Luật sư phải tích cực bảo vệ công lý, xây dựng nền tư pháp dân chủ và phục vụ nhân dân

Thứ bảy, ngày 10/10/2015

(BDO) Tính đến nay, cả nước có trên 9.436 luật sư (LS) thuộc 63 Đoàn LS. Riêng tại tỉnh Bình Dương, hiện nay có 105 LS và 36 tổ chức hành nghề LS. Trong 70 năm qua, tổ chức và hoạt động LS ngày càng phát triển về mọi mặt. Thông qua hoạt động nghề nghiệp của mình, giới LS đã góp phần tích cực trong việc bảo vệ công lý, xây dựng nền tư pháp dân chủ và pháp quyền, phục vụ nhân dân. Đó là chia sẻ của Thạc sĩ, LS Thái Thanh Hải, Phó Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Bình Dương nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống LS 10-10.

- Ông có thể đánh giá về chất lượng hoạt động tranh tụng, tư vấn pháp lý, nhất là trong các hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nghèo, lĩnh vực tư vấn về đầu tư…?

- Hiện nay, 105 LS hoạt động trong 36 tổ chức hành nghề LS của tỉnh Bình Dương đã tham gia tư vấn pháp luật cho nhiều doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trong tỉnh, góp phần rất lớn vào việc định hướng cho các quan hệ xã hội phù hợp với quy định của pháp luật. Ngoài ra, khi giữa các đương sự phát sinh tranh chấp hoặc phải ra tòa do thực hiện hành vi phạm tội, họ cũng thường tìm đến nhờ các LS giúp đỡ về mặt pháp lý. Các LS cũng rất tích cực tham gia bào chữa cho khách hàng trong nhiều vụ án hình sự, đại diện theo ủy quyền cho đương sự tham gia tố tụng giải quyết vụ án hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đương sự trong vụ án dân sự, hôn nhân - gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính… Do có sự tham gia tích cực của các LS vào hoạt động tư vấn pháp luật, hoạt động tranh tụng nên chất lượng của hoạt động tranh tụng tại tòa án ngày càng được nâng cao, tính dân chủ, công bằng, bình đẳng trong hoạt động tranh tụng ngày càng được mở rộng. Quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự ngày càng được bảo vệ tốt hơn.

Họp Ban Chủ nhiệm mở rộng để triển khai những công việc quan trọng của Đoàn luật sư Bình Dương  

Đối với người nghèo, người có công cách mạng, khi có công việc cần đến sự trợ giúp pháp lý thì các LS đều sẵn lòng tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí tại tổ chức hành nghề LS hoặc thông qua Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bình Dương. Các LS đều rất tích cực tham gia hoạt động này. Riêng đối với hoạt động đầu tư tại tỉnh Bình Dương thì hiện Đoàn LS tỉnh cũng có hai tổ chức hành nghề LS chuyên tư vấn pháp luật đầu tư rất chuyên nghiệp, đáp ứng được nhu cầu của các tổ chức, cá nhân khi họ thực hiện đầu tư tại tỉnh Bình Dương.

Ngoài ra, Đoàn LS của tỉnh hiện cũng thực hiện tư vấn pháp luật cho UBND tỉnh Bình Dương trong việc giải quyết một số trường hợp khiếu nại, tố cáo dây dưa, kéo dài nhằm góp phần ổn định tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

- Ông có thể cho biết những hoạt động nổi bật của tổ chức, cá nhân hành nghề LS trên địa bàn tỉnh?

- Hoạt động nổi bật nhất của tổ chức, cá nhân hành nghề LS trên địa bàn tỉnh là hoạt động tư vấn pháp luật và tham gia tố tụng trong các vụ án tại tòa án. Hiện nay, 36 tổ chức hành nghề LS được phân bố rộng khắp trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh. Do vậy, mỗi khi tổ chức, cá nhân có nhu cầu tư vấn pháp luật hoặc nhờ LS tham gia tố tụng thì họ có thể tìm đến tổ chức hành nghề LS ngay tại địa bàn cấp huyện của mình chứ không phải đi xa như trước đây. Do vậy, có thể nói người dân hiện nay muốn tìm LS để tư vấn pháp luật hoặc giúp đỡ về mặt pháp lý cho mình là không khó.

Ngoài việc cung cấp dịch vụ pháp lý cho tổ chức, cá nhân tại tổ chức hành nghề LS, rất nhiều LS cũng tham gia rất tích cực trong việc đóng góp vào các Dự thảo pháp luật do các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh tổ chức, tham gia tư vấn pháp luật miễn phí trên các phương tiện thông tin đại chúng như Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Dương, Báo Bình Dương, tham gia trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo, người có công cách mạng… tại Trung tâm Trợ giúp pháp lý của tỉnh. Bên cạnh các công việc mang tính chất chuyên môn, các LS của đoàn còn tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện như đóng góp xây nhà tình thương cho người nghèo, phát quà từ thiện nhân dịp đón Tết Nguyên đán hàng năm.

- Qua quá trình hành nghề LS và với cương vị là Phó Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Bình Dương, LS có thể cho biết những thuận lợi và khó khăn trong quá trình hành nghề?

- Qua quá trình hành nghề hơn 10 năm qua, tôi rất mừng vì Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn ủng hộ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho LS phát triển nhằm đóng góp công sức, trí tuệ của mình vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Giới LS nói chung, các LS của tỉnh Bình Dương nói riêng cũng đã rất nỗ lực cố gắng khắc phục khó khăn, đóng góp hết sức mình cho xã hội, góp phần làm cho các quan hệ xã hội được xác lập, thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Qua đó, các LS cũng đóng góp một phần nhỏ công sức của mình trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thực hiện xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Tuy nhiên, hiện nay hoạt động của các LS cũng còn gặp nhiều trở ngại, khó khăn, nhất là khi tham gia tố tụng trong các vụ án hình sự do khách hàng mời mà bị can, bị cáo đang bị tạm giữ, tạm giam. Nhiều trường hợp người thân của bị can, bị cáo mời LS nhưng khi LS gửi hồ sơ làm thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận người bào chữa để tham gia tố tụng thì bị can, bị cáo đang bị tạm giữ, tạm giam lại từ chối LS mà không rõ lý do gì. Do vậy, nhiều LS đã không thể tham gia tố tụng trong các vụ án hình sự để bào chữa cho các bị can, bị cáo ngay từ đầu.

Điều băn khoăn, trăn trở thứ hai của tôi là hiện nay các LS còn hoạt động mang tính rời rạc, nhỏ lẻ, ít chịu liên kết lại với nhau để xây dựng các tổ chức hành nghề LS có quy mô lớn, hoạt động đa lĩnh vực, chuyên sâu, chuyên nghiệp. Điều này sẽ là một trở ngại rất lớn cho các LS trong bối cảnh đất nước chúng ta đang hội nhập kinh tế sâu rộng với thế giới. Bởi lẽ, với quy mô tổ chức hành nghề LS quá nhỏ lẻ như tôi nêu thì các LS khó có thể hoạt động chuyên sâu, chuyên nghiệp, khó có môi trường rèn luyện ngoại ngữ, khó có thể đáp ứng những dự án lớn mà khách hàng giao cho. Do vậy, họ cũng khó có khả năng tiếp cận và đáp ứng yêu cầu cung cấp dịch vụ pháp lý của các tổ chức, cá nhân nước ngoài khi các tổ chức, cá nhân nước ngoài này đến đầu tư tại Việt Nam, trong đó có tỉnh Bình Dương chúng ta.

Qua đây, tôi cũng kiến nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục có sự quan tâm, hỗ trợ để các LS có một môi trường ngày càng thuận lợi hơn để hành nghề và phát triển, đóng góp nhiều hơn nữa cho xã hội. Đặc biệt, khi sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự, tôi kiến nghị Nhà nước nên quan tâm, đơn giản hóa tối đa thủ tục để LS được dễ dàng và sớm tham gia tố tụng trong vụ án hình sự, sớm được tiếp cận bị can, bị cáo đang bị tạm giữ, tạm giam để bào chữa, giúp đỡ về mặt pháp lý cho họ. Đồng thời, tôi cũng kiến nghị Nhà nước nên có chính sách khuyến khích, hỗ trợ để các LS liên kết lại với nhau, xây dựng những tổ chức hành nghề LS có quy mô lớn, hoạt động chuyên nghiệp, đa lĩnh vực và chuyên sâu. Có như vậy thì LS mới có thể đáp ứng được yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

- Xin cảm ơn LS!

* LS LÊ VIỆT HÙNG, Trưởng Chi nhánh Văn phòng LS Hoàng Minh Bình Phước:

Cần tuyên truyền rộng rãi “pháp luật về thừa kế”

Tranh chấp về thừa kế, tranh chấp chia tài sản chung hiện nay rất phổ biến và phức tạp (nhiều tài sản, tài sản nằm ở nhiều nơi, ở nhiều huyện, thị khác nhau, hàng thừa kế có quốc tịch ở các nước khác nhau). Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tranh chấp là do người có quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất chết mà không để lại di chúc, hoặc để lại di chúc nhưng di chúc không phù hợp với quy định của pháp luật.

Điểm đặc biệt trong tranh chấp về thừa kế, tranh chấp tài sản chung đó là đương sự trong vụ án phần lớn là anh chị em ruột, có quan hệ huyết thống với nhau. Khi không thỏa thuận được phải đưa nhau ra tòa thì ít nhiều tình cảm, tình thân mất mát đi. Có những vụ việc căng thẳng đến mức cãi vã hoặc thậm chí gây thương tích cho nhau và cuối cùng là bị xử lý hình sự.

Để hạn chế tình trạng anh chị em trong thân tộc tranh chấp di sản thừa kế, theo tôi cần tuyên truyền rộng rãi pháp luật về thừa kế để mọi công dân đều biết, cân nhắc định đoạt tài sản của mình trong trường hợp lỡ may qua đời. Việc để lại di chúc hợp pháp để chỉ định người có quyền thừa kế tài sản của mình là việc nên làm để tránh đi những xung đột không đáng có.

T.H

 

TRUNG HẬU (thực hiện)

 

 

Từ khóa: