Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Góp phần bảo đảm an ninh năng lượng

Thứ năm, ngày 03/11/2011

Sử dụng năng lượng (NL) hợp lý hơn sẽ dẫn đến hiệu suất của nền kinh tế được nâng cao. Luật Sử dụng NL tiết kiệm và hiệu quả ra đời không chỉ giúp cho các doanh nghiệp (DN), người dân sử dụng NL tiết kiệm hơn mà còn củng cố an ninh NL.

Một bộ luật cần thiết

Theo thống kê của Văn phòng tiết kiệm NL thuộc Bộ Công Thương, đến khoảng năm 2020 nhu cầu điện năng trong nước sẽ tiếp tục tăng từ 15 - 20% mỗi năm. Như vậy, nếu không khắc phục tình trạng lãng phí này chỉ trong 10 năm tới Việt Nam sẽ thiếu hụt điện năng. Đến năm 2020 nước ta sẽ tiếp tục phải nhập khẩu các sản phẩm dầu, trong khi giá dầu luôn dao động và đây là một áp lực rất lớn đến phát triển kinh tế trong nước. Trong khi đó việc phát triển các nguồn NL thay thế cho các nguồn truyền thống đang gặp nhiều khó khăn, hạn chế khả năng đa dạng hóa các nguồn cung cấp NL.

 

Tiết kiệm năng lượng sẽ giúp nền kinh tế phát triển

bền vững hơn. Trong ảnh: Kiểm tra chất lượng sản

phẩm tiết kiệm điện

NL càng trở nên đặc biệt quan trọng đối với một tỉnh có tốc độ công nghiệp hóa quá nhanh như Bình Dương. Theo thống kê của Sở Công Thương, sản lượng tiêu thụ điện thương phẩm của Bình Dương trong 9 tháng năm 2011 đã là 5 tỷ kWh. Thêm vào đó, hiệu suất sử dụng NL của các nhà máy sản xuất tại Bình Dương cũng là vấn đề lớn. Bởi chúng ta vẫn có nhiều ngành nghề tiêu tốn NL khá lớn như: thép, may mặc, sản xuất gỗ, thực phẩm...

Theo tính toán của các chuyên gia về điện năng, việc tiết kiệm 1kWh điện sẽ có chi phí thấp hơn rất nhiều so với số tiền phải bỏ ra để sản xuất 1kWh đó. Chính vì thế, để ổn định NL, ngay từ bây giờ Việt Nam phải có Luật Sử dụng NL tiết kiệm và hiệu quả.

Tăng cường tuyên truyền

Sau khi luật và các nghị định về sử dụng NL tiết kiệm và hiệu quả được ban hành, Sở Công Thương Bình Dương liên tục cập nhật các thông tin cơ bản và cần thiết đến với các DN và người dân. Sau đó, tiến hành những bước đi cần thiết để luật đi vào cuộc sống.

Theo quy định của luật, có 2 nhóm đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh: Thứ nhất là nhóm đối tượng sử dụng NL trọng điểm (gồm các cơ sở sản xuất công nghiệp, các công trình xây dựng  dân dụng, các cơ sở vận tải có mức tiêu thụ NL tổng cộng trong một năm quy đổi ra 1.000 tấn dầu tương đương (TOE) hay 6 triệu kWh; các công trình xây dựng được dùng làm trụ sở, văn phòng làm việc, nhà ở, cơ sở giáo dục, y tế, vui chơi, giải trí, thể dục, khách sạn, siêu thị... có mức tiêu thụ 500 TOE mỗi năm. Thứ 2 là nhóm các cộng đồng dân cư, các DN nhỏ và vừa...

Ở nhóm đối tượng thứ nhất, từ đầu năm 2011 đến nay, Sở Công Thương Bình Dương đã phối hợp Công ty Điện lực Bình Dương và các đơn vị liên quan lập danh sách các cơ sở sử dụng NL trọng điểm để trình Chính phủ. Đây là bước đi đầu tiên đặt nền móng cho việc tiết kiệm NL đối với đối tượng chiếm từ 70 - 80% sản lượng điện tiêu thụ chung của cả nước. Ở nhóm này, luật bắt buộc phải tổ chức kiểm toán NL; hàng năm phải xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể để thực hiện và triển khai công tác TKNL, phải xây dựng báo cáo NL cho cơ quan có thẩm quyền, phải cử cán bộ quản lý NL chịu trách nhiệm xây dựng và giúp người đứng đầu thực hiện các chương trình kế hoạch. Luật cũng quy định trách nhiệm rất cao của người đứng đầu, nếu không thực thi luật sẽ chịu các chế tài cụ thể.

Ở nhóm cộng đồng dân cư, các DN vừa và nhỏ thì chỉ khuyến khích thực hiện luật chứ không bắt buộc. Biện pháp chủ yếu của Sở Công Thương Bình Dương vẫn là khuyến khích các hộ gia đình tham gia không sử dụng điện vào giờ cao điểm, khuyến khích mua bán các trang thiết bị sử dụng ít NL, có hiệu suất cao...

Việc sử dụng NL trong các DN lĩnh vực thép, may mặc, sản xuất gỗ... đang bị lãng phí nhiều, hiệu suất sử dụng mới chỉ đạt từ 28 - 32%, thấp hơn các nước đang phát triển khoảng 10%. Các lò hơi công nghiệp có hiệu suất sử dụng chỉ khoảng 60%, thấp hơn mức trung bình thế giới khoảng 20%... Tính trung bình, để làm ra cùng một giá trị sản phẩm như nhau, sản xuất công nghiệp tại Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung phải tiêu tốn năng lượng gấp 1,5 - 1,7 lần các nước phát triển trên thế giới.

MINH NGUYỄN