Lực lượng cứu nạn cứu hộ: Luôn nỗ lực vượt khó
(BDO) Dù đã được trang bị phương tiện, thiết bị phục vụ công tác tìm kiếm và cứu nạn cứu hộ (CNCH) nhưng so thực tế, số phương tiện này vẫn chưa đáp ứng yêu cầu công việc của lực lượng CNCH, Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy (PC&CC) tỉnh. Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, người lính CNCH phải vận dụng mọi điều kiện sẵn có, vượt qua khó khăn, thử thách.
Còn thiếu phương tiện hỗ trợ
Vụ xà lan đâm chìm ghe chở cát xảy ra trên sông Sài Gòn đoạn gần cảng An Sơn (TX. Thuận An) mới đây làm 2 người mất tích, gây khó khăn cho việc tìm kiếm cứu nạn của lực lượng chức năng. Đặc biệt, khu vực xảy ra tai nạn là khúc sông rộng, nước xoáy và chảy xiết, lòng sông sâu… khiến cho việc lặn tìm, xác định vị trí ghe chìm của lực lượng CNCH gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi phương tiện tiếp cận vị trí xảy ra tai nạn của lực lượng CNCH Cảnh sát PC&CC tỉnh chỉ có xuồng hơi, bơi tay, rất khó xoay chuyển trong dòng nước chảy xiết.
Bức ảnh làm xúc động nhiều người, về kết quả cứu nạn thành công cháu bé bị rơi xuống miệng giếng khoan công nghiệp tại TX.Tân Uyên. Trong ảnh: Giây phút trung tá Lê Minh Dũng, Đội trưởng Đội CNCH, Cảnh sát PC&CC tỉnh đưa cháu bé từ giếng sâu lên
Trong hoàn cảnh đó, các đơn vị đóng quân gần khu vực xảy ra tai nạn như cảnh sát giao thông đường thủy, cảng vụ An Sơn… đã hợp tác, cho mượn phương tiện như ca nô, xuồng máy, xà lan để lực lượng CNCH triển khai phương án tìm kiếm bằng biện pháp rà lưới dưới đáy sông để xác định vị trí ghe chìm. Thượng tá Nguyễn Ngọc Phước, Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo chữa cháy và CNCH - người trực tiếp chỉ huy tìm kiếm nạn nhân cho biết, khi đã xác định được vị trí ghe chìm, người nhái tiếp cận được hiện trường thì lực lượng lại thiếu phương tiện trục vớt, dù có sự chi viện, hợp tác của các đơn vị bạn như CNCH Cảnh sát PC&CC TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai…
Quyết định số 44/2012/QĐ- TTG của Thủ tướng Chính phủ quy định về công tác CNCH của lực lượng PC&CC và Nghị định 83/2017/NĐ-CP ngày 18-7- 2017 của Chính phủ quy định về công tác CNCH của lực lượng PC&CC nêu rõ: Trong quá trình CNCH, lực lượng CNCH phải ưu tiên cứu người bị nạn; thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, phương tiện, tài sản của người bị nạn và lực lượng CNCH. Bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả và thống nhất trong chỉ huy, điều hành hoạt động CNCH. Lấy lực lượng, phương tiện tại chỗ là chủ yếu; lực lượng chuyên trách làm nòng cốt; huy động tổng hợp các lực lượng và nhân dân tham gia CNCH...
Ông Phước cho hay, công tác chỉ huy, huy động lực lượng phương tiện, phối hợp, chỉ đạo tìm kiếm cứu nạn đã được đơn vị triển khai rất tốt, nhưng do còn thiếu phương tiện, thiết bị chuyên dụng về CNCH nên đã làm ảnh hưởng đến công tác và hiệu quả tìm kiếm.
Cách làm sáng tạo, hiệu quả
Vào một ngày cuối tháng 3 vừa qua, nhiều người đã một phen hồi hộp trước thông tin “Có một thanh niên mặc quần jean, áo thun đang đung đưa trên đỉnh trụ điện cao thế tại phường Chánh Phú Hòa, TX.Bến Cát”. Sự việc đã được người dân thông báo cho chính quyền địa phương, ngành chức năng và gia đình; sau đó toàn bộ khu vực được cúp điện để bảo đảm tính mạng cho đối tượng. Nhận được tin báo, Cảnh sát PC&CC tỉnh đã cử đội CNCH, nhiều phương tiện, thiết bị CNCH đến hiện trường cùng xe thang hiện đại có tầm với 63m.
“Nhiệm vụ của người lính chữa cháy và CNCH là nhanh chóng tìm kiếm, CNCH nhằm làm giảm đến mức thấp nhất nguy hiểm, thiệt hại về tính mạng và tài sản của Nhà nước và nhân dân. Không có tai nạn, sự cố nào giống nhau nên bài học, chương trình huấn luyện, thiết bị hỗ trợ chỉ là nền tảng ban đầu; khi làm nhiệm vụ cần phải phán đoán bằng lý trí và trái tim người lính”. (Trung tá Lê Minh Dũng, Đội trưởng Đội CNCH, Cảnh sát PC&CC tỉnh) |
Trung tá Lê Văn Dũng, Đội trưởng Đội CNCH thuộc phòng Hướng dẫn chỉ đạo về chữa cháy và CNCH (P6), Cảnh sát PC&CC tỉnh cho hay: trụ điện cao trên 50m, trong khi xe thang của đơn vị có tầm với đến 63m, như vậy là bảo đảm cho lực lượng tiếp cận người thanh niên này dễ dàng. Nhưng khi lực lương tiếp cận hiện trường thì vùng đất dưới chân trụ điện đã bị ngập nước sâu đến 0,5m, nền đất yếu không đủ điều kiện để xe thang triển khai đội hình. Đặc biệt, với những đối tượng đang bị kích động về thần kinh, xe màu đỏ, sắc phục công an cùng nhiều phương tiện triển khai bên dưới sẽ khiến tâm lý đối tượng thêm căng thẳng.
Là người có nhiều kinh nghiệm trong xử lý vụ việc, giải cứu nhiều tình huống do bị kích động thần kinh, ông Dũng đã yêu cầu chỉ để lại nệm hơi phía dưới đề phòng tai nạn ngoài ý muốn, còn lại phương tiện, lực lượng tạm thời rút ra bên ngoài, chỉ để lại hiện trường tổ CNCH làm nhiệm vụ theo dõi tâm lý đối tượng. Ông Dũng nhớ lại, lúc đó lực lượng của đơn vị tham khảo thông tin từ gia đình đối tượng thì được biết những ngày gần đây, đối tượng uống nhiều rượu một mình, ít tiếp xúc với mọi người xung quanh do buồn chán chuyện tình cảm. Dù không có ý định tự tử nhưng đây là hành vi của người chán đời, không còn kiểm soát được hành vi. Giải pháp đặt ra là nối liền thông tin, kéo dài thời gian chờ đối tượng giải rượu lực lượng sẽ triển khai đội hình hỗ trợ, cứu nạn.
Sau cơn mưa thoáng qua, khí trời trở nên nóng bức. Sau hơn 1 giờ triển khai đội hình và duy trì thông tin liên lạc qua loa cầm tay, đối tượng bắt đầu cởi áo bỏ xuống, cho thấy ý định tự tử đã giảm và bắt đầu có dấu hiệu bị nóng, khát nước. Lúc này, tổ tâm lý tiếp tục vừa nói chuyện vừa đưa ra những câu chuyện “gợi hình” như đi uống cà phê đá, gặp bạn bè nhằm tác động lên các giác quan, tâm lý của đối tượng. Giải pháp đã mang lại tác dụng, nhưng tất cả các thành viên trong đội CNCH vẫn chưa an tâm về hiệu quả mang lại.
Phương án tiếp theo được đề xuất là cho người lên trụ điện tiếp cận đối tượng để đưa xuống đất. Sau khi tính toán, xem xét thực tế, chỉ huy cứu nạn kết luận, trụ điện cao trên 50m, chỉ có một lối lên xuống duy nhất chỉ vừa chỗ cho một người là thang cố định nên sẽ không an toàn cho người cứu nạn cũng như đối tượng. Theo dõi diễn biến tâm lý cho thấy, đối tượng không có ý định tự tử, cơ thể bắt đầu bị nóng, dấu hiệu đói, khát nước xuất hiện ngày một nhiều, vì thế đơn vị cứu nạn quyết định nên tiếp tục duy trì tổ tâm lý…
Sau nhiều giờ phơi mình trong nắng gió, đối tượng bắt đầu tìm cách leo xuống nhưng rất chậm. Lúc đó, ông Dũng vừa cầm loa vừa mang nước đến chân trụ điện chờ đối tượng leo xuống. Đúng như dự đoán, do không chịu được nắng nóng, đói và khát, đối tượng đã tự leo xuống. Chứng kiến vụ việc, nhiều người đã rất tán đồng với giải pháp cứu người của đơn vị CNCH.
Thượng tá Nguyễn Ngọc Phước, Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo về chữa cháy và CNCH, Cảnh sát PC&CC tỉnh: Phương tiện trục vớt sẽ được sử dụng trong nhiều trường hợp
Nếu được trang bị phương tiện trục vớt sẽ được đơn vị sử dụng trong rất nhiều trường hợp, không chỉ tìm kiếm, CNCH mà còn được sử dụng tìm kiếm, trục vớt tang vật, vụ án, phòng chống khai thác cát trái phép. Hiện Phòng Cảnh sát PC&CC số 5 đã xây dựng Đội CNCH làm nhiệm vụ CNCH, trục vớt phương tiện do cát tặc nhận chìm trên sông nhằm phi tang tang vật.
Trong điều kiện còn khó khăn, thiếu thốn phương tiện thiết bị tìm kiếm, CNCH, Cảnh sát PC&CC tỉnh đã nhận được sự hỗ trợ, chi viện kịp thời của các đơn vị bạn, các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân. Đặc biệt, khi chứng kiến những khó khăn, vất vả của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát PC&CC tỉnh trong việc tìm kiếm, CNCH nạn nhân mất tích do chìm ghe 25 tấn trên sông Sài Gòn vừa qua, nhiều tập thể, cá nhân đã chia sẻ, gửi phương tiện hỗ trợ. Đây vừa là tình cảm vừa là nguồn động viên tinh thần to lớn giúp cán bộ, chiến sĩ hoàn thành nhiệm vụ được giao.
DUY CHÍ