Luật chuyển giao công nghệ 2017: Tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp
(BDO) Vụ Đánh giá - Thẩm định và Giám định công nghệ và Viện Đánh giá khoa học và định giá công nghệ (Bộ KHCN) phối hợp với Sở KHCN vừa tổ chức Hội nghị phổ biến văn bản pháp luật về chuyển giao công nghệ (CGCN) cho các ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp (DN) trong tỉnh.
Luật CGCN (sửa đổi) 2017 được Quốc hội thông qua ngày 19-6-2017 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2018. So với Luật CGCN 2006 thì Luật CGCN 2017 có nhiều điểm mới trong việc chuyển giao, quản lý công nghệ, quy định về thiết bị đã qua sử dụng…
Đổi mới công nghệ
Những điểm mới của Luật CGCN 2017 đã tạo thuận lợi nhiều hơn cho DN khi vấn đề giao quyền sở hữu và quyền sử dụng công nghệ sửa đổi theo hướng hoàn chỉnh và tiến bộ hơn, qua đó cũng tạo thuận lợi cho tổ chức chủ trì việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (NCKH-PTCN).
Luật CGCN (sửa đổi) 2017 sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tiếp cận công nghệ hiện đại, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Trong ảnh: Hệ thống sản xuất đầu nối dây điện tự động tại Triển lãm công nghiệp và sản xuất Việt Nam tại Bình Dương. Ảnh: HOÀNG PHẠM
Ông Trần Ngọc Hậu, Viện trưởng Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ (Bộ KHCN), cho biết áp dụng Luật CGCN 2017, DN được sử dụng quỹ phát triển KHCN của DN để đầu tư, đối ứng vốn, nhận vốn đối ứng đầu tư cho hoạt động đổi mới công nghệ, ươm tạo công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo, thương mại hóa kết quả NCKH-PTCN. Chính quy định này đã giúp các DN mở rộng nội dung chi của quỹ nhằm tối ưu hóa hiệu quả sử dụng cho hoạt động NCKH-PTCN của DN.
Đối với phát triển thị trường KHCN, Luật CGCN 2017 đã bổ sung các quy định mở đường cho phát triển nguồn cung - cầu công nghệ; mua sáng chế, sáng kiến được áp dụng hiệu quả ở quy mô nhỏ để chuyển giao cho DN, cộng đồng. Đặc biệt, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn cần tăng cường kiểm soát công nghệ, Luật CGCN 2017 được thông qua lần này đã dành một chương quy định về thẩm định công nghệ các dự án đầu tư. Theo đó, việc tăng cường kiểm soát công nghệ cần bảo đảm không làm tăng gánh nặng và rào cản về thủ tục hành chính đối với DN, đồng thời tránh được các xung đột pháp luật với các đạo luật hiện hành liên quan.
Bà Hứa Thị Huần, Giám đốc Công ty TNHH Kỹ nghệ nhiệt và Môi trường CAXE (TX.Dĩ An), cũng cho rằng Luật CGCN 2017 đã bổ sung thêm một số cơ chế hỗ trợ DN ứng dụng, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ. Đặc biệt, theo luật này, việc thừa nhận các quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền khác phát sinh từ kết quả NCKH-PTCN, đối tượng sở hữu trí tuệ có thể xác định được giá trị là quyền tài sản, là tài sản bảo đảm cho giao dịch vay vốn đầu tư từ Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ Phát triển KHCN quốc gia và các tổ chức tín dụng. Đây có thể coi là cơ sở giúp cho DN mạnh dạn đổi mới KHCN trong sản xuất.
Lựa chọn công nghệ phù hợp
Để kiểm soát, ngăn chặn công nghệ lạc hậu nhập vào Việt Nam, ngoài quy định về thẩm định công nghệ, Luật CGCN 2017 cũng sửa đổi tiêu chí xác định công nghệ được khuyến khích chuyển giao, công nghệ hạn chế chuyển giao và công nghệ cấm chuyển giao; bổ sung cơ chế quản lý đối với từng loại công nghệ, bảo đảm nắm được các luồng công nghệ chuyển giao.
Theo ông Phạm Hồng Quách, Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ (Bộ KHCN), việc sửa đổi nói trên thể hiện ở các quy định về thẩm định công nghệ dự án đầu tư và quản lý chuyển giao công nghệ. Cơ chế bắt buộc đăng ký chuyển giao công nghệ là cần thiết để các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam đã tạo nên một bộ lọc để cơ quan quản lý nhà nước có thể kiểm soát, ngăn chặn việc gian lận, chuyển giá qua hoạt động chuyển giao công nghệ. Đồng thời, qua đó cơ quan quản lý nhà nước cũng có cơ chế để rà soát công nghệ nhập khẩu, tránh trùng lặp, gây lãng phí nguồn lực của xã hội.
Sở KHCN khuyến nghị các DN nên nắm rõ những ưu đãi về NCKH-PTCN cũng như các chế tài trong việc chuyển giao công nghệ theo quy định của Luật CGCN 2017 để tăng cường chuyển đổi công nghệ sản xuất, hạn chế việc chuyển giao các công nghệ cũ, lạc hậu, ô nhiễm môi trường. Các DN cũng cần chú ý đến việc chuyển giao công nghệ trong nước có sử dụng vốn Nhà nước hoặc ngân sách Nhà nước.
“Luật CGCN (sửa đổi) 2017 sẽ tạo môi trường pháp lý thuận lợi thúc đẩy hoạt động CGCN, đổi mới công nghệ, thương mại hóa và ứng dụng những thành tựu KHCN hiện đại, lành mạnh hóa thị trường công nghệ và môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Trên cơ sở đó sẽ góp phần nâng cao năng lực công nghệ của quốc gia và công nghệ thúc đẩy chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế đi đôi với kiểm soát công nghệ chuyển giao”.
(Bộ trưởng Bộ KHCN Chu Ngọc Anh)
KHÁNH ĐĂNG