Lực Lượng Cảnh Sát Nhân Dân Công An Tỉnh Bình Dương: Luôn phát huy truyền thống vì nhân dân phục vụ
Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, ngày 20-7-1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 34/LCT công bố Pháp lệnh quy định nhiệm vụ quyền hạn của CSND và Pháp lệnh quy định chế độ, cấp bậc hàm của sĩ quan, hạ sĩ quan CSND nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Pháp lệnh xác định: “Lực lượng CSND Việt Nam là lực lượng vũ trang thuộc Bộ Công an, thừa hành pháp luật Nhà nước, đấu tranh chống bọn phản cách mạng và những kẻ phạm tội khác, giữ gìn trật tự trị an, bảo vệ tài sản công cộng, bảo vệ tính mạng và sức khỏe của nhân dân...”. Đây là một sự kiện quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của lực lượng CAND nói chung và CSND nói riêng trong sự nghiệp bảo vệ Đảng, chính quyền, bảo vệ nhân dân và giữ gìn an ninh trật tự (ANTT). Với ý nghĩa đó, ngày 20-7 hàng năm trở thành là ngày truyền thống của lực lượng CSND cho đến nay.
Là một bộ phận của lực lượng CAND Việt Nam, trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, với các tên gọi, như: Trại giáo hóa, Ban điều tra, Ban trừ gian, Công an xung phong, Quốc vệ đội, Ban Cảnh sát trật tự... Lực lượng Công an Bình Dương luôn sát cánh với quân đội, gắn bó máu thịt với nhân dân, sẵn sàng hy sinh vượt qua gian khổ, chiến đấu chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ tuyệt đối an toàn cán bộ lãnh đạo, vùng căn cứ kháng chiến và tính mạng, tài sản của nhân dân, lập nên nhiều thành tích. Rõ nét nhất là hoạt động của lực lượng Quốc vệ đội 1 và 2, tham gia tổ chức phát động các phong trào “Bảo vệ trị an”, “Bảo mật phòng gian”, phong trào “Ba không, ba phòng”, phong trào phòng gian, diệt ác... góp phần phục vụ chiến dịch Lê Hồng Phong năm 1948 giành thắng lợi. Nhiều tên ác ôn khét tiếng phải đền tội, vùng căn cứ, vùng giải phóng được xây dựng và mở rộng, góp phần cùng toàn quân, toàn dân, đánh thắng thực dân Pháp xâm lược.
Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với muôn vàn khó khăn gian khổ, lực lượng Công an Bình Dương bao gồm các lực lượng như An ninh vũ trang, Trại giam, Bảo vệ, lực lượng Chấp pháp, Cảnh vệ, Khoa học hình sự, Trinh sát hình sự luôn dũng cảm hoạt động trước nanh vuốt của kẻ thù; đối phó hiệu quả với các chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng”, làm cho địch luôn hoang mang, dao động; luôn kề vai sát cánh với bộ đội và các lực lượng khác lập nhiều thành tích xuất sắc trong diệt ác, phá kiềm, bảo vệ an toàn hệ thống giao liên, hành lang căn cứ, bảo vệ an toàn tuyệt đối các cơ quan đầu não của tỉnh, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Tiêu biểu cho tinh thần chiến đấu anh dũng của lực lượng Công an tỉnh trong kháng chiến chống Mỹ là tham gia chống trả các trận càn Xêđaphôn, Mahattan... mở đường máu đưa cán bộ lãnh đạo, vượt vòng vây chuyển đến vị trí an toàn.
Khi nước nhà thống nhất, nhiệm vụ bảo vệ ANTT càng phức tạp và nặng nề nhưng được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, của các cấp ủy Đảng và chính quyền, lực lượng CAND nói chung và lực lượng CSND nói riêng đã từng bước được củng cố và trưởng thành. Nhiều đơn vị nghiệp vụ như Cảnh sát giao thông, Cảnh sát Quản lý hành chánh - trị an, Cảnh sát hình sự, Chấp pháp, Trại giam, Cảnh sát khu vực... được thành lập và phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang, chính quyền cơ sở và đoàn thể quần chúng tạo điều kiện cho các đối tượng trình diện, học tập cải tạo, đồng thời trấn áp các tổ chức, cụm - toán vũ trang phản cách mạng và mau chóng tham gia giữ gìn trật tự an toàn xã hội ở thị xã, thị trấn, bảo vệ bà con về quê cũ làm ăn, nhằm thiết lập lại nền ANTT, góp phần đưa cuộc sống đi vào nề nếp, bảo vệ chính quyền cách mạng mới được thành lập. Ở thời kỳ này, lực lượng cảnh sát tuy mới hình thành và củng cố lại, nhưng đã lập được nhiều chiến công hiển hách, như việc phá băng cướp do tên Võ Tùng Hội cầm đầu là một điển hình (băng cướp Võ Tùng Hội là một băng cướp có vũ trang, giỏi võ, hoạt động từ trước ngày miền Nam giải phóng mà chính quyền Sài Gòn phải tốn nhiều công sức mới bắt giam được chúng. Ngày 30-4-1975, các nhà tù của Mỹ - ngụy được giải phóng, băng cướp này được thả ra, một thời gian sau chúng lại tiếp tục gây nhiều vụ cướp táo bạo ở TP.HCM, có vụ chúng đấu súng với công an. Năm 1977 bọn chúng lên Bình Dương chuẩn bị gây án và bị Công an Bình Dương triệt phá, bắt gọn).
Trong thập niên 80, tình hình kinh tế - xã hội ở nước ta gặp nhiều khó khăn, tình hình trật tự an toàn xã hội đứng trước những thử thách gay go quyết liệt, lực lượng Cảnh sát tỉnh đã tham mưu cho lãnh đạo có những chủ trương chính sách kịp thời về tăng cường trấn áp
tội phạm, chống tiêu cực, tham nhũng, từng bước lập lại trật tự kỷ cương xã hội. Trong giai đoạn này, lực lượng CSND Công an tỉnh đã trấn áp hàng ngàn đối tượng, không để chúng lộng hành quấy nhiễu nhân dân.
Thực hiện chủ trương đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Bình Dương từng bước đạt được những thành tựu đáng trân trọng và trở thành điểm sáng trong phát triển các khu, cụm công nghiệp. Bên cạnh những thành tựu đạt được, việc bảo đảm trật tự an toàn xã hội cũng đặt ra cho lực lượng cảnh sát nhiều nhiệm vụ khó khăn. Nổi lên là tình hình hoạt động của các băng nhóm tội phạm hình sự, tội phạm về kinh tế, tội phạm về ma túy, công tác quản lý nhân hộ khẩu, bảo đảm công tác an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy ở các địa bàn giáp ranh, địa bàn phát triển công nghiệp...
Qua 25 năm đổi mới, được sự quan tâm lãnh đạo của Bộ Công an, cấp ủy, chính quyền các cấp, sự ủng hộ của các ban ngành và phong trào quần chúng, lực lượng Cảnh sát Bình Dương đã không ngừng lớn mạnh, thể hiện được vai trò nòng cốt trong các lĩnh vực phòng chống các loại tội phạm, thực hiện các mặt công tác quản lý hành chính Nhà nước về trật tự an toàn xã hội, góp phần cùng toàn ngành thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của ngành.
Trên lĩnh vực phòng chống tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, tội phạm về trật tự xã hội, lực lượng CSND từ tỉnh đến huyện đã điều tra, triệt xóa nhiều băng ổ nhóm, bắt hàng trăm tên tội phạm phạm tội với tính chất rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, như: Hùng búa, Trần Văn Nam, Hoàng Bá Tú, Phước tám ngón, Nguyễn Duyên Tịnh, Dũng chim xanh, Lê Thanh Vân, Hoàng Văn Xuân, Lê Bảo Quốc, nhóm đối tượng giết người trên sông Sài Gòn, băng cướp chuyên dùng cây đập đầu nạn nhân để cướp xe gắn máy liên tỉnh; Đặng Công Danh cầm đầu hàng chục đối tượng gây ra khoảng 50 vụ cướp xe máy trên địa bàn tỉnh Bình Dương và Tây Ninh và gần đây là vụ bắt giữ tên Trần Nguyễn Xuân Phương và đồng bọn đã gây ra 3 vụ giết người trên địa bàn TX.TDM. Trong năm 2010 và những tháng đầu năm 2011 các lực lượng nghiệp vụ phối hợp triệt xóa hàng chục băng nhóm tội phạm nguy hiểm, trong đó có 7 đối tượng gây ra 2 vụ bắt cóc tống tiền giải thoát an toàn cho 2 cháu bé...
Điểm nổi bật trong các hoạt động tấn công, trấn áp tội phạm của các lực lượng CSND là đã tích cực phối hợp với các lực lượng khác tổ chức ra quân quyết liệt, dũng cảm mưu trí khi thi hành nhiệm vụ; tổ chức xây dựng và phát triển các mô hình trong phong trào quần chúng đặc biệt là mô hình Câu lạc bộ Phòng chống tội phạm; phối hợp chặt chẽ với cơ quan quân sự thường xuyên mở các đợt tuần tra vũ trang khép kín địa bàn; thực hiện chủ trương chuyển hóa tình hình ANTT ở các địa bàn, khu vực trọng điểm phức tạp. Trong những năm qua, tình hình ANTT trên địa bàn tỉnh được bảo đảm ổn định, nhiều địa bàn trọng điểm phức tạp đã được chuyển hóa bình yên, không để các băng nhóm tội phạm hoạt động lộng hành kéo dài, đặc biệt là vùng giáp ranh.
Trên các lĩnh vực bảo vệ các mục tiêu, hỗ trợ tư pháp, môi trường, quản lý hành chính về trật tự xã hội, bảo đảm an toàn giao thông, PCCC, từ chỗ còn có những bất cập bị động do tình hình chuyển biến nhanh đến nay đã đi vào ổn định, nề nếp. Công an từ tỉnh đến cơ sở luôn thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao. Trong điều kiện người ít, việc nhiều nhưng vẫn thi đua thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ gắn với thực hiện chủ trương cải tiến thủ tục hành chính, lề lối làm việc, giữ gìn lễ tiết tác phong theo 6 điều Bác Hồ dạy CAND và cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ” và cuộc vận động “Công an Bình Dương chấp hành nghiêm điều lệnh, kỷ luật, kỷ cương; xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ”...
Trải qua chặng đường gần nửa thế kỷ, với truyền thống “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, lực lượng Cảnh sát tỉnh đã lập nên những chiến công xuất sắc, thể hiện sự vận dụng đúng đắn đường lối chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đồng thời cũng thể hiện lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân, sẵn sàng hy sinh quên mình vì lợi ích của cách mạng, vì cuộc sống bình yên của nhân dân, góp phần tích cực cho sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà.
Cả nước đang bước vào mùa thi đua mới, quyết tâm đưa Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đi vào cuộc sống với nhiều thuận lợi và thách thức đan xen. Trước tình hình hoạt động của các loại tội phạm diễn biến phức tạp, lực lượng Công an tỉnh nói chung và lực lượng cảnh sát nói riêng nghiêm túc nhận rõ và khắc phục những khuyết điểm, yếu kém trong công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng, không ngừng phấn đấu vươn lên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với truyền thống “Lực lượng CSND Việt Nam mưu trí, dũng cảm, vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.
Những thành tích tiêu biểu của lực lượng cảnh sát Công an Bình Dương
Với những thành tích đạt được, lực lượng Cảnh sát tỉnh Bình Dương vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1980, đơn vị Cảnh sát Hình sự được Chủ tịch Tôn Đức Thắng tặng lẵng hoa về thành tích đấu tranh phòng chống tội phạm hình sự những năm đầu sau giải phóng; 1 Huân chương Quân công hạng III; 11 đơn vị được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng I; 1 đơn vị được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng II; 6 đơn vị được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng III và nhiều tập thể, cá nhân được tặng thưởng huân, huy chương các loại; hàng trăm lượt tập thể, cá nhân được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo Tổng cục, Giám đốc Công an tỉnh tặng bằng khen, giấy khen.
Đại tá Nguyễn Văn Sơn - Phó Giám đốc Công an tỉnh