Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án: Góp phần giảm bớt tranh chấp dân sự, khiếu kiện trong nhân dân

Thứ năm, ngày 28/01/2021

(BDO) Ngày 16-6-2020, Luật Hòa giải, đối thoại (HGĐT) tại tòa án được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ tháng 1-2021. Việc thực hiện hòa giải, đối thoại đối với các tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình… tại tòa án sẽ góp phần giảm bớt tranh chấp dân sự, khiếu kiện trong nhân dân.


Lãnh đạo Tòa án nhân dân TP.Dĩ An trao quyết định bổ nhiệm hòa giải viên tại Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhân dân TP.Dĩ An

HGĐT tại tòa án là hoạt động do hòa giải viên tiến hành khi tòa án thụ lý vụ việc dân sự, hành chính nhằm hỗ trợ các bên thỏa thuận giải quyết vụ việc dân sự, thống nhất giải quyết khiếu kiện hành chính theo quy định của Luật HGĐT tại tòa án. Nếu các bên thông qua HGĐT, tự nguyện thỏa thuận về việc giải quyết một phần hoặc toàn bộ vụ việc dân sự hoặc tự nguyện thống nhất về việc giải quyết một phần hoặc toàn bộ khiếu kiện hành chính thì được coi là hòa giải thành và đối thoại thành.

Để nhận được quyết định công nhận kết quả HGĐT, các bên phải tiến hành lần lượt theo các bước sau: Tiếp nhận, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu và chỉ định hòa giải viên; chuẩn bị và tiến hành phiên HGĐT; họp ghi nhận kết quả và ra quyết định công nhận kết quả HGĐT. Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành có hiệu lực thi hành ngay và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

Trên cơ sở những quy định trên, các hòa giải viên sẽ vận dụng những hiểu biết về pháp luật và kỹ năng hòa giải của bản thân để tham gia HGĐT với các đương sự trong các vụ việc khi có yêu cầu. Bà Hoàng Lệ Chi, hòa giải viên Trung tâm HGĐT Tòa án nhân dân TP.Dĩ An, cho biết: “Nguyên tắc đầu tiên của HGĐT là phải tôn trọng sự tự nguyện cũng như không bắt buộc, áp đặt các bên. Cùng với việc dựa vào những chuẩn mực đạo đức, văn hóa ứng xử truyền thống, hòa giải viên còn vận dụng những hiểu biết về pháp luật để giải thích, hướng dẫn, giúp đỡ các bên tìm được tiếng nói chung, từ đó đạt được thỏa thuận có lợi cho đôi bên, phù hợp với quy định pháp luật”.

Có thể nói rằng việc thực hiện HGĐT tại tòa án sẽ góp phần giải quyết có hiệu quả các mâu thuẫn, tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính trong nội bộ nhân dân. Nói thêm về điều này, ông Nguyễn Minh Hoàng, Chánh án Tòa án nhân dân TP.Dĩ An, cho biết: “Việc tổ chức hoạt động HGĐT tại tòa án sẽ góp phần khôi phục, duy trì, củng cố tình đoàn kết trong nội bộ nhân dân. Kết quả của HGĐT tại tòa án sẽ không có bên thắng, bên thua mà là cả hai bên đều thắng, đều tự nguyện nhượng bộ một phần lợi ích của bản thân để đạt được thỏa thuận. HGĐT còn phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong quản lý xã hội nói chung và giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh tại cơ sở nói riêng, dựa trên quyền tự định đoạt của các bên. Bên cạnh đó hoạt động HGĐT tại tòa án còn góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân, có ý nghĩa nhất định trong việc phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm”.

 NGUYỄN HẬU