Lực lượng chính trị nòng cốt: “Những cánh tay nối dài”- Bài 3
(BDO) Với một địa phương thu hút đông đảo lực lượng người lao động xa quê, trong đó chủ yếu là thanh niên công nhân (TNCN) đến sinh sống, làm việc như Bình Dương, vấn đề đoàn kết, tập hợp TNCN tham gia vào tổ chức Đoàn, Hội là một yêu cầu mang tính cấp thiết. Bởi chỉ có đoàn kết, tập hợp lực lượng này mới có thể tập trung chăm lo, góp phần xây dựng và phát triển giai cấp công nhân đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong tình hình mới. Không những thế, công tác đoàn kết, tập hợp TNCN còn là một trong những giải pháp nhằm hỗ trợ TNCN, cũng như góp phần bảo đảm an ninh trật tự, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp trên địa bàn yên tâm sản xuất, kinh doanh.
Người bạn đồng hành
Đã thành một thói quen, cứ vào sáng sớm chủ nhật hàng tuần, các thành viên trong Câu lạc bộ (CLB) Cầu Vồng và CLB Kết nối TNCN (Trung tâm Hỗ trợ TNCN và Lao động trẻ tỉnh) lại dậy từ rất sớm để thực hiện “Bếp ăn kết nối yêu thương”. Từ 3 giờ sáng, mỗi người chia nhau từng công việc, đi chợ, sơ chế, chế biến món ăn để kịp phục vụ khoảng 150 suất ăn, mỗi suất trị giá khoảng 10.000 đồng. Dù phải thức dậy từ rất sớm nhưng trên gương mặt mỗi thành viên đều rạng rỡ nụ cười, cùng với sự ân cần chu đáo khi đem “buổi sáng yêu thương” đến cho TNCN tại KCN Mỹ Phước 1, TX.Bến Cát. “Bếp ăn kết nối yêu thương” là một mô hình được Trung tâm Hỗ trợ TNCN và Lao động trẻ tỉnh (trực thuộc Tỉnh đoàn Bình Dương) phối hợp tổ chức qua sự tham gia trực tiếp của các CLB Kết nối TNCN và CLB Cầu Vồng, trực thuộc trung tâm. Mô hình này nhằm hỗ trợ TNCN có hoàn cảnh khó khăn, kết nối để TNCN cùng san sẻ yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau. Ngoài mô hình này, trung tâm cũng đã ra mắt quán English coffee house để các TNCN đến học tập, trau dồi khả năng ngoại ngữ, nâng cao kỹ năng tay nghề. Được biết, hiện nay trung tâm đã thành lập được 12 CLB Kết nối TNCN hoạt động ở các huyện, thị, thành phố và khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các CLB này đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực chăm lo đời sống vật chất và văn hóa tinh thần cho TNCN.
Các thành viên CLB Kết nối TNCN tổ chức nấu bữa ăn sáng phục vụ cho TNCN tại Khu công nghiệp Mỹ Phước, TX.Bến Cát. Ảnh: P.V
Trên thực tế, công tác đoàn kết, tập hợp TNCN ở một địa bàn có nhiều khu công nghiệp không hề dễ dàng. TNCN thường dành nhiều thời gian cho công việc, hay phải tăng ca; đồng thời cũng có xu hướng thay đổi nơi làm việc và chỗ ở nên rất khó tiếp cận. Chính vì vậy, để thu hút, tập hợp được TNCN, cần phải thường xuyên đổi mới phương thức và cách thức vận động; làm sao để tổ chức Đoàn, Hội phải thật sự là người bạn đồng hành của TNCN. Chị Nguyễn Thị Ngọc Xuân, Bí thư Tỉnh đoàn, cho biết để làm tốt công tác này, trong giai đoạn 2007-2010, Bình Dương đã thực hiện Đề án Đoàn kết tập hợp TNCN tại các khu nhà trọ; tiếp đó đề án được thực hiện trong giai đoạn 2011-2015 và hiện nay là giai đoạn 2016-2020 với quy mô mở rộng ra khắp trên địa bàn, trong các khu công nghiệp. Tại cấp tỉnh có Ban Chỉ đạo đề án, cấp huyện và cơ sở có Ban tổ chức đề án.
Cùng với tổ chức Đoàn, Hội, các địa phương trong tỉnh cũng đã tuyển chọn được gần 1.500 quân nhân dự bị làm lực lượng chính trị nòng cốt trong tổng số khoảng 7.400 quân nhân dự bị đang làm việc tại các khu, cụm công nghiệp và công ty, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đây cũng chính là lực lượng tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự trong các doanh nghiệp. |
Trong những năm qua, từ việc thực hiện có hiệu quả đề án này đã góp phần đẩy mạnh công tác đoàn kết tập hợp TNCN vào tổ chức Đoàn, Hội. Đặc biệt, với tư duy không đặt vấn đề xây dựng tổ chức ngay mà đưa hoạt động của Đoàn, Hội đi trước, ở đâu có TNCN công nhân, ở đó có hoạt động Đoàn, Hội đồng hành, tổ chức Đoàn Thanh niên trong tỉnh đã đến gần hơn với TNCN thông qua các mô hình CLB, đội, nhóm theo sở thích, nhu cầu... Đó là các CLB Kết nối TNCN với các hoạt động “Bếp ăn yêu thương”, “Hành trình kết nối TNCN”, tuyên truyền, tư vấn pháp luật; nói chuyện chuyên đề về kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc và giao tiếp ứng xử; ngày hội gia đình TNCN; ngày hội tiếp sức TNCN và các hoạt động tình nguyện bảo vệ môi trường ở các khu công nghịêp, khu nhà trọ... Cùng với mô hình CLB Kết nối TNCN, các tổ chức Đoàn, Hội trong tỉnh còn có nhiều mô hình, hoạt động ý nghĩa chăm lo cho TNCN như: Quỹ hỗ trợ TNCN xa quê, “Sân chơi TNCN cuối tuần”, “Khu nhà trọ kiểu mẫu”, “Căn phòng mơ ước”, “Chuyến xe xuân nghĩa tình”, “Mâm cơm ngày tết”...
Hình thành lực lượng nòng cốt
Từ hiệu quả trong thực hiện công tác Đoàn, Đề án Đoàn kết tập hợp TNCN, tổ chức Đoàn Thanh niên các cấp trong tỉnh đã hình thành nên lực lượng cốt cán để đưa hoạt động phong trào lan tỏa rộng khắp trong các Chi hội TNCN, tại các khu nhà trọ. Đến nay, các tổ chức Đoàn, Hội đã phát triển lực lượng nòng cốt với quân số trên 2.000 người. Đây là những đoàn viên, hội viên ưu tú, hoạt động bên trong những tổ chức, loại hình tập hợp thanh niên tại một khu vực, một địa bàn nhất định; bảo đảm các tiêu chuẩn, trong đó yếu tố quan trọng nhất là có uy tín đối với thanh niên, có vai trò ảnh hưởng, có khả năng thuyết phục thanh niên trong một tổ chức, tập thể; có thể dẫn dắt thanh niên trong tổ chức, tập thể cùng hành động.
Theo chị Nguyễn Thị Ngọc Xuân, Bí thư Tỉnh đoàn, để xây dựng và phát huy vai trò của lực lượng nòng cốt, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn luôn quan tâm và thường xuyên chỉ đạo các cơ sở Đoàn tổ chức các hội nghị tập huấn, các hoạt động nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho lực lượng này, tạo điều kiện thuận lợi để lực lượng nòng cốt cấp tỉnh cũng như cơ sở được thể hiện khả năng trong việc tuyên truyền các nghị quyết, chủ trương, quan điểm của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước, các kế hoạch, chương trình của Đoàn, Hội và nhiều vấn đề mà thanh niên quan tâm; đặc biệt là công tác nắm bắt tình hình tư tưởng, định hướng dư luận trong thanh niên...
Và, khi đã hình thành nên lực lượng đoàn viên, hội viên nòng cốt, không chỉ giúp cho hoạt động của Đoàn, Hội đến gần với TNCN mà còn qua đó nắm bắt kịp thời những thông tin từ cơ sở, nhất là về tình hình an ninh trật tự. Khi xuất hiện các điểm “nóng”, Tỉnh đoàn luôn chủ động xây dựng cơ chế báo cáo, cung cấp và kiểm tra thông tin thông qua các lực lượng nòng cốt để có hướng phối hợp với cơ quan chức năng ngăn chặn, xử lý kịp thời. Thông qua lực lượng nòng cốt, các hoạt động nắm bắt tư tưởng, tình cảm của TNCN còn được tăng cường nhờ áp dụng những phương thức mới như sử dụng mạng xã hội (nhóm Zalo, Facebook…); chủ động tiếp cận và định hướng cho TNCN... Từ các hoạt động này đã góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Lời kết
Hiện nay, toàn tỉnh có 29 khu công nghiệp, hơn 10 cụm công nghiệp với khoảng 28.000 doanh nghiệp đang hoạt động, thu hút hơn 1 triệu công nhân lao động từ ngoài tỉnh đến làm việc. Để bảo đảm tình hình an ninh trật, cùng với hoạt động của lực lượng chức năng như quân sự, công an, việc xây dựng và phát huy vai trò của các lực lượng chính trị nòng cốt trong các tổ chức đoàn thể là một nhiệm vụ rất quan trọng. Thực tế đã chứng minh, từ vụ việc các thế lực phản động kích động gây rối trong thời điểm tháng 6-2018 khi Quốc hội chuẩn bị thông qua dự thảo Luật An ninh mạng và bàn về dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, nhờ nắm bắt thông tin kịp thời từ cơ sở, chủ động xử lý, trong đó có vai trò của lực lượng chính trị nòng cốt từ các tổ chức đoàn thể, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh đã được bảo đảm tốt. Thiết nghĩ, đây cũng là một kinh nghiệm quý trong công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, không để bị động, bất ngờ khi có tình huống xảy ra.
Từ đầu năm đến nay, tổ chức Đoàn thanh niên các cấp trong tỉnh đã thành lập mới 12 Chi hội Nhà trọ TNCN, 3 Chi đoàn TNCN trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước, 1 Chi đoàn Thanh niên xa quê, 5 Chi hội TNCN doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Hội Liên hiệp thanh niên thành lập mới 16 Chi hội TNCN nhà trọ và 2 Chi hội TNCN doanh nghiệp ngoài Nhà nước; thành lập mới 2 CLB Kết nối TNCN, hiện đã có 12 CLB Kết nội TNCN nhằm thực hiện hiệu quả mô hình đoàn kết tập hợp TNCN trên địa bàn tỉnh.
T.SƠN - T.THẢO