Luật Lâm nghiệp mới và cơ hội cho ngành xuất khẩu gỗ

Thứ năm, ngày 20/12/2018

Ngày 15-11-2017, Luật Lâm nghiệp đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1-1- 2019. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để nước ta tiếp tục triển khai chính sách phát triển lâm nghiệp bền vững; đồng thời tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp được giao rừng, bảo vệ rừng và phát triển ngành gỗ xuất khẩu trong tình hình mới.

(BDO)

 Sản xuất sản phẩm gỗ tại Công ty Gỗ Tiến Hưng. Ảnh: PHÙNG HIẾU

 Luật mới - kỳ vọng mới

Theo các chuyên gia, điểm mới của Luật Lâm nghiệp lần này là mở rộng hai giai đoạn tiếp theo rất quan trọng là chế biến và thương mại. Điều này cụ thể hóa chiến lược xây dựng đất nước khi kinh tế của nước ta là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện hội nhập quốc tế.

Một chi tiết khá quan trọng được quy định tại luật mới được các doanh nghiệp gỗ quan tâm là quy định quản lý rừng bền vững và chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Khi Việt Nam thực hiện được chứng chỉ rừng bền vững thì chúng ta đã xác nhận được việc bảo vệ và phát triển rừng là lâu dài, ổn định và tạo được niềm tin của thị trường, tạo được thương hiệu của gỗ của Việt Nam. Theo đó, luật mới này mở ra vấn đề tích tụ đất đai để tạo ra những khu rừng tập trung quy mô lớn. Đây là giải pháp vừa tích tụ vừa bảo đảm người làm lâm nghiệp phải được giao rừng và khoán rừng, có thu nhập ổn định. Việc tích tụ đất đai không chỉ đơn thuần dồn đất đai vào cho doanh nghiệp, mà còn tạo liên kết giữa người chế biến và người cung ứng với hộ dân để tạo ra vùng nguyên liệu lớn, tạo ra phương thức quản lý hiệu quả.

Phát biểu tại diễn đàn luật mới - cơ hội mới tổ chức tại Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) mới đây, ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đánh giá luật mới ra đời đã cho thấy một hướng đi đúng của ngành nông nghiệp, đó là tập trung tháo gỡ các nút thắt về cơ chế, chính sách và cách thức tổ chức việc thực hiện để nâng cao năng lực bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên, phát triển rừng để nâng cao độ che phủ của rừng. Cùng với đó, luật mới ra đời giúp nâng cao năng suất chất lượng rừng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả các sản phẩm lâm nghiệp, gắn phát triển rừng với phát triển kinh tế, qua đó nâng cao đời sống cho người dân bảo vệ môi trường và quốc phòng - an ninh.

Có thể thấy, lần đầu tiên ở Việt Nam có một bộ luật giải quyết khá tốt quyền tiếp cận và hưởng lợi từ rừng, qua đó có triển vọng mở đường và tạo niềm tin chính sách cho việc gắn kết cải thiện sinh kế với bảo vệ và pháp triển rừng. Vấn đề đặt ra là cần thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển lâm nghiệp bền vừng từ nay đến năm 2020 và các năm tiếp theo.

Hướng đi nào cho ngành xuất khẩu gỗ Bình Dương?

Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch BIFA, cho biết hiện nay, loại gỗ chủ yếu phục vụ cho ngành chế biến gỗ trong nước là cao su (trồng phân bố chủ yếu ở miền Đông Nam bộ và Tây nguyên) và keo tràm (trồng phân bố trên cả nước). Tuy nhiên, chất lượng gỗ khai thác thực tế chưa cao và không đồng đều, cụ thể là cây bị phân cành sớm, lõi đen, khai thác ngắn ngày… nên giá trị thấp so với các quốc gia có cây cao su và keo tràm trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia. Điều này đặt ra vấn đề về nghiên cứu phát triển các giống cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng của Việt Nam để nâng cao giá trị khai thác gỗ của rừng trồng.

Thời gian qua, các viện, trung tâm nghiên cứu khoa học về giống cây trồng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với sự hỗ trợ chính sách và đầu tư của Nhà nước đã và đang phối hợp với các hiệp hội ngành nghề nghiên cứu phát triển các giống cây trồng phù hợp, mang lại giá trị cao và bền vững cho ngành lâm nghiệp của nước ta. Hiện nay, rừng trồng của Việt Nam, bên cạnh được giao cho cơ quan, tổ chức quản lý, Nhà nước còn giao cho các cá nhân, hộ gia đình quản lý và trồng rừng với diện tích khá lớn trên cả nước. Tuy vậy, do phân bố diện tích rừng cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân phân tán và quy mô nhỏ, các tổ chức, gia đình lại có xu hướng khai thác gỗ ngắn ngày đã làm giảm giá trị gỗ trồng.

Theo ông Hiệp, với sự ra đời của Luật Lâm nghiệp mới, Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ phát triển rừng bền vững, chính sách liên kết giữa chủ rừng và ngành chế biến gỗ. Bên cạnh đó, các hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp cần tích cực và chủ động xây dựng các mô hình hợp tác, hỗ trợ và kết nối chặt chẽ với người trồng rừng để khai thác rừng trồng dài ngày và hiệu quả cho cả người trồng và người chế biến. Nhà nước cũng cần xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về rừng và rừng trồng để có thể truy xuất nguồn gốc rừng dễ dàng và thuận tiện cho doanh nghiệp hoạt động trong ngành gỗ. Ông Hiệp khẳng định, sử dụng gỗ hợp pháp là chìa khóa đầu tiên để đi vào các thị trường quốc tế rộng lớn, mở ra cho ngành chế biến gỗ và phát triển rừng của Việt Nam.

Theo các doanh nghiệp chế biến gỗ tại Bình Dương, trong những năm gần đây ngành trồng rừng của nước ta dần phát triển, đáp ứng được phần lớn nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, việc phát triển rừng trồng phần lớn là theo hướng tự phát, người dân trồng rừng theo tập quán canh tác quảng canh, trồng rừng không đúng hướng dẫn kỹ thuật, sử dụng giống không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa quan tâm đến việc đầu tư thâm canh rừng, do đó năng suất rừng trồng cũng như chất lượng gỗ rừng trồng còn rất thấp. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến ngành chế biến và xuất khẩu gỗ của các doanh nghiệp trong nước.

Để thúc đẩy ngành lâm nghiệp phát triển ổn định, đặc biệt là phát triển rừng trồng phục vụ nhu cầu nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất và chế biến gỗ, bên cạnh những cơ chế, chính sách của Nhà nước, các chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp cần phải vào cuộc mạnh mẽ hơn; có những giải pháp cụ thể, những mô hình, chính sách hỗ trợ thiết thực nhằm liên kết chặt chẽ với người trồng rừng…

 TIỂU MY