để phục vụ tốt hơn cho công việc.
Bên cạnh nhu cầu học tập của NLĐ, nhiều doanh nghiệp thấy được ý nghĩa của việc nâng cao trình độ nên đã tạo mọi điều cho CNLĐ đến trường. Anh Vũ Quốc Huy, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Showa Gloves VN (KCN VSIP I) cho biết công ty rất quan tâm, khuyến khích NLĐ học tập nâng cao trình độ tay nghề. Những công nhân nào mong muốn được đi học, công ty đều tạo điều kiện về thời gian để họ chủ động. Ngoài ra, mỗi năm công ty đều cho những công nhân giỏi qua Nhật Bản đào tạo 6 tháng để nâng cao tay nghề. Sau khi về nước họ sẽ có được công việc tốt và mức lương cũng cao hơn. Hay tại Công ty TNHH Shyang Hung Cheng, Công ty TNHH Far Eastern Apparel VN, nhiều CNLĐ muốn được học thêm tiếng Hoa nên sau giờ tan ca công ty đã mở thêm lớp học ngoại ngữ ngay tại công ty.
Đón đầu xu thế
Theo số liệu thống kê, hiện toàn tỉnh có trên 1 triệu lao động; trong đó lao động nữ chiếm khoảng 56%, lao động ngoài tỉnh chiếm khoảng 85%. Cuộc cách mạng 4.0 bùng nổ sẽ mang tới nhiều cơ hội, nhưng cũng không ít thách thức cho lực lượng lao động Việt Nam nói chung vàlực lượng lao động Bình Dương nói riêng. Đểứng phó với cuộc cách mạng này, các trường nghề trên địa bàn tỉnh cùng với trường Trung cấp Kỹ thuật và Nghiệp vụ Công đoàn Bình Dương đặc biệt coi trọng việc đào tạo lao động trẻ theo công nghệ mới, đào tạo lại lao động có tuổi đang lao động nhưng bị mất việc làm, giúp họ tiếp tục tham gia vào thị trường lao động.
Trước đó, UBND tỉnh đã ban hành đềán “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong CNLĐ tại các doanh nghiệp đến năm 2020”. Theo đề án, phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có70% CNLĐ trong các doanh nghiệp nói chung và 80% CNLĐ làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất có trình độ học vấn trung học trở lên, tạo điều kiện cho 80% CNLĐ trong các doanh nghiệp, 90% CNLĐ được đào tạo nghề.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thiện Phước, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Tổng LĐLĐ thông qua chương trình “Nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của đoàn viên và NLĐ” gắn với đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong CNLĐ tại các doanh nghiệp đến năm 2020”, LĐLĐ tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp công đoàn tham mưu cho cấp ủy, phối hợp, đề xuất với chính quyền, các ngành, đoàn thể và cộng đồng doanh nghiệp xây dựng các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho đoàn viên và NLĐ. Bên cạnh đó, các cấp công đoàn còn phát động phong trào thi đua tự học tập, rèn luyện nâng cao trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học. Kết quả, có gần 82.000 lượt công nhân viên chức lao động, đoàn viên công đoàn tự tham gia học tập nâng cao kiến thức, kỹ năng tay nghề. Bên cạnh đó, trường Trung cấp Kỹ thuật và Nghiệp vụ Công đoàn Bình Dương xây dựng và đổi mới toàn diện chương trình đào tạo cán bộ công đoàn trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tập trung đào tạo những ngành nghề mà thị trường và doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng”.
KIM HÀ