Lực lượng Cảnh sát nhân dân Công an Bình Dương không ngừng phát huy truyền thống “Mưu trí, dũng cảm, vì nước, vì dân, quên thân phục vụ”
Ngày 20-7-1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký lệnh ban hành Pháp lệnh quy định nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh sát nhân dân (CSND) và Pháp lệnh quy định chế độ cấp bậc sĩ quan, hạ sĩ quan CSND. Tròn nửa thế kỷ trôi qua, ngày 20-7 đã trở thành là ngày truyền thống của lực lượng CSND Việt Nam; là dịp để toàn Đảng, toàn quân và nhân dân ta tôn vinh những đóng góp xứng đáng của lực lượng CSND Việt Nam qua các thời kỳ cách mạng, đó là truyền thống “Mưu trí, dũng cảm, vì nước, vì dân, quên thân phục vụ”.
Đại tá Nguyễn Hoàng Thao, Phó Giám đốc Công an tỉnh trao giấy khen đột xuất của Giám đốc Công an tỉnh cho các cá nhân có thành tích trong tấn công tội phạm chào mừng 50 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân Là một bộ phận quan trọng trong hệ thống tổ chức của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam, lực lượng CSND Việt Nam đã sớm ra đời từ những ngày đầu giành chính quyền, trên cơ sở củng cố và phát triển các tổ chức tiền thân trước Cách mạng Tháng Tám 1945, như “Đội tự vệ đỏ” trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh năm 1930-1931, “Ban Công tác đội” năm 1940, “Đội trinh sát”, “Đội hộ lương diệt ác” năm 1945...
Trải qua các thời kỳ cách mạng, được sự quan tâm, giáo dục của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự đùm bọc, giúp đỡ của các tầng lớp nhân dân, lực lượng CSND đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, cùng với lực lượng An ninh nhân dân, Quân đội nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chống thù trong, giặc ngoài, trấn áp các phần tử phản cách mạng, bảo vệ Đảng, chính quyền; đấu tranh phòng và chống các loại tội phạm, giữ gìn bình yên cuộc sống nhân dân.
Hòa trong dòng chảy chung của lịch sử, lực lượng Công an tỉnh nói chung và lực lượng CSND nói riêng cũng ra đời từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Được sự lãnh đạo của Xứ ủy, Trung ương Cục miền Nam, của Tỉnh ủy, các tổ chức tiền thân như Trại giáo hóa, Ban điều tra, Ban trừ gian, Công an xung phong, Quốc vệ đội ở cấp tỉnh; ở cấp huyện có Ban cảnh sát trật tự, cùng với các lực lượng khác trong ngành đã kề vai sát cánh cùng với lực lượng Quân đội nhân dân, dựa vào sự đùm bọc, giúp đỡ của dân để chiến đấu trừ gian, diệt ác, trấn áp bọn phản cách mạng, bảo vệ chính quyền, vùng căn cứ kháng chiến và bảo vệ nhân dân. Với các phong trào “Bảo vệ trị an”, “Bảo mật phòng gian”, phong trào “Ba không”, “Ba phòng”, phong trào phòng gian, diệt ác của lực lượng Quốc gia tự vệ cuộc Bình Dương năm xưa, nhiều đối tượng ác ôn khét tiếng đã phải đền tội; vùng căn cứ cách mạng, vùng giải phóng dần được mở rộng, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân và nhân dân miền Nam đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược.
Bước vào giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, Công an Bình Dương được thành lập gồm các lực lượng An ninh vũ trang, Trại giam, Bảo vệ, sau đó phát triển thành những lực lượng Chấp pháp, Trại giam, An ninh vũ trang, Cảnh vệ, Khoa học hình sự, Trinh sát hình sự. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ đầy cam go, ác liệt nhất là phải đối mặt với nhiều thủ đoạn thâm độc của Mỹ - ngụy như các chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng”, nhưng các lực lượng CSND Công an tỉnh cùng lực lượng An ninh đã dũng cảm len lỏi vào vùng địch, diệt ác, phá kềm, bảo vệ an toàn hệ thống giao liên, hành lang căn cứ, bảo vệ an toàn tuyệt đối các cơ quan đầu não của tỉnh, bảo vệ nhân dân vùng giải phóng. Nhiều chiến sĩ Công an tỉnh đã dũng cảm, ngoan cường tham gia chống càn, có đồng chí đã anh dũng hy sinh, “mở đường máu” đưa cán bộ lãnh đạo, đồng đội vượt vòng vây về đến vị trí an toàn...
Thắng lợi vĩ đại của chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân 1975 đã kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đầy khốc liệt, Nam, Bắc sum họp một nhà. Vinh quang này là có phần đóng góp xứng đáng của nhiều thế hệ Công an Bình Dương - những chiến sĩ sẵn sàng chịu đựng gian khổ, hy sinh vì độc lập, tự do cho dân tộc.
Hòa bình được lập lại, để đáp ứng yêu cầu bảo đảm trật tự an toàn xã hội những năm đầu sau giải phóng, nhiều đơn vị thuộc lực lượng CSND Công an tỉnh từng bước được thành lập như: Cảnh sát giao thông, Cảnh sát quản lý hành chánh - trị an, Cảnh sát hình sự, Chấp pháp, Trại giam, Cảnh sát khu vực... Tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn, bỡ ngỡ nhưng với truyền thống anh hùng trong chống giặc, biết dựa vào dân, nên các lực lượng CSND công an tỉnh nhà đã hoàn thành nhiệm vụ. Nhiều băng nhóm tội phạm có vũ trang hoạt động rất manh động thời kỳ này như băng Võ Tùng Hội cầm đầu đã bị bắt giữ. Công tác điều tra xử lý án cũng đạt hiệu quả cao; các mặt công tác quản lý hành chính, trật tự an toàn giao thông đạt được yêu cầu đề ra, góp phần bảo đảm an ninh trật tự trong thời kỳ khó khăn do việc duy trì chế độ tập trung bao cấp.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng mở ra chân trời mới cho quốc gia và dân tộc. Trong khí thế chuyển mình đi lên của đất nước, tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Dương và Bình Phước) cũng nhanh chóng đổi thay, khoác lên mình diện mạo mới. Bên cạnh những chuyển biến tích cực về kinh tế - xã hội, tình hình tội phạm xuất hiện những yếu tố mới có tính phức tạp. Nổi lên là các băng ổ nhóm tội phạm, tội phạm về ma túy, tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, tội phạm môi trường; tình hình phức tạp trong công tác quản lý nhân hộ khẩu, người tạm trú...
Trong bối cảnh mới, lực lượng Công an nhân dân nói chung, đặc biệt là lực lượng CSND nói riêng tiếp tục được kiện toàn, phát triển mô hình tổ chức theo các chủ trương của Đảng, Nhà nước và ngành công an, nhất là hàng loạt hệ thống các văn bản trong chính sách hình sự mới ra đời nhằm bảo đảm cho lực lượng công an hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Lực lượng CSND Công an tỉnh và công an các huyện, thị, thành phố đã tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền triển khai thực hiện trong toàn xã hội những chủ trương, giải pháp của Đảng, Nhà nước và ngành công an về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự trị an trong tình hình mới, như Nghị quyết 09 của Chính phủ, Chương trình Quốc gia phòng chống tội phạm, Chương trình hành động phòng chống ma túy; các nghị định về quản lý nhân hộ khẩu, an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy; nghị định về quy chế phối hợp giữa công an và quân sự... Với tinh thần đoàn kết, cộng đồng trách nhiệm, công tác giữ gìn an ninh trật tự và xây dựng lực lượng công an tỉnh nhà được các cấp, các ngành, cộng đồng các doanh nghiệp và quần chúng nhân dân nhiệt tình ủng hộ, tham gia; hiệu lực quản lý Nhà nước về an ninh trật tự được tăng cường.
Song song với các hoạt động nêu trên, với tinh thần phát huy truyền thống, không để tội phạm lộng hành, lực lượng CSND Công an tỉnh liên tục mở các đợt ra quân tấn công trấn áp tội phạm, xác lập nhiều chuyên án, triệt xóa các băng nhóm tội phạm, không để tội phạm hoạt động manh động kéo dài ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Tiêu biểu như triệt xóa các băng nhóm nguy hiểm mới nổi lên như các băng nhóm chuyên dùng búa, dùng gậy đánh người cướp tài sản ở địa bàn TX.Dĩ An và vùng lân cận; băng cướp do Đặng Công Danh cầm đầu và gần đây là nhiều băng nhóm tội phạm hoạt động ở vùng giáp ranh như băng nhóm Minh Đen, Mười Thu, Phi Đen, Vũ Đức Tuấn; băng nhóm tội phạm ma túy do Trương Định Quán cầm đầu. Trong công tác điều tra phá án, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh và các huyện, thị, thành phố đã thể hiện tinh thần vượt khó, mưu trí, sáng tạo trong vận dụng các biện pháp nghiệp vụ, tỷ lệ điều tra khám phá án đạt được tỷ lệ cao, nhất là các vụ có tính chất rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng như các vụ Lê Thanh Vân dùng chất độc giết người cướp tài sản, vụ giết người cướp tài sản trên sông Sài Gòn, vụ luật sư Lê Bảo Quốc can tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vụ Hoàng Văn Xuân giết người cướp tài sản và gần đây là các vụ Trần Nguyễn Xuân Phương, Ngô Phùng Hiệp, giết người cướp tài sản; băng nhóm Kim Tấn Trường, Dũng Ben giết người do mâu thuẫn, đòi nợ thuê... Đánh giá thành tích đạt được, chúng ta tự hào nhận thấy rằng, mặc dù tình hình tội phạm luôn diễn biến theo hướng phức tạp, song với vai trò nòng cốt trong công tác phòng và chống các loại tội phạm, bằng nhiều biện pháp đấu tranh quyết liệt, không khoan nhượng, lực lượng CSND công an tỉnh nhà không để tình hình tội phạm hoạt động lộng hành kéo dài ảnh hưởng xấu đến tình hình ANTT và cuộc sống bình yên của nhân dân. Nhiều lĩnh vực công tác khác như quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội, giữ gìn trật tự an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy từng bước đổi mới, theo hướng cải tiến thủ tục hành chính, phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân...
Với những đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và thời kỳ kiến thiết đất nước, lực lượng CSND công an tỉnh nhà vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Chủ tịch Tôn Đức Thắng tặng lẵng hoa về thành tích đấu tranh chống tội phạm hình sự, 1 đơn vị được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng III, 11 đơn vị được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng I, nhiều tập thể, cá nhân được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng II, hạng III và huy chương các loại.
Có được thành tích trên, chúng ta không thể nào quên công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, các anh hùng liệt sĩ, các bậc cha anh đi trước - những người không ngại khó khăn thử thách, sẵn sàng chịu đựng hy sinh gian khó để Tổ quốc và nhân dân ta có được thành quả như ngày hôm nay. Phát huy truyền thống quý báu của mình, mỗi chiến sĩ CSND Công an Bình Dương hôm nay phải luôn ghi nhớ sự quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi của các Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, sự đồng thuận ủng hộ của các ngành và quần chúng nhân dân.
Nhiệm vụ đặt ra trước mắt cũng như lâu dài cho ngành công an nói chung và lực lượng CSND nói riêng sẽ còn khó khăn và phức tạp. Phát huy truyền thống vẻ vang của ngành, lực lượng CSND Công an Bình Dương sẽ tiếp tục rèn luyện mình theo 6 điều Bác dạy, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn thử thách, đóng góp hết sức mình cho sự nghiệp cách mạng, góp phần xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Đại tá NGUYỄN HOÀNG THAO (Phó Giám đốc Công an tỉnh)