Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước:Góp phần hạn chế đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân
Thực tế hiện nay có nhiều cá nhân bị oan sai, thiệt hại nhưng khi đòi bồi thường thì cơ quan Nhà nước liên quan đùn đẩy trách nhiệm khiến họ phải đi lại nhiều lần mà không biết ai là người chịu trách nhiệm chính? Luật Trách nhiệm bồi thường (TNBT) của Nhà nước được Quốc hội thông qua ngày 18-6-2009, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2010. Đây là một đạo luật mới, quan trọng, là cơ sở pháp lý để tổ chức, cá nhân thực hiện quyền yêu cầu bồi thường khi bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật của cán bộ, công chức Nhà nước gây ra trong khi thi hành công vụ. Luật quy định một cách toàn diện, cụ thể về phạm vi TNBT của Nhà nước trên các lĩnh vực quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án; trách nhiệm giải quyết bồi thường của các cơ quan Nhà nước ở các ngành, các cấp; cơ chế giải quyết bồi thường theo yêu cầu của người bị thiệt hại và trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại.
Các quyết định xử phạt hành chính áp dụng biện pháp tháo dỡ nhà ở nếu trái pháp luật sẽ bị bồi thường (Ảnh minh họa)
Về nguyên tắc, cơ quan có TNBT được xác định là cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại (Điều 14). Đây cũng là một trong những điểm quan trọng của luật: Mặc dù thiệt hại do cá nhân người thi hành công vụ gây ra, nhưng TNBT là trách nhiệm của Nhà nước. Tiền bồi thường được chi từ ngân sách Nhà nước, cá nhân người vi phạm phải hoàn lại cho Nhà nước phần tiền đã bồi thường. Việc xác định rõ TNBT của Nhà nước, trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại, một mặt tạo thuận lợi cho người bị thiệt hại trong việc thực hiện quyền yêu cầu bồi thường của mình; mặt khác, góp phần tăng cường trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, của công chức trong quá trình thực thi công vụ. Thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường tại cơ quan có TNBT theo các quy định tại Luật TNBT của Nhà nước là: Sau khi nhận được văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ, người bị thiệt hại sẽ gửi đơn yêu cầu bồi thường đến cơ quan có TNBT. Cơ quan nhận đơn yêu cầu bồi thường và hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ yêu cầu bồi thường để thụ lý, trường hợp thấy không thuộc thẩm quyền của mình thì có trách nhiệm hướng dẫn người bị thiệt hại gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền. Kể từ khi thụ lý hồ sơ, trong thời hạn luật định, cơ quan đã thụ lý đơn có trách nhiệm tiến hành xác minh thiệt hại. Kết thúc việc xác minh thiệt hại, cơ quan có TNBT phải tiến hành việc thương lượng với người bị thiệt hại. Kết quả thương lượng sẽ là căn cứ để cơ quan này ra quyết định giải quyết bồi thường. Một điểm cần lưu ý là trong bất cứ trường hợp nào (có thương lượng thành hoặc không) thì cơ quan có TNBT vẫn phải ra quyết định giải quyết bồi thường. Trường hợp người bị thiệt hại đồng ý với quyết định giải quyết bồi thường và không khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết bồi thường thì quyết định giải quyết bồi thường này sẽ có hiệu lực pháp luật và là căn cứ để cơ quan có TNBT tiến hành các thủ tục cần thiết để bồi thường cho người bị thiệt hại. Trường hợp người bị thiệt hại không đồng ý với quyết định giải quyết bồi thường thì trong thời hạn luật định, họ có quyền khởi kiện ra tòa án yêu cầu giải quyết bồi thường. Trong trường hợp quyết định giải quyết bồi thường đã có hiệu lực pháp luật thì người bị thiệt hại không có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết bồi thường.
Việc Quốc hội ban hành Luật TNBT của Nhà nước là một sự kiện quan trọng, có ý nghĩa sâu sắc trong việc khẳng định chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong việc thực hiện các mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do dân và vì dân, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức; đồng thời góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức ở nước ta hiện nay. Để bảo đảm thi hành Luật TNBT của Nhà nước có hiệu quả; cán bộ, công chức cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến địa phương phải nhận thức rõ trách nhiệm công vụ của mình, nhận thức đầy đủ nội dung của luật và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng như quyền yêu cầu bồi thường và thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường. Trên tinh thần đó, ngày 6-10-2009, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 1565/CT-TTg về việc triển khai thi hành Luật TNBT của Nhà nước.
Phương Hùng
Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2010. Cũng từ thời điểm này, Nghị quyết 388 và Nghị định 47 sẽ hết hiệu lực thi hành. Các trường hợp yêu cầu bồi thường đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thụ lý nhưng chưa giải quyết hoặc đang giải quyết theo Nghị quyết 388 hoặc Nghị định 47 trước ngày luật này có hiệu lực thì tiếp tục áp dụng các văn bản đó để giải quyết. Các trường hợp được bồi thường theo Nghị quyết 388 và Nghị định 47 đến thời điểm luật này có hiệu lực mà còn thời hiệu theo quy định của các văn bản này nhưng chưa yêu cầu Nhà nước bồi thường hoặc đã yêu cầu nhưng chưa được thụ lý thì áp dụng các quy định của luật này để giải quyết. (Trích Điều 65, 66 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước).