Lực lượng An ninh Bình Dương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước: Kỳ tích trong gian khó

Thứ ba, ngày 28/04/2015

Thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta là thắng lợi của đường lối chính trị, nghệ thuật quân sự đúng đắn và sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Góp phần vào thắng lợi đó có vai trò của lực lượng an ninh nói chung, an ninh Bình Dương nói riêng trong suốt 21 năm trường kỳ kháng chiến.

(BDO)

Sáng 26-4, đông đảo người dân, đại diện các ban ngành, đoàn thể đến thắp hương tại Khu căn cứ Bàu Gốc, nơi được xem là cái nôi của lực lượng an ninh Bình Dương Ảnh: TÁM BÌNH

Trong gian khó

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954- 1975), địa bàn tỉnh Thủ Dầu Một (nay là Bình Dương) là cửa ngõ tây bắc Sài Gòn, nơi có nhiều căn cứ kháng chiến (Chiến khu Đ, Thuận An Hòa, Long Nguyên); nơi tập trung các đơn vị chủ lực của ta và địch và cũng là nơi địch bố trí nhiều lực lượng, sử dụng nhiều biện pháp, thủ đoạn để án ngữ, bảo vệ thủ phủ chính quyền Sài Gòn. Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, địch nhanh chóng củng cố bộ máy chính quyền, cải tổ Phòng Nhì Pháp thành Ty Công an, lập tiểu khu quân sự với 2 tiểu đoàn bảo an. Mỗi quận chúng thành lập 1 chi khu quân sự có 1 đến 2 trung đội bảo an và 1 chi cảnh sát. Đứng đầu tiểu khu, chi khu và chi cảnh sát là những tên tay sai khét tiếng. Bộ máy chính quyền cấp xã, ấp cũng được lựa chọn từ những tên ác ôn để phục vụ, quản lý và cai trị. Chúng không bãi bỏ đồn bót cũ của Pháp mà còn tăng cường, củng cố, xây dựng thêm xuống tận xã, ấp; biến đồn Đinh Bộ Lĩnh thành Khám đường (nơi giam giữ đồng bào và chiến sĩ cách mạng), thành Săng Đá thành trường huấn luyện sĩ quan và hạ sĩ quan công binh; sử dụng biện pháp dụ dỗ, mua chuộc, đàn áp để thực hiện chiến dịch “tố cộng, diệt cộng” nhưng không khuất phục được phong trào cách mạng.

Từ năm 1961, địch phải tổ chức lại chiến trường, chia lãnh thổ thành các vùng chiến thuật, chuyển bộ máy chính quyền hành chính cấp tỉnh, cấp quận thành chính quyền quân sự; củng cố mạng lưới tình báo, gián điệp, hệ thống chính quyền xã, ấp để hoạt động bình định, càn quét, gom dân. Bình Dương thuộc vùng 3 chiến thuật của ngụy, ngoài lực lượng tại chỗ, địch còn bố trí Sư đoàn 5 tại Bến Cát để ngăn chặn, phòng ngừa các cuộc tiến công của ta trên hướng quốc lộ 13, đồng thời yểm trợ cho các cuộc càn quét, bình định, gom dân vào ấp chiến lược để khai thác triệt để, nổi bật là các ấp chiến lược kiểu mẫu của toàn miền Nam.

Đặc biệt, sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, trên địa bàn tỉnh Bình Dương lực lượng của Mỹ- ngụy gồm có: Sư đoàn 5, Sư đoàn 18 ngụy; Sư đoàn bộ binh số 1 “Anh Cả đỏ”, Sư đoàn 25 “Tia chớp nhiệt đới”, Trung đoàn kỵ binh thiết giáp số 11, Lữ đoàn dù 173, Lữ đoàn 196, 199 của Mỹ; Tiểu đoàn Úc Đại Lợi và nhiều đơn vị pháo Tân Tây Lan… Các đội biệt kích Mỹ, biệt kích ngụy, máy bay chiến đấu, máy bay trinh sát và máy bay chiến lược B52 càn quét, bắn phá. Ở vùng ven, chúng liên tục mở các cuộc hành quân càn quét để đẩy lùi lực lượng ta ra xa dần. Ở vùng tranh chấp, địch tập trung lực lượng thiết lập tuyến phòng ngự vòng cung từ Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh) qua nam Bến Cát, bắc Châu Thành tới bắc Tân Uyên và lập thêm nhiều đồn bót tại các ngã ba, ngã tư. Ở vùng kiểm soát, địch đẩy mạnh tuyên truyền chiến tranh tâm lý, đưa số người bị bắt, số tên phản bội ra hù dọa thúc đẩy nhân dân kêu gọi chồng, con, em đi kháng chiến ra hàng. Ở vùng giải phóng, một mặt chúng tăng cường đánh phá hủy diệt bằng bom đạn, mặt khác kết hợp hoạt động biệt kích, chiến dịch “Phượng hoàng” trà trộn vào dân ra vùng giải phóng thu thập tin tức, tình báo…

Thời kỳ 1954-1975 địch luôn duy trì ở Bình Dương một lực lượng lớn quân đội, cảnh sát dã chiến, cảnh sát đặc biệt, một bộ máy chiến tranh do thám gián điệp từ CIA đến Phượng hoàng, Thiên nga, tề điệp ác ôn và các thiết bị quân sự tối tân để đánh phá phong trào cách mạng, quyết giữ bằng được cửa ngõ Sài Gòn.

Trưởng thành và lập nên kỳ tích

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lực lượng an ninh tỉnh đã vượt qua muôn vàn gian khổ hy sinh, khôn khéo, mưu trí, dũng cảm đương đầu với các âm mưu, thủ đoạn của các cơ quan tình báo, cảnh sát đặc biệt, các tổ

chức trá hình của Mỹ - ngụy để bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân, bảo vệ các lực lượng và phong trào cách mạng trên địa bàn tỉnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng quê hương, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chính vì vậy, cuộc kháng chiến của quân và dân Bình Dương nói chung, lực lượng an ninh nói riêng diễn ra vô cùng gian khổ, ác liệt, nhưng thắng lợi vẻ vang đã tô thắm thêm truyền thống cách mạng.

Trong hoạt động, lực lượng an ninh bảo vệ an toàn tổ chức Đảng, các lực lượng cách mạng, bảo vệ căn cứ, bảo vệ tính mạng tài sản của nhân dân và trực tiếp tham gia chiến đấu. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, lực lượng an ninh đã tập trung chỉ đạo diệt ác, phá kìm, bóc gỡ mạng lưới tình báo, gián điệp, biệt kích, bảo vệ vùng căn cứ địa cách mạng, bảo vệ an toàn tổ chức Đảng, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân lập nhiều chiến công.

Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, cuộc tiến công chiến lược năm 1972 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, lực lượng an ninh đã bảo vệ bí mật các chiến dịch, cùng toàn quân, toàn dân đồng loạt tiến công chiếm lĩnh các mục tiêu trọng yếu, góp phần đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Bên cạnh đó, lực lượng an ninh làm nòng cốt trong việc hướng dẫn các cơ quan, ban ngành, đoàn thể bảo mật phòng gian, bảo vệ cơ quan, bảo vệ căn cứ và tổ chức quần chúng nhân dân đấu tranh chính trị. Ngoài vai trò tham mưu cấp ủy Đảng hoạch định đường lối, chủ trương đấu tranh với kẻ thù và trực tiếp tham gia đấu tranh bảo vệ an toàn tổ chức Đảng, bảo vệ các cơ quan, đoàn thể, căn cứ địa cách mạng, lực lượng an ninh tỉnh đã phát huy vai trò nòng cốt trong việc vận động quần chúng đấu tranh chính trị trực diện với kẻ thù bằng các phong trào chống địch gom dân lập ấp; phong trào “Phòng gian bảo mật” với khẩu hiệu 3 không “Không nghe, không thấy, không biết”; hướng dẫn các cơ quan, ban ngành, đoàn thể thực hiện công tác bảo mật phòng gian, bảo vệ căn cứ. Qua đó giúp các cơ quan, ban ngành và nhân dân nâng cao cảnh giác đối phó với âm mưu của địch, nhiều tên do thám, gián điệp, biệt kích xâm nhập vào vùng giải phóng bị nhân dân phát hiện, bắt giữ.

Thực tiễn đã chứng minh, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự quan tâm, chi viện của Bộ Công an, được nhân dân bao bọc, giúp đỡ, phát huy sức mạnh tổng hợp của các ban ngành đoàn thể, lực lượng an ninh Bình Dương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đã vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ hoàn thành xuất sắc vai trò, nhiệm vụ của mình, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và để lại nhiều bài học quý giá.

“Góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lực lượng an ninh Bình Dương đã nắm rõ âm mưu, ý đồ của địch, tham mưu cấp ủy Đảng hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách đấu tranh. Lực lượng an ninh chú trọng xây dựng nhiều cơ sở hoạt động trong lòng địch, các cơ sở đã cung cấp nhiều thông tin, tài liệu quan trọng. Nhờ đó ta nắm rõ âm mưu, ý đồ của địch và tham mưu cho cấp ủy Đảng kịp thời hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách đấu tranh với địch. Ngay khi địch thiết lập, củng cố bộ máy chính quyền tay sai và phát động các chiến dịch “Tố cộng, diệt cộng”; “Gom dân lập ấp” đàn áp, bắt bớ những người tham gia kháng chiến, qua giấy tờ, tài liệu cơ sở cung cấp, ta đã tạo ra nhiều loại giấy tờ hợp pháp cho cán bộ đi lại hoạt động. Đây cũng là một trong những biện pháp đối phó với âm mưu của địch khi chúng chủ trương kêu gọi những người kháng chiến cũ ra trình diện làm thẻ căn cước để dễ dàng bắt và khai thác cơ sở cách mạng. Khi chúng dùng số đầu hàng phản bội để chỉ điểm, truy lùng, bắt bớ cán bộ và cơ sở cách mạng, ta chủ trương diệt trừ những tên ác ôn chỉ điểm có nợ máu với nhân dân để hạ uy thế địch, bảo toàn lực lượng. Nhờ đó, Tỉnh ủy củng cố được cấp ủy, chi bộ, bảo toàn được phong trào cách mạng cho đến thắng lợi hoàn toàn”.

Thiếu tướng VÕ THÀNH ĐỨC

 

Thiếu tướng VÕ THÀNH ĐỨC(Giám đốc Công an tỉnh)