Luật Cảnh sát biển góp phần tăng cường hiệu quả quản lý, bảo vệ biển
(BDO)
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị biểu quyết thông qua Luật Cảnh sát biển Việt Nam. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Với 467/468 đại biểu Quốc hội tán thành, chiếm 96,29%, Quốc hội đã thông qua Luật Cảnh sát biển tại Kỳ họp thứ 6, chiều 19/11.
Luật gồm 8 chương, 41 điều, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; tổ chức và hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam; chế độ, chính sách đối với Cảnh sát biển Việt Nam; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Luật quy định cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển. Cảnh sát biển Việt Nam có chức năng tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất với Đảng, Nhà nước về chính sách, pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam; quản lý về an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế theo thẩm quyền.
Quy định về tuần tra, kiểm tra, kiểm soát của cảnh sát biển Việt Nam, Luật quy định: Cảnh sát biển Việt Nam tuần tra, kiểm tra, kiểm soát người, tàu thuyền, hàng hóa, hành lý nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật trên biển.
Các trường hợp dừng tàu, thuyền để kiểm tra, kiểm soát bao gồm trực tiếp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật; thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được hành vi vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật; có tố giác, tin báo về tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật; có văn bản đề nghị của cơ quan có thẩm quyền về truy đuổi, bắt giữ người, tàu thuyền và phương tiện vi phạm pháp luật; người vi phạm tự giác khai báo về hành vi vi phạm pháp luật.
Khi tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, Cảnh sát biển Việt Nam phải thể hiện màu sắc của tàu thuyền, máy bay và phương tiện khác; cờ hiệu, phù hiệu, dấu hiệu nhận biết và trang phục theo quy định tại Điều 29 và Điều 31 của Luật này. Cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trong vùng biển Việt Nam có trách nhiệm chấp hành sự kiểm tra, kiểm soát của Cảnh sát biển Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định quy trình tuần tra, kiểm tra, kiểm soát của Cảnh sát biển Việt Nam.
Khi thi hành nhiệm vụ, cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát biển Việt Nam sử dụng vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và được nổ súng quân dụng theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Ngoài các trường hợp nổ súng quân dụng theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, khi thi hành nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn, cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát biển Việt Nam được nổ súng vào tàu thuyền trên biển, trừ tàu thuyền của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế, tàu thuyền có chở người hoặc có con tin, để dừng tàu thuyền, thuộc một trong các trường hợp sau đây: Đối tượng điều khiển tàu thuyền đó tấn công hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác; khi biết rõ tàu thuyền do đối tượng phạm tội điều khiển cố tình chạy trốn; khi biết rõ tàu thuyền chở đối tượng phạm tội hoặc chở vũ khí, vật liệu nổ trái phép, tài liệu phản động, bí mật nhà nước, ma túy, bảo vật quốc gia cố tình chạy trốn; khi tàu thuyền có đối tượng đã thực hiện hành vi cướp biển, cướp có vũ trang theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và quy định của pháp luật hình sự cố tình chạy trốn.
Trường hợp nổ súng theo quy định tại khoản 2 Điều này, cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát biển Việt Nam phải cảnh báo bằng hành động, mệnh lệnh, lời nói hoặc bắn chỉ thiên trước khi nổ súng vào tàu thuyền; phải tuân theo mệnh lệnh của người có thẩm quyền khi thực hiện nhiệm vụ có tổ chức./.
Theo TTXVN