Luật đất đai năm 2013: Định giá đất phải theo mục đích sử dụng đất hợp pháp

Thứ năm, ngày 13/03/2014
Rất nhiều điểm mới về đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và quan trọng hơn là định giá đất phải theo mục đích sử dụng đất hợp pháp theo thời điểm định giá và thời hạn sử dụng đất góp phần tháo gỡ những khó khăn, hạn chế trong quá trình thực thi Luật Đất đai năm 2013…

   Khu Đô thị và công nghiệp Mỹ Phước III (Bến Cát) ngày càng thu hút nhiều nhà đầu tư đến hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả

 Đăng ký đất đai… là bắt buộc

Luật Đất đai năm 2013 quy định đăng ký đất đai đối với người sử dụng đất (NSDĐ) và người được giao đất để quản lý là bắt buộc. Bên cạnh đó, luật còn quy định đăng ký quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thực hiện theo yêu cầu của chủ sở hữu; bổ sung quy định về các trường hợp đăng ký lần đầu, đăng ký biến động. Đăng ký đất đai còn được thực hiện bằng hình thức trên giấy và bổ sung quy định đăng ký trên mạng điện tử. Hai hình thức này đều có giá trị pháp lý như nhau (điều 95). Khi kê khai đăng ký, NSDĐ đều được ghi vào sổ địa chính, nếu không được cấp GCN thì được tạm thời sử dụng cho đến khi Nhà nước có quyết định xử lý.

Luật Đất đai năm 2013 đã bổ sung quy định trường hợp QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của nhiều người thì cấp mỗi người 1 GCN hoặc cấp chung 1 GCN; trường hợp là tài sản chung của vợ và chồng thì GCN ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng, nếu GCN đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc chồng thì được cấp đổi sang GCN mới để ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng nếu có nhu cầu. Ngoài ra, luật còn quy định cụ thể hơn những trường hợp sử dụng đất được cấp GCN; cấp GCN cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất và không có các giấy tờ về quyền sử dụng đất… (từ điều 97 đến 106).

Định giá đất phải theo mục đích sử dụng

Luật Đất đai năm 2013 quy định rõ nguyên tắc định giá đất phải theo mục đích sử dụng đất hợp pháp tại thời điểm định giá, theo thời hạn sử dụng đất và phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường của loại đất có cùng mục đích sử dụng đã chuyển nhượng hoặc thu nhập từ việc sử dụng đất hoặc giá trúng đấu giá QSDĐ đối với những nơi có đấu giá QSDĐ. Cùng một thời điểm các thửa đất liền kề nhau có cùng mục đích sử dụng, khả năng sinh lợi, thu nhập từ việc sử dụng đất tương tự như nhau thì có mức giá như nhau. Khung giá đất, bảng giá đất cũng được luật xây dựng định kỳ 5 năm một lần và được điều chỉnh khi thị trường có biến động. Đối với trường hợp các địa phương không thống nhất được giá đất tại khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì theo luật phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Khi xây dựng bảng giá đất, luật tính rất rõ từng trường hợp cụ thể. Chỉ đề cập đến quy định đối với UBND cấp tỉnh quyết định giá đất cụ thể tại thời điểm định giá để áp dụng đối với các trường hợp, luật quy định rất cụ thể như: Tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận QSDĐ của hộ gia đình, cá nhân đối với phần diện tích đất ở vượt hạn mức quy định; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở đối với phần diện tích vượt hạn mức giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân, tính tiền thuê đất đối với đất nông nghiệp vượt hạn mức giao đất, vượt hạn mức nhận chuyển QSDĐ nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất không thông qua hình thức đấu giá QSDĐ; công nhận QSDĐ, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với tổ chức mà phải nộp tiền sử dụng đất; tính tiền thuê đất đối với trường họp Nhà nước cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá QSDĐ; tính giá trị QSDĐ khi cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước mà doanh nghiệp cổ phần sử dụng đất thuộc trường họp Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê; tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất…

Việc quy định cụ thể từng điều trong Luật Đất đai năm 2013 rất phù hợp với thực tiễn, sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua, tạo điều kiện thuận lợi để thực thi luật có hiệu quả.

 M.H