Lực lượng CSGT Công an tỉnh: Tăng cường kiểm tra, xử lý người điều khiển xe vi phạm nồng độ cồn
(BDO) Chỉ trong thời gian ngắn ra quân kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện xe máy, xe ôtô, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh đã phát hiện, xử lý hàng trăm trường hợp vi phạm uống rượu, bia có nồng độ cồn vượt mức cho phép. Việc kiểm tra, xử lý kiên quyết đối với các hành vi vi phạm đã góp phần nâng cao ý thức người điều khiển phương tiện, góp phần giảm các vụ tai nạn có nguyên nhân do sử dụng bia, rượu.
Trong những ngày qua, cứ vào giờ tan tầm, nhiều người đi đường đã quen thuộc với hình ảnh hàng chục cán bộ, chiến sĩ CSGT Công an tỉnh tổ chức kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển các loại phương tiện. Đợt ra quân của lực lượng CSGT Công an tỉnh trong những ngày qua đã kiểm tra, xử lý hàng trăm trường hợp người điều khiển phương tiện có uống rượu, bia có nồng độ cồn vượt mức cho phép.
Lực lượng CSGT Công an tỉnh kiểm tra độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên đại lộ Bình Dương
Theo ghi nhận của P.V, chiều 15-11, chỉ trong vòng chưa đầy 2 giờ, lực lượng đã kiểm tra hơn 200 trường hợp, qua đó phát hiện 30 trường hợp người điều khiển xe máy, xe ôtô có nồng độ cồn vượt mức cho phép theo quy định. Có trường hợp qua kiểm tra đã phát hiện nồng độ cồn vượt nhiều lần cho phép.
Trao đổi với P.V, hầu hết những trường hợp vi phạm đều “biện minh” chỉ uống 1 - 2 chai bia do vừa dự tiệc hay ăn trưa với bạn bè, đồng nghiệp nhưng không ngờ “dư âm” kéo dài khiến nồng độ cồn vẫn vượt mức cho phép. Bên cạnh đó, nhiều người lái xe cho biết họ rất đồng tình với việc kiểm tra, xử lý đối với người điều khiển phương tiện có sử dụng bia rượu. “Hàng ngày đi đường tôi vẫn thường thấy nhiều vụ TNGT thương tâm, trong đó có nhiều vụ tai nạn chết người do nguyên nhân do người điều khiển phương tiện có sử dụng bia rượu. Do đó, rất mong lực lượng CSGT tăng cường và duy trì việc kiểm tra nồng độ cồn đối với người điểu khiển phương tiện để không còn xảy ra các vụ TNGT gây thiệt hại về người do việc uống bia, rượu”, tài xế Lý Thanh Phương (ngụ quận 9, TP.Hồ Chí Minh) chia sẻ sau khi được kiểm tra nồng độ cồn trên đại lộ Bình Dương.
Trung tá Võ Văn Lớp, Phó Trưởng phòng CSGT (PC67) Công an tỉnh cho biết, triển khai kế hoạch bảo đảm an toàn giao thông trong những tháng cuối năm theo chỉ đạo của Ban giám đốc Công an tỉnh, kể từ ngày 8-11, lực lượng CSGT ra quân kiểm tra, chốt ở những tuyến đường và khu vực trọng điểm, thường xuyên xảy ra TNGT để kiểm tra nồng độ cồn của người tham gia giao thông. Qua công tác kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm nhằm góp phần tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ, nhất là tuyên truyền để người điều khiển phương tiện tham gia giao thông nâng cao ý thức “Đã uống rượu bia thì tuyệt đối không lái xe” nhằm góp phần không để xảy ra các vụ TNGT gây thiệt hại tài sản, tính mạng cho bản thân và người khác.
Cũng theo trung tá Võ Văn Lớp, từ nay đến cuối năm và cho đến dịp Tết Nguyên đán, lực lượng CSGT Công an tỉnh sẽ tiếp tục duy trì công tác tuần tra, kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển các loại phương tiện tham gia giao thông. Có thể nói Nghị định 46/2016/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1-8 tăng mức phạt với nhóm vi phạm nồng độ cồn đã có tác động răn đe tích cực đến người tham gia giao thông. Từ đó tỷ lệ người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn đã giảm hẳn, kéo theo TNGT liên quan đến rượu bia cũng giảm.
Quy định xử phạt vi phạm về nồng độ cồn (theo Nghị định số 46/2016/NĐ-CP)
- Đối với người điều khiển ô tô: Người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50mg/100ml máu hoặc chưa vượt quá 0.25mg/1 lít khí thở thì bị phạt tiền từ 2.000.000 - 3.000.000 đồng, tước GPLX 1 - 3 tháng, tạm giữ phương tiện 7 ngày.
Người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 - 80mg/100ml má hoặc vượt quá 0.25 - 0.4mg/1 lít khí thở thì bị phạt từ 7.000.000 - 8.000.000 đồng, tước GPLX 3 - 5 tháng, tạm giữ phương tiện 7 ngày.
Người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0.4mg/1 lít khí thở thì phạt tiền từ 16.000.000 - 18.000.000 đồng, tước quyền sử dụng GPLX từ 4 - 6 tháng, tạm giữ phương tiện 7 ngày.
Đối với người điều khiển mô tô, xe máy: Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50mg đến 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0.25mg đến 0.4mg/1 lít khí thở thì phạt 1.000.000 - 2.000.000 đồng, tạm giữ phương tiện 7 ngày, tước GPLX 1 - 3 tháng.
Người điều khiển mô tô, xe máy có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0.4mg/1 lít khí thở thì phạt tiền từ 3.000.000 - 4.000.000 đồng, tạm giữ phương tiện 7 ngày, tước GPLX 3 - 5 tháng.
MINH DUY